STNN - Cách đây 65 năm, ngày 1/4/1959, trong chuyến thăm các làng cá và bà con ngư dân ở một số đảo Tuần Châu, Cát Bà. Đứng trước mênh mông biển đảo Tổ quốc, Bác đã căn dặn: “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ. Cán bộ phải lo cho đời sống của nhân dân”.
- Cục Thủy sản kết hợp với Cục Tác chiến (BQP) triển khai phần mềm e-CDT
- Nghiên cứu đề xuất mô hình hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012 nhằm phát triển liên kết theo chuỗi giá trị phù hợp với từng nhóm sản phẩm nông, lâm thủy sản ở các vùng, miền khác nhau
Lời dạy của Bác thể hiện tư tưởng lớn về tiềm năng phát triển của kinh tế biển và khơi dậy ý thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, mãi mãi nhắc nhở đến lớp người kế thừa xây dựng nghề cá Việt Nam. Thể theo nguyện vọng của ngành Thủy sản và đông đảo bà con ngư dân, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 1/4 hàng năm chính thức là Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam tại Quyết định số 173-TTg ngày 18/3/1995.
Sau 65 năm hình thành và phát triển, đến nay, thủy sản đã luôn là một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngành thủy sản Việt Nam đã có những bước phát triển khá toàn diện cả về khai thác, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu, dịch vụ, thương mại theo hướng công nghiệp, hiện đại; duy trì được sự tăng trưởng ổn định qua các năm; có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế và khu vực nông, lâm, thủy sản, nhất là xuất khẩu thủy sản. Tính đến hết tháng 12/2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 9,269 triệu tấn, trong đó: khai thác thủy sản đạt 3,861 triệu tấn; nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,408 triệu tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2023 ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD, kém 0,8 tỷ USD so với kế hoạch đề ra 10 tỷ USD.
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản tới năm 2023 ước đạt 1,3 triệu ha nuôi nội địa và 9,5 triệu m³ lồng nuôi biển. Trong đó, nuôi biển tăng 5,5%, bao gồm: 4,3 triệu m³ lồng nuôi cá biển; 5,2 triệu m³ lồng nuôi tôm hùm và 57 nghìn ha nuôi nhuyễn thể. Tổng sản lượng nuôi biển đạt 789,8 nghìn tấn, tăng 10,1% so với năm 2022, gồm: Cá biển 46 nghìn tấn; tôm hùm 3,8 nghìn tấn; nhuyễn thể 440 nghìn tấn; đối tượng khác 300 nghìn tấn.
Nuôi nước lợ đạt tổng diện tích khoảng 920 nghìn ha, sản lượng 1,496 triệu tấn, trong đó tôm sú đạt 274 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 845 nghìn tấn.
Nuôi thủy sản nước ngọt 380 nghìn ha, sản lượng khoảng 3,122 triệu tấn. Trong đó, diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.700 ha, sản lượng đạt 1,71 triệu tấn, tăng 0,6% so với năm 2022. Cá rô phi: diện tích nuôi 30 nghìn ha, sản lượng 270 nghìn tấn, tăng 3,8% so với năm 2022. Ngoài ra, nuôi hỗn hợp và thủy sản khác đạt diện tích khoảng 344 nghìn ha, sản lượng 1,142 triệu tấn, tăng 1,1%.
Đối với lĩnh vực khai thác thủy sản, tổng sản lượng khai thác năm 2023 ước khoảng 3,861 triệu tấn, trong đó, sản lượng khai thác biển 3,66 triệu tấn. Số lượng tàu cá đã giảm còn 83.430 chiếc, giảm 6.292 chiếc so với năm 2022 là 89.722 chiếc theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu trong tiến trình gỡ “thẻ vàng” IUU. Trong đó: tàu từ 6-12m là 37.770 chiếc (giảm 5.230 chiếc); tàu từ 12-15m là 16.000 chiếc (giảm 480 chiếc); tàu từ 15-24m là 26.500 chiếc (giảm 470 chiếc); tàu trên 24m là 2.510 chiếc (giảm 112 chiếc).
Đến nay, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với hơn 600 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, ngành Thủy sản tạo công ăn việc làm cho khoảng 5 triệu lao động đưa Việt Nam vào vị trí các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Hoạt động khai thác thủy sản giải quyết sinh kế cho người dân vùng ven biển, hải đảo, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Các cơ chế, chính sách của ngành cơ bản được hoàn thiện. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; có 11 chương trình, đề án thực hiện Chiến lược cũng đã được ban hành.
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, ngành Thủy sản Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, giữ ổn định sản lượng khai thác thủy sản đạt 2,8 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 7,0 triệu tấn, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 14- 16 tỷ USD; là một trong các ngành chủ lực trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII).
Để kỷ niệm 65 năm ngày Truyền thống ngành Thủy sản (01/4/1959 - 01/4/2024), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Văn bản số 515/BNN-TS ngày 16/01/2024, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiều hoạt động, phong trào hưởng ứng ngày lễ này. Trong đó có tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về mục đích, ý nghĩa của ngày truyền thống ngành Thủy sản, nhằm khơi dậy truyền thống ngành, động viên tinh thần thi đua lao động sản xuất của bà con ngư dân và cán bộ trong ngành. Phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản; tiếp tục bố trí kinh phí để duy trì hoạt động thả giống thủy sản tại các vùng nước ở địa phương nhằm khôi phục, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, các hội, hiệp hội thủy sản, doanh nghiệp, cộng đồng ngư dân tích cực tham gia các hoạt động về thả giống phục vụ tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản và hướng tới việc xã hội hóa hoạt động này.
Theo: tongcucthuysan.gov.vn