95 mùa xuân của Đảng

STNN - Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua chặng đường dài 95 năm hoạt động lãnh đạo cách mạng Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025). Trên chặng đường đầy gian nan, thử thách, nhưng vô cùng vẻ vang và rất đáng tự hào ấy, thực hiện sứ mệnh lịch sử cao cả của mình, Đảng đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân, trong đó có giai cấp nông dân Việt Nam, lập nên nhiều kỳ tích và thành tựu to lớn, để có được cuộc sống độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc và tươi đẹp hôm nay.
95-nam-dang-dong-hanh-stnn-2-1736479244.jpg
 
Nguồn: dangcongsan.vn

Ngay từ Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 10/1930, với tầm nhìn xa, trông rộng, Đảng đã sáng suốt thống nhất thông qua Luận cương chính trị, đề ra đường lối cách mạng tư sản dân quyền (còn gọi là cách mạng dân chủ nhân dân), trong đó xác định vấn đề giải phóng nông dân là một trong hai nhiệm vụ căn cốt của cách mạng Việt Nam: “Nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng tư sản dân quyền là đánh đổ đế quốc Pháp giành độc lập dân tộc và đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến, đem lại ruộng đất cho nông dân. Hai nhiệm vụ ấy có quan hệ khăng khít với nhau(1). Nhờ có đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam đã đứng lên làm Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, là nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Chuyển sang giai đoạn cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi đế quốc Mỹ xâm lược, giai cấp nông dân Việt Nam, sát cánh cùng giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, vừa là lực lượng đông đảo nhất tham gia cầm súng trực tiếp chiến đấu trên các mặt trận, vừa là hậu phương lớn nhất sản xuất lương thực, thực phẩm cung cấp cho tiền tuyến và cả nước. Nông dân Việt Nam đã góp phần cùng các tầng lớp nhân dân lập nên những chiến công hiển hách, làm nên nhiều sự kiện vang dội năm châu, chấn động địa cầu. Đó là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Giơnevơ. Hòa bình được lập lại trên nửa đất nước ta. Đó là chiến dịch lịch sử Đại thắng mùa Xuân - ngày 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chấm dứt 30 năm đêm trường đằng đẵng “vầng trăng vẫn xẻ làm đôi” của nhân dân hai miền Nam - Bắc. 

Sau ngày thống nhất đất nước, đường lối lãnh đạo của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí cực kỳ quan trọng của giai cấp nông dân, nông nghiệp và nông thôn Việt Nam, thể hiện qua nội dung các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc từ Đại hội lần thứ IV đến Đại hội lần thứ XIII, cùng các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Tất nhiên, ở mỗi giai đoạn phát triển lịch sử của đất nước, đường lối về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam được bổ sung những nội dung và đặc điểm mới, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh khách quan của đất nước và thế giới. Nhưng vai trò và tầm quan trọng tới mức “sống còn” của nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam đối với cả nước, trong đường lối lãnh đạo của Đảng là bất biến. Chúng ta không thể quên được sự chuyển biến ngoạn mục về sản xuất lúa gạo vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX. Nếu như vào năm 1988, nước ta vẫn phải nhập khẩu 199,5 nghìn tấn lương thực phục vụ nhu cầu trong nước đang còn rất khó khăn, thiếu thốn, thì chỉ sau một năm - năm 1989, chúng ta đã sản xuất đủ số lượng gạo dùng trong nước. Hơn thế, đã bắt đầu xuất khẩu được 1,4 triệu tấn gạo(2), và liên tiếp những năm sau đều xuất khẩu gạo với khối lượng ngày càng tăng. Nhân dân phấn khởi, vui mừng vì đời sống được cải thiện rõ rệt. Một trong những nguyên nhân làm nên điều kỳ diệu ấy là việc ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) ngày 05/4/1988, về đổi mới quản lý kinh tế trong nông nghiệp. Đây chính là “cây đũa thần” đã trực tiếp tạo ra những chuyển biến căn bản và sâu rộng, làm nên nhiều thành tựu to lớn không chỉ trong quá trình phát triển nông nghiệp và nông thôn giai đoạn đó, mà còn ảnh hưởng tích cực tới những giai đoạn phát triển sau này của đất nước.

Kế thừa và phát triển đường lối lãnh đạo của các Đại hội Đảng nhiệm kỳ trước, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021) đã đánh giá một cách toàn diện bức tranh nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam: “Nông nghiệp có bước chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế; kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành sớm hơn gần 2 năm so với kế hoạch đề ra, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân. Phát triển kinh tế số bước đầu được chú trọng(3). Đường lối đúng tất yếu đem lại kết quả rực rỡ. Vượt qua những khó khăn ghê gớm của đại dịch Covid-19, cơn bão Yagi và vô vàn khó khăn khác, chúng ta đã gặt hái được nhiều thành công lớn. Các năm 2022, 2023 và nhất là năm 2024 - một năm bứt phá mạnh mẽ của nền nông nghiệp nước ta trên cả hai mặt sản xuất và xuất khẩu. Giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 62 tỷ USD, tăng trên 18% so năm 2023, với 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD(4). Nông nghiệp ngày càng thể hiện và khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế Việt Nam. Cùng với đó, các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới đã và đang lần lượt được hoàn thành. Tính đến ngày 20/10/2024, cả nước có 296 huyện được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỉ lệ 45,96%, trong đó có 11 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 6.320/8.162 xã đạt chuẩn nông thôn mới cấp tỉnh và 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu(5),…

Lực lượng nòng cốt trực tiếp góp sức làm nên bức tranh nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, qua các giai đoạn phát triển lịch sử của đất nước, ngày một thêm tươi đẹp, lung linh sắc màu, chính là những người nông dân vô cùng hiền lành, trung thực, chất phác và chăm chỉ “một nắng hai sương” trong cuộc sống. Chuyển sang giai đoạn mới của đất nước, nông dân Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận và sử dụng khoa học, công nghệ, trong đó có lĩnh vực chuyển đổi số vào sản xuất và đời sống một cách có chất lượng và hiệu quả. 

Hiện nay, chiếc điện thoại, máy tính và mạng Internet đã trở nên quen thuộc và rất cần thiết đối với cuộc sống của các gia đình nông dân. Internet cùng công nghệ tiên tiến (IoT, AI, Blockchain,…) giúp bà con nông dân nắm bắt kỹ thuật mới, nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, mở cánh cửa cho nông nghiệp hiện đại.

Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt và đúng đắn của Đảng, nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam sẽ tiếp tục thu hoạch được nhiều vụ mùa lớn hơn nữa, kỳ vĩ hơn nữa. Chặng đường 95 năm phát triển vẻ vang của Đảng, cũng là 95 mùa xuân đã và đang về làm ấm áp mọi căn nhà, ngõ xóm, làm hoa màu, cây trái nở rộ tươi tốt trên những cánh đồng “thẳng cánh cò bay” của nông thôn Việt Nam hôm nay.

--------
(1) Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; ngày 19/12/2024.
(2) “Việt Nam là một nước hàng đầu về xuất khẩu gạo”; Nhân Dân điện tử, ngày 24/4/2006.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật. Tr.61, 62.
(4) “Năm 2024 xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp tăng 18%”; Báo điện tử Chính phủ, ngày 22/12/2024.
(5) “Dồn sức thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024”; Báo điện tử Đại biểu Nhân dân, ngày 24/10/2024.

Lê Tiến Dũng