STNN - Nhận thức đúng về tầm quan trọng của thương hiệu, tích cực xây dựng thương hiệu trên cơ sở đẩy mạnh phát triển quy mô, cơ giới hóa sản xuất và chế biến, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá xã hội; lan tỏa, nâng cao sức ảnh hưởng của các sản phẩm, từ đó tạo nguồn thu nhập cao và ổn định, yên tâm sản xuất là điều mà người sản xuất và kinh doanh hướng tới.
Định vị thương hiệu càng sớm càng chiếm được lợi thế
Để xây dựng thương hiệu, cần đặt mục tiêu phấn đấu trở thành thương hiệu đẳng cấp, thương hiệu có tầm ảnh hưởng, được công nhận, có giá trị lâu dài và đáng tin cậy. Hành trình – có thể gọi là cuộc đua này, đòi hỏi người ta phải nhanh và không bao giờ quên mục đích ban đầu. Muốn thành công, cần “chiếm lĩnh” thương hiệu càng sớm càng tốt và đẩy mạnh quảng bá nó.
Nông nghiệp và nông sản vốn hàm chứa văn hóa địa phương, hoạt động sản xuất nông nghiệp và kết quả của nó - nông sản, không chỉ mang tính kinh tế mà còn phản ánh và bao gồm các yếu tố văn hóa đặc trưng của một vùng, một quốc gia hoặc một cộng đồng. Vì vậy, cần phải khám phá, sáng tạo, chắt lọc và lan tỏa những giá trị văn hóa liên quan đến nông sản để tạo nên thương hiệu.
Tài nguyên văn hóa liên quan đến nông sản bao gồm: Các phương pháp nuôi trồng có thể phản ánh truyền thống và văn hóa của một cộng đồng. Các lễ hội nông nghiệp, thực phẩm truyền thống, các phương pháp làm việc tập thể trong nông nghiệp, v.v. đều thể hiện những giá trị xã hội và văn hóa địa phương. Mỗi vùng địa lý có thể có các loại cây trồng đặc trưng, các sản phẩm nông nghiệp đặc biệt và các phương pháp sản xuất truyền thống riêng. Những điều này thể hiện sự đa dạng về văn hóa và kỹ thuật của các cộng đồng nông nghiệp địa phương. Người làm thương hiệu nông nghiệp có thể khám phá và phát triển tính văn hóa của sản phẩm nông nghiệp, làm phong phú thêm cho câu chuyện thương hiệu và niềm tin thương hiệu từ đây.
Sự khác biệt về chất lượng làm nổi bật thương hiệu
Cải tiến giống và phương pháp trồng là bước đầu tạo ra những khác biệt của sản phẩm. Người xây dựng thương hiệu phải giỏi trong việc lồng ghép điểm khác biệt, độc đáo của những sản phẩm này vào thương hiệu, biến chúng thành đặc điểm riêng, và nếu được, trở thành biểu tượng để người tiêu dùng nhận biết thương hiệu.
Trên thế giới, không ít quốc gia thành công trong việc làm nên thương hiệu từ sự khác biệt. Một trường hợp điển hình là quả kiwi vốn có xuất xứ từ Trung Quốc có ruột màu xanh, vị chua. Khi giống quả này du nhập vào New Zealand, các nhà khoa học đã lai tạo và cho ra mắt giống quả kiwi ruột vàng, vị ngọt được người tiêu dùng ưa chuộng. Tên của loại quả này được gắn với tên một loài chim chỉ có ở đảo quốc New Zealand, vậy nên khi nhắc đến trái kiwi, người tiêu dùng dường như chỉ nhớ đến New Zealand. Năm 2012, quả Kiwi Zespri International New Zealand chiếm 28% thị phần toàn cầu, vượt xa khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc, quê hương của quả kiwi.
“Đóng đinh” vào tâm trí người tiêu dùng
Thị trường nông sản là thị trường có tính phổ thông cao, nếu bản thân sản phẩm chưa đủ khác biệt thì cần nỗ lực để tạo ra sự khác biệt về giá trị sản phẩm cũng như thương hiệu. Cần tạo ra các tiêu chuẩn sản phẩm hàng đầu, hoặc tiêu chuẩn độc đáo để dẫn đầu.
Trên thương trường, không được bỏ qua hai điều: một là hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, còn lại là tiêu chuẩn đánh giá của người tiêu dùng. Trong một ngành hoặc lĩnh vực nào đó, việc tạo ra các tiêu chuẩn ngành hàng đầu hoặc độc đáo có thể dẫn dắt ngành và thậm chí định hướng hình thành các tiêu chuẩn, khiến cho đối thủ cạnh tranh trở thành người theo sau, bắt chước hoặc xem đây là tiêu chuẩn để đánh giá sản phẩm từ phía người tiêu dùng. Đây là quy luật hữu hiệu để chiếm lĩnh thị trường và xây dựng thương hiệu cho nông sản.
Ở một khía cạnh nào đó, việc có tiêu chuẩn trong tâm trí người tiêu dùng còn quan trọng hơn tiêu chuẩn thực tế. Có tiêu chuẩn thì bạn có quyền nói, bạn có sự chủ động, bạn có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Hãy mạnh dạn đổi mới, dẫn đầu làn sóng mới mẻ và khác biệt, quảng bá tiêu chuẩn này một cách rầm rộ và đưa tiêu chuẩn đi vào lòng người tiêu dùng.
Gia công sâu khiến sản phẩm trở nên khác biệt hoàn toàn
Thị trường nông sản là thị trường có tính đồng nhất tự nhiên cao, các sản phẩm vì vậy thường có giá trị sản phẩm và giá trị gia tăng thấp. Việc đầu tư gia công, chế biến sâu sẽ làm tăng đáng kể giá trị của sản phẩm, khiến những sản phẩm (nguyên liệu đầu vào) giống nhau ban đầu trở nên khác biệt, từ đó tạo ấn tượng với nhà phân phối, người tiêu dùng.
Chế biến sâu được ví von như là “ảo thuật gia” tạo nên sự độc đáo về mẫu mã, giá trị, về tính tiện lợi, đảm bảo vệ sinh, sự thuận tiện trong bảo quản và vận chuyển... để định vị được trong “tệp nhu cầu” của người tiêu dùng. Thay vì chỉ bán sản phẩm nông sản nguyên liệu, chế biến sâu cho phép tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn và độc đáo hơn từ nguyên liệu gốc, như tinh chất, chiết xuất hoặc sản phẩm có giá trị khác. Việc này không chỉ mở rộng phạm vi sản phẩm, mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh mới và tăng khả năng cạnh tranh trong thị trường.
Ví dụ, sau khi chế biến sâu, từ 1 kg ớt khô có thể chiết xuất được 40 gam sắc tố đỏ từ ớt, 10 gam tinh chất ớt, 60 gam dầu hạt ớt và capsaicin (một chất không mùi, không vị có khả năng giảm đau trong cơ thể), những mảnh vụn còn lại được bán làm thức ăn chăn nuôi. Bằng cách này, 1 kg ớt khô có thể tăng giá trị lên gấp 7 lần giá trị ban đầu!
Từ việc chế biến sâu, thương hiệu nông sản có thể xây dựng được hình ảnh của mình dựa trên chất lượng, giá trị dinh dưỡng, độ tươi ngon, an toàn và tính sáng tạo của các sản phẩm chế biến. Điều này có thể thu hút sự quan tâm và lòng tin của khách hàng, tạo dựng một danh tiếng tốt và tạo ra lợi thế cạnh tranh trong thị trường.
Duy trì việc xây dựng thương hiệu trong toàn bộ quá trình từ sản xuất tới chăm sóc khách hàng
Đầu tiên, hãy chú ý đến chất lượng sản phẩm. Thiết lập và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng đối với các sản phẩm, kiểm soát toàn bộ quá trình từ trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất và chế biến đến khâu bán hàng cuối cùng. Cải thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc chất lượng và an toàn, đảm bảo an toàn và tin cậy về chất lượng sản phẩm, đồng thời nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông nghiệp. Khuyến khích trồng các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, thúc đẩy việc tích cực chứng nhận các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, đạt được thương hiệu cao cấp và tăng thu nhập.
Thứ hai, tối ưu hóa việc kết hợp các sản phẩm nông sản đặc sắc. Thông qua việc giới thiệu nhân tài, hợp tác với các viện nghiên cứu khoa học, v.v. để tiếp tục đổi mới và mở rộng các sản phẩm nông nghiệp hiện có, phát triển các sản phẩm nông sản đặc sắc có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng; đồng thời, biến việc phát triển và quảng bá sản phẩm trở thành động lực thúc đẩy việc hiện thực hóa mục tiêu chiến lược nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp.
Thứ ba, chú ý đến nhu cầu thị trường. Tăng cường giao tiếp với người tiêu dùng; mở các kênh để tiếp cận, hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của thị trường trong việc mua nông sản; tối ưu hóa, cung cấp sản phẩm theo nhu cầu và mong đợi của khách hàng, nâng cao sự hài lòng khi mua hàng của khách hàng, đồng thời nâng cao lòng trung thành và uy tín của thương hiệu.
Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu qua nhiều kênh
Cần tận dụng tối đa các phương tiện truyền thông truyền thống. Thường xuyên quảng bá sản phẩm, quảng cáo thương hiệu, “phủ rộng” thông tin về sản phẩm và thương hiệu của bạn trên các phương tiện truyền thông chính thống để mở rộng sự tiếp xúc với công chúng, đồng thời tăng cường khả năng hiển thị của thương hiệu.
Để xây dựng thương hiệu nông sản, bạn có thể mở cửa hàng trực tuyến trên nền tảng mua sắm để cung cấp thông tin về thương hiệu và bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các nền tảng phát sóng trực tiếp để tổ chức các chương trình bán hàng, “phủ sóng” thị trường và thu hút khách hàng ở nhiều cấp độ khác nhau. Cùng với đó, cần tận dụng các kênh quảng bá “cũ” như gặp gỡ tiếp xúc, tiếp thị, quảng bá thương hiệu, tham gia hội chợ thương mại, triển lãm để nâng cao uy tín, lựa chọn các bên trung gian có tầm nhìn và uy tín tốt hơn để hợp tác.
Thông tin được thu thập từ trải nghiệm thực tế của người tiêu dùng và thông tin được truyền đạt thông qua đánh giá trên mạng, nhận xét từ bạn bè, gia đình hoặc các diễn đàn trực tuyến ảnh hưởng rất lớn tới thương hiệu. Nếu sản phẩm/thương hiệu của bạn giành được sự công nhận từ người tiêu dùng, họ sẽ sẵn sàng giới thiệu, chia sẻ và phổ biến chúng nhanh chóng và rộng rãi. Lúc này, người tiêu dùng trở thành người tuyên truyền mạnh mẽ nhất về hình ảnh thương hiệu và văn hóa thương hiệu của các sản phẩm nông sản.
Linh Ngọc