STNN - Giải pháp sử dụng enzyme để thủy phân protein và tách chiết astaxanthin từ phụ phẩm tôm, tạo ra dịch thủy phân giàu dinh dưỡng cho vật nuôi thủy sản và chế phẩm astaxanthin có giá trị cao trong nhiều lĩnh vực như dược phẩm, mỹ phẩm, chăn nuôi.
Ngành tôm Việt Nam đang đối mặt với bài toán "rác thải"
Ngành chế biến tôm Việt Nam, với vị thế xuất khẩu đứng thứ hai thế giới, đang tạo ra lượng phụ phẩm khổng lồ lên đến 325.000 tấn mỗi năm. Lượng rác thải này nếu không được xử lý thỏa đáng sẽ trở thành gánh nặng cho môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Nhận thức được vấn đề cấp bách này, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Công nghệ thức ăn và Sau thu hoạch Thủy sản (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II) đã nỗ lực nghiên cứu và thành công trong việc ứng dụng công nghệ enzyme để biến rác thải tôm thành "vàng", góp phần giải quyết thách thức về môi trường và gia tăng giá trị cho ngành thủy sản.
Điểm sáng của nghiên cứu là việc xây dựng thành công quy trình thủy phân protein và tách chiết astaxanthin từ phụ phẩm tôm. Quy trình tối ưu sử dụng enzyme Alcalase và Flavourzyme (tỷ lệ 1:1) cho hiệu suất thu hồi ấn tượng: 30% dịch thủy phân và 1100g chế phẩm astaxanthin với hàm lượng astaxanthin cao (3600 mg/kg).
Sản phẩm giá trị, ứng dụng đa dạng
Dịch thủy phân tôm: Giàu protein (21-24%) và astaxanthin (203 ppm), cung cấp các axit amin thiết yếu, dễ tiêu hóa cho vật nuôi thủy sản. Tăng cường sức khỏe, thúc đẩy tăng trưởng cho tôm thẻ chân trắng (tăng trưởng nhanh hơn, hiệu quả sử dụng thức ăn tốt hơn, màu sắc đẹp hơn); Kích thích khả năng bắt mồi, tăng hiệu quả nuôi trồng thủy sản.
Chế phẩm astaxanthin: Hàm lượng astaxanthin cao (3600 mg/kg), hoạt tính sinh học cao, mở ra tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong các ngành: Dược phẩm (hỗ trợ sức khỏe tim mạch, mắt, não bộ, miễn dịch); Mỹ phẩm (chống lão hóa, làm đẹp da); Chăn nuôi, thủy sản (tăng cường sắc tố, thúc đẩy sinh trưởng, có thể dùng để cải thiện màu sắc cho cá chép Koi...)
Ứng dụng thành công giải pháp này sẽ mang lại lợi ích kinh tế nhờ việc biến rác thải thành sản phẩm có giá trị cao, gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí sản xuất, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường nhờ việc hạn chế ô nhiễm nguồn nước, giảm thiểu rác thải. Không những thế, việc đưa nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn thúc đẩy ngành thủy sản phát triển theo hướng thân thiện môi trường, hướng đến nền sản xuất xanh, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Hoàng Giáp