- Độc đáo Lễ hội đấu vật làng Sình ở Huế
- Khôi phục lễ hội bắt cá truyền thống tại xã ven đô thành phố Hà Tĩnh
Độc đáo lễ mừng lúa mới A Da Koonh
Lễ mừng lúa mới A Da Koonh được tổ chức 3 - 5 năm một lần, cho toàn bản làng, khác với lễ A Da Kăn được tổ chức hàng năm, ở từng gia đình. Vì vậy, lễ mừng lúa mới A Da Koonh không chỉ phản ánh sự ấm no sau mỗi mùa vụ, mà còn phản ánh tinh thần đoàn kết cộng đồng trong hành trình dài của cuộc sống.
"Làng bản năm nay được mùa
Nhớ ơn Yàng dân làng ăn tết lớn...".
Chuẩn bị cho lễ A Da Koonh, dưới sự phân công của già làng, mọi người cùng nhau lên rẫy, vào rừng, ra suối mang về lễ vật, thực phẩm cho ngày hội. Họ cùng nhau làm các loại bánh Akoát, Azưh, Hoor từ những loại gạo, nếp ngon nhất như Tre, Ra dư, Ku da, Aham, Ku chah, Ku hom, làm rượu cần Ariêu, rượu trắng Asiêu, rượu mía Aviet,… để cúng thần và đãi khách quý. Không khí chuẩn bị rộn ràng, vui tươi khắp bản làng Pa Cô, báo hiệu một mùa lễ hội A Da Koonh đẹp đẽ, mê say và ấm áp tình người đang đến gần.
Cột lễ đâm trâu - một biểu tượng của lễ A Da Koonh tuy đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa và ước vọng của người Pa Cô. Hai thanh tre anoi cao vút, biểu tượng cho bông lúa, ngả về hai hướng: Hướng mặt trời mọc cầu mong công việc, trao đổi vật dụng như cồng, chiêng, dao, áo, quần, muối,… ở đồng bằng được thuận lợi. Hướng mặt trời lặn cầu mong trao đổi được nhiều Dèng, trâu bò, dê, lợn,… ở vùng Lào, Tà oayh suôn sẻ, may mắn.
Ngày tốt đã định, vào sáng sớm tinh mơ, các dòng họ cùng già làng đến kho lúa ti nong/tân nong mời Mẹ Lúa về Moong dự lễ. Một nghi thức độc đáo được tiến hành ở cửa chính, già làng Pa Cô lấy đoạn tre có mắt hai đầu, nung trên lửa, rồi đập mạnh vào đà cửa: Đập về hướng mặt trời mọc cầu cho hồn mẹ lúa, ngô, bầu, bí,... đang lưu lạc về với nương rẫy, để mùa màng bội thu, làng bản no đủ; đập về hướng mặt trời lặn cầu cho hồn của cải, tiền bạc nhiều trâu, bò, dê, khố, váy, Dèng đẹp về đầy nhà. Lễ A Da Koonh diễn ra với nhiều nghi thức cúng tế dành cho thần linh trong sự thành kính và biết ơn. Đó là lễ cúng Yàng Tro/A cả A Bon thần lúa và các vị giống cây trồng đã cho mùa màng bội thu, nuôi sống con cháu khỏe mạnh.
Lễ cúng Yàng Xứ sông, suối, gió, núi, mây, lửa, đất, đường sá… đã ban cho làng bản con suối mát rượi, con cá ngọt lành, cơn gió mát mẻ, đất đai màu mỡ, lửa sưởi ấm mùa đông. Lễ cúng Yàng Pa nuôn đã ban cho dân làng của cải, chở che khi đi buôn bán. Lễ cúng Yàng Cợt đã bảo vệ linh hồn và sức khỏe, Yàng Đung bảo vệ nhà cửa, che chở mưa nắng, tránh ma quỷ làm hại,… Người Pa Cô cũng không quên dành một nghi thức cúng Yàng Ku muuiq để ghi ơn những người đã khuất. Sau các nghi lễ dâng cúng thần linh, lễ ăn cơm mới Cha đooi âr beh mới được tiến hành, với nghi thức mọi người cùng nắm tay nhau, đồng thanh cất lên tiếng gáy vang theo vị già làng, báo hiệu một ngày mới ấm no. Già làng làm lễ khai vị Cha tâm păn, sau đó lần lượt mời các trưởng họ, khách mời, dân làng thưởng thức các món ăn, thức uống.
Kết thúc các nghi lễ cúng tế, mọi người trở về nhà, mang theo sự trầm ấm của hương thơm truyền thống ki kul, sự chân thành của điệu Calơi trong nghi thức giao mâm cỗ cho khách quý, chính thức mở ra phần hội nghỉ ngơi và vui chơi của lễ A Da Koonh. Bánh Akoát và rượu nồng bên bếp ấm, nhà nhà chuẩn bị tiếp đón khách viếng chơi, thăm hỏi, chúc tụng. Không khí ngày tết rộn ràng khắp bản làng, vui tươi theo lời ca Ca lơi, Târ a, Xiềng, Cha chấp, hòa chung nhịp trống, tiếng chiêng vang vọng núi rừng. Cứ như thế, trong mỗi nếp nhà, bên bếp lửa, chum rượu Ariêu vơi dần theo lời ca ngân dài, xua tan sương lạnh những ngày cuối năm. Ngoài nương, những chồi non đã nhú dưới nắng xuân nắng ấm áp, báo hiệu một năm mới đủ đầy đang đến.
A Da Koonh - lễ hội mang đậm bản sắc tộc người Pa Cô
Lễ hội A Da Koonh chứa đựng nhiều giá trị, chuyển tải nhiều ý nghĩa, thực sự là một kho tàng văn hóa mang đậm bản sắc tộc người Pa Cô, phản ánh qua các mô-típ trang trí mang ý nghĩa biểu tượng của nghệ thuật điêu khắc tạo hình, qua các làn điệu dân ca, dân vũ, tiếng khèn, nhịp chiêng của nghệ thuật diễn xướng dân gian, qua trang phục lễ hội truyền thống của nghề dệt truyền thống,… góp phần tạo nên sắc thái riêng của lễ tết vùng cao A Lưới và Bắc Trường Sơn.
Những giá trị đó đã đưa A Da Koonh vượt lên ý nghĩa tâm linh của lễ hội mừng được mùa trong phạm vi bản làng, để trở thành một “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Âm sắc di sản A Da Koonh - lễ mừng lúa mới như một lời mời gọi thập khách muôn phương đến với A Lưới mỗi dịp xuân về trên dãy Trường Sơn.
Bài: Anh Tuấn/Ảnh: Bảo Đàn