Ngày 05/7/2025, tại TP.HCM đã diễn ra buổi tọa đàm “Pháp lý nền tảng bảo vệ thương hiệu nông sản, làng nghề xanh” với sự tham gia của gần 60 chuyên gia, luật sư, nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp, chủ trang trại, làng nghề trên cả nước. Đây là sự kiện do Viện Nghiên cứu Thị trường - Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) giao Câu lạc bộ Báo chí Truyền thông và Chính sách pháp luật cùng CLB Doanh nghiệp IMRIC - IRLIE tổ chức.
Theo đó, sự kiện nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản, làng nghề, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xu hướng chuyển đổi số. Đồng thời, sự kiện cũng sẽ tập trung vào các vấn đề then chốt liên quan đến bảo vệ thương hiệu nông sản, thương hiệu làng nghề, từ những quy định pháp lý, các chế tài cơ bản như sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, chỉ dẫn địa lý, cho đến những công cụ hiện đại như công nghệ số, blockchain và hệ thống chất lượng sản phẩm.
Phát biểu khai mạc chương trình, bà Trần Thị Liên - Chủ nhiệm CLB Doanh nhân IMRIC - IRLIE cho biết, khi nhắc đến thương hiệu nông sản xanh hay làng nghề xanh, đó không chỉ là những chiếc tem truy xuất nguồn gốc, mẫu mã bắt mắt hay bao bì sinh thái. Sâu xa hơn, đó chính là linh hồn của một hệ sinh thái sản xuất mang bản sắc Việt - nơi kết tinh giữa tri thức bản địa, đạo đức nghề nghiệp và khát vọng phát triển bền vững.

Bà Trần Thị Liên cũng chia sẻ thêm: “Trước yêu cầu ngày càng cao từ thị trường quốc tế, việc bảo vệ thương hiệu không chỉ dừng lại ở yếu tố chất lượng, mà còn đòi hỏi sự chuyển mình mạnh mẽ theo hướng “xanh hóa” toàn diện. Do đó, việc chuyển đổi xanh - khuyến khích ứng dụng công nghệ sạch, cải thiện quy trình sản xuất, giảm phát thải - đang được xem là “chìa khóa vàng” để mở ra cơ hội mới cho các làng nghề và nông sản Việt Nam”.
“Song song với đó, việc định vị và bảo vệ thương hiệu nông sản, làng nghề... không chỉ là quyền lợi, mà còn là ‘tấm hộ chiếu’ để sản phẩm Việt vươn ra thế giới” - bà Liên nhấn mạnh.

Góp mặt tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Trịnh Minh Anh - Chánh văn phòng Ban cải cách kinh tế về quốc tế (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, bảo vệ thương hiệu nông sản và làng nghề là vấn đề quan trọng trong quá trình hội nhập, muốn tiếp cận được thị trường nước ngoài thì sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ minh bạch, có thương hiệu. Dựa trên nền tảng pháp lý được các cơ quan sở hữu trí tuệ trong nước và nước ngoài công nhận.
Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn - Nguyên Phó trưởng Ban Phong trào, Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: “Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý hay các biện pháp pháp lý hiện đại như blockchain, khiến thương hiệu dễ bị xâm phạm mà không biết cách bảo vệ”.

“Bảo vệ thương hiệu nói chung và thương hiệu nông sản nói riêng là một quá trình liên tục và đòi hỏi sự đầu tư cả về thời gian và tài chính. Bảo vệ thương hiệu nông sản là một quá trình liên tục, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, bao gồm cả nhà sản xuất, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, đây là bước đi không thể thiếu để duy trì và phát triển thương hiệu trong môi trường kinh doanh cạnh tranh. Chúng tôi khuyến nghị bạn nên thực hiện đầy đủ các bước bảo vệ thương hiệu ngay từ đầu để đảm bảo quyền lợi tối đa cho doanh nghiệp” - Tiến sĩ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Còn theo ông Mai Quốc Thái - chủ Trang trại trầm hương Mai Quốc - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, Chính phủ cần xây dựng các quy định cụ thể hơn về quản lý chỉ dẫn địa lý, chứng nhận nhãn hiệu và nhãn hiệu tập thể. Đồng thời, Chính phủ cũng cần tăng cường cơ chế kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Là một trong những đơn vị được hỗ trợ pháp lý trong công việc xây dựng thương hiệu, ông Hồ Văn Tứ - Giám đốc Hợp tác xã Trầm hương Long Phụng chia sẻ: “Điều khó nhất không phải là sản xuất sạch, mà là xây dựng thương hiệu đúng hướng. Ban đầu, tôi gần như đơn độc, nhưng nhờ kết nối với hiệp hội và các cố vấn pháp lý, trang trại nay đã có thương hiệu riêng”.
Tổng kết buổi tọa đàm, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - Truyền thông quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập, Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Kiểm tra Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trải lòng: “Buổi tọa đàm “Pháp lý nền tảng bảo vệ thương hiệu nông sản, làng nghề xanh” không chỉ là diễn đàn để thảo luận các vấn đề pháp lý mà còn là cơ hội để các bên liên quan tìm ra hướng đi chung cho sự phát triển bền vững. Với sự hỗ trợ từ khung pháp lý chặt chẽ, các chính sách khuyến khích sản xuất xanh, và sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng, ngành nông sản và làng nghề Việt Nam có thể vươn xa hơn trên thị trường trong nước và quốc tế”.

“Đây là bước đệm quan trọng để nông sản và làng nghề xanh của Việt Nam không chỉ giữ vững giá trị truyền thống mà còn đáp ứng xu hướng phát triển bền vững toàn cầu” - Tiến sĩ Hồ Minh Sơn nhấn mạnh.
Ngoài ra, các khách mời đều thống nhất rằng, chuyển đổi số là công cụ mạnh giúp doanh nghiệp nhỏ nâng cao năng lực bảo vệ thương hiệu. Từ mã truy xuất nguồn gốc, quản lý sở hữu trí tuệ đến giám sát chuỗi cung ứng - công nghệ đang trở thành “người gác cổng” tin cậy cho giá trị Việt.