Tỉnh Cà Mau vừa hoàn thành xong hội nghị tham vấn ý kiến ngành chức năng và các chuyên gia về Dự thảo Chương trình của Tỉnh ủy và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển lĩnh vực nông nghiệp.
Qua tham vấn, Cà Mau xác định sản phẩm chủ lực cấp quốc gia của địa phương là con tôm. Riêng sản phẩm chủ lực cấp tỉnh gồm: cua biển, lúa gạo, chuối, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Đó cũng là 5 nhóm ngành hàng nằm trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Cà Mau trong 5 năm vừa qua.
Theo Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, việc tham vấn ý kiến tập trung của chuyên gia nhằm giúp tỉnh hoàn thiện các giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây cũng là động thái vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền tỉnh Cà Mau nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Dự thảo Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo tinh thần Quyết định số 150 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đánh giá, nông nghiệp Cà Mau thời gian qua đạt được nhiều thành tựu nổi bật, thể hiện vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế và ổn định xã hội tại địa phương, nhất là vai trò “trụ đỡ” ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Kết quả sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (giai đoạn 2016-2020) cho thấy, tổng sản phẩm (GRDP) khu vực ngư, nông, lâm nghiệp của Cà Mau năm 2020 đạt khoảng 20.700 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 4,7%/năm, góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, xã hội.
Trong nông nghiệp ở Cà Mau, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất đạt 91 triệu đồng/ha/năm, tăng bình quân 4,2%/năm; thu nhập trên diện tích đất nông nghiệp đạt 33 triệu đồng/ha/năm, tăng bình quân 4%/năm; thu nhập lao động ngư, nông, lâm nghiệp đạt 40 triệu đồng/người, tăng bình quân 8,1%/năm. Lĩnh vực thủy sản tiếp tục khẳng định được vai trò mũi nhọn. Diện tích nuôi tôm siêu thâm canh tiếp tục tăng, vùng nuôi tôm sinh thái có chứng nhận quốc tế tiếp tục mở rộng; nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản của Cà Mau tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu trong cả nước.
Đến nay, bước đầu Cà Mau đã xây dựng được vùng sản xuất lúa đạt chứng nhận hữu cơ; phát triển mạnh diện tích sản xuất lúa chất lượng cao; việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu; nhiều mô hình liên kết sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của nhà nông.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nông nghiệp Cà Mau bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp chậm lại (nếu giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng trưởng đạt 7,5%/năm thì giai đoạn 2016-2020 chỉ còn 4,7%/năm); chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế; sản xuất ngư, nông nghiệp còn một số yếu tố chưa bền vững.
Để thật sự có những bứt phá mạnh mẽ hơn, hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng…, một số chuyên gia khu vực đồng bằng sông Cửu Long lưu ý, Cà Mau cần phải tính toán đến những vấn đề lớn ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp, như: tài nguyên nước, biến đổi khí hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Cùng với đó, phải biến những nguy cơ thành lợi thế, cơ hội để chuyển đổi nông nghiệp sang hướng hiện đại, sản xuất theo quy mô lớn, gia tăng giá trị mặt hàng nông sản. Phải tạo cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, khuyến khích nguồn lực của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế nông nghiệp...
Theo Nhân dân