STNN - Bước tiến mới trong kỹ thuật sơ chế và công nghệ bảo quản vỏ quế giúp đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị của sản phẩm; qua đó, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho những người trồng và kinh doanh sản phẩm từ quế.
Quế là loài cây thân gỗ, sống lâu năm, độ cao trung bình từ 18-20m, đường kính 40-50cm. Thân cây non có màu xanh, nhiều đường khía dọc và lông nhỏ mịn; thân già có vỏ màu xám đen với nhiều nốt sần. Toàn cây đều toả ra mùi thơm dễ chịu.
Hiệu quả của cây quế luôn được tận dụng một cách tối đa: quế được sử dụng để sản xuất ra các sản phẩm hỗ trợ đời sống sinh hoạt người dân như lấy gỗ làm cột nhà, làm đồ thủ công mỹ nghệ, thời trang (guốc mộc từ gỗ quế rất được người tiêu dùng yêu thích); làm nguyên liệu trong chế biến thực phẩm; làm thuốc...
Các bộ phận giữ hương thơm lâu, có hàm lượng tinh dầu cao của cây quế được chưng cất để chiết xuất tinh dầu. Đặc biệt, vỏ quế là sản phẩm có giá trị kinh tế cao nhất trong các bộ phận của cây quế. Việc sơ chế và bảo quản hiệu quả vỏ quế góp phần nâng cao giá trị kinh tế của mặt hàng này cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Kỹ thuật sơ chế và bảo quản vỏ quế được giới thiệu trong bài viết này dựa trên kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu chọn giống quế có năng suất vỏ, hàm lượng và chất lượng tinh dầu cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cho vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ” do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chủ trì, Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ, TS. Phan Văn Thắng chủ nhiệm đề tài, thực hiện trong giai đoạn từ 2017 – 2022.
So với kỹ thuật bảo quản vỏ quế đơn giản trước đây (sau khi phơi khô ngoài trời, xếp vỏ quế gọn vào trong thùng hay bó thành các túi nilon), kỹ thuật sơ chế và bảo quản vỏ quế với kỹ thuật tiên tiến, mới mẻ này có những điểm nổi trội nhất định:
Kỹ thuật sơ chế vỏ quế:
Giai đoạn 1: Phơi vỏ quế đã được bóc ở ngoài trời trong điều kiện thời tiết khô nắng đến khi độ ẩm đạt khoảng 31±1%. Điều kiện thời tiết thuận lợi phơi sấy vỏ quế ngoài trời tự nhiên: 70% số ngày đều có nhiệt độ hàng ngày đạt từ 20 - 380C trong các khoảng thời gian từ 7-17h tùy theo từng ngày, độ ẩm không khí từ 60 - 88%, vận tốc gió dao động từ 0,05m/s đến 0,75m/s. Trong điều kiện thuận lợi, thời gian phơi tự nhiên là khoảng 5 ngày.
Giai đoạn 2: Khi độ ẩm vỏ quế đạt khoảng 31± 1%, tiến hành sấy vỏ quế bằng vi sóng với các thông số kỹ thuật: vận tốc thổi gió trong buồng sấy là 2,0 m/s; trị số công suất vi sóng riêng phần: 0,75 W/g; thời gian sấy tùy thuộc lượng ẩm cần tách ra từ nguyên liệu và độ ẩm nguyên liệu ban đầu (thời gian sấy khi độ ẩm nguyên liệu ban đầu khoảng 31,3% là 50 phút).
Kỹ thuật bảo quản vỏ quế:
Nếu lưu giữ vỏ quế lâu dài từ trên 9 tháng, tốt nhất cần bảo quản trong túi hút chân không, để ở nơi khô ráo. Nếu lưu giữ vỏ quế không quá 9 tháng, có thể bảo quản trong thùng gỗ có bọc giấy hút ẩm để ở nơi khô ráo. Nếu lưu giữ vỏ quế không quá 2 tháng, bảo quản trong bao dứa hai lớp với lớp trong cùng là polyetylen (PE) được buộc kín, để ở nơi khô ráo.
Việc nâng cao kỹ thuật sơ chế và bảo quản vỏ quế đã mang đến bước tiến mới cho công nghệ bảo quản, đồng thời góp phần đảm bảo chất lượng của sản phẩm giữ được đặc tính nguyên bản trong khoảng thời gian dài hơn, nâng cao hiệu quả kinh tế trong nước và quốc tế.
“Kỹ thuật sơ chế và bảo quản vỏ quế” của nhóm tác giả: TS. Phan Văn Thắng, TS. Nguyễn Ngọc Hoàng, TS. Nguyễn Đức Trung, ThS. Nguyễn Thị Hiền, ThS. Nguyễn Huyền, ThS. Tạ Minh Quang, ThS. Phan Minh Thuỵ, CN. Vũ Thị Hoàng Phương, KS. Nguyễn Văn Thắng, ThS. Nguyễn Đức Long, KS. Nguyễn Ngọc Sánh, KS. Đỗ Cao Cường được Tổng cục Lâm nghiệp công nhận theo Quyết định số 220/ QĐ-TCLN-KH&HTQT, ngày 11/8/2022. |
Thu Hạnh