Về mặt lý thuyết, khi xuất khẩu nông sản bằng đường bộ bị ùn ứ tại các cửa khẩu, có thể chuyển sang xuất khẩu bằng đường biển, đường hàng không. Tuy nhiên, xét về thực tế từ các địa phương phía Nam, việc này không dễ thực hiện. Để có thể thay đổi cách thức vận chuyển hàng xuất khẩu, cần có giải pháp đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
Gặp khó vì xuất khẩu tiểu ngạch
Hiện 9 loại trái cây Việt Nam được phía Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch, gồm xoài, mít, thanh long, chuối, chôm chôm, vải, nhãn, dưa hấu, măng cụt chủ yếu được sản xuất tại các địa phương phía Nam. Trên đường bộ, phía Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu chính ngạch phần lớn các loại nông sản này qua Cửa khẩu Hữu nghị (tỉnh Lạng Sơn). Việc thông quan hầu như thông suốt.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, cho biết, những loại trái cây miền Nam nêu trên hoặc các loại khác như bưởi, sầu riêng, vú sữa… chủ yếu được xuất khẩu tiểu ngạch qua cửa khẩu phụ như Tân Thanh (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), Kim Thành (Lào Cai). Do thuận lợi khi di chuyển bằng đường bộ, nông sản miền Nam xuất khẩu tiểu ngạch thường đi qua cửa khẩu Tân Thanh.
Theo ông Nguyễn Văn Út, ngụ tại xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, dù tỉnh này là địa phương trồng mít thái xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, nhưng không phải quả mít nào cũng đạt tiêu chuẩn hàng xuất. Với những trái cây không thể xuất chính ngạch, thương lái nhỏ mua gom mỗi nhà một ít, đến khi đủ lượng hàng cho một container lạnh thì chở lên biên giới theo mối quen, thỏa thuận qua điện thoại.
“Cùng trong một container, nhưng có quả mít dán băng keo màu xanh, quả dán băng keo màu đỏ… là để các thương lái khác nhau phân biệt lô hàng của mình khi nhận hàng tại biên giới”, ông Út nói.
Cũng chính vì hàng xuất khẩu tiểu ngạch được mua gom nhỏ lẻ như vậy, nên vận chuyển bằng đường bộ nội vùng và gom thành xe lớn đi lên biên giới phía Bắc là thuận tiện nhất. Hạ tầng bến bãi, kho cảng, phương tiện xếp dỡ đường thủy ở Đồng bằng sông Cửu Long chưa phù hợp cho hàng container, nên đường thủy nội địa không thuận tiện cho vận chuyển hàng xuất khẩu.
Cùng với đó, phần lớn việc thỏa thuận mua bán thường dựa vào mối quen, cam kết chưa chặt chẽ, nên nếu cửa khẩu tiểu ngạch khó thông quan vì bất cứ lý do gì, thương lái có thể hủy luôn giao kèo trước đó.
Cần giải pháp đồng bộ
Khi vận tải hàng xuất khẩu bằng đường bộ gặp khó khăn, phương án vận tải biển cũng đã được tính tới. Tuy nhiên, phía Trung Quốc chỉ nhập trái cây qua đường biển với hàng xuất chính ngạch.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nửa cuối tháng 12-2021 đến ngày 5-1-2022, từ cảng Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh đã xuất khẩu sang Trung Quốc được hơn 100.000 tấn quả tươi (chuối, mít, thanh long, xoài…). Nhưng việc chuyển từ vận chuyển hàng xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển cũng gặp nhiều khó khăn. Một trong những lý do vào thời điểm hiện tại là thiếu container lạnh.
Đơn cử, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, riêng sản lượng thanh long sản xuất trong quý I-2022 của 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang là 226.400 tấn. Trong số này, có 101.216 tấn có nhu cầu được xuất khẩu bằng đường biển, tương ứng với 5.087 vỏ container lạnh, nhưng vào thời điểm này, việc tìm đủ lượng vỏ container này không dễ.
Công ty Hoàng Phát Fruit (tỉnh Long An) là một ví dụ. Đây là một trong những doanh nghiệp lớn của địa phương chuyên cung cấp thanh long xuất khẩu đạt tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm như Viet GAP, Global GAP…, nhưng đang không có đủ container lạnh để vận chuyển hàng.
Giám đốc công ty Nguyễn Khắc Huy chia sẻ: “Giá cước thuê container lạnh đã tăng gần 3 lần, lên 200 triệu đồng/chiếc. Nhưng kể cả khi chúng tôi đặt thuê trước 1 tháng thì vẫn có nguy cơ không có vỏ container vì rất thiếu, bởi hàng xuất từ Việt Nam bằng container lạnh, nhưng hàng quay về từ Trung Quốc phần lớn dùng container thường. Muốn có container lạnh, lại phải trả thêm chi phí để hãng tàu biển gom đưa về Việt Nam”.
Với bức tranh tổng thể như trên, xuất khẩu nông sản phía Nam chỉ có thể phát triển bền vững khi gia tăng chất lượng hàng đạt chuẩn để xuất khẩu chính ngạch; tăng cường hạ tầng logistics trong thu mua, bảo quản, chế biến, đầu tư lớn để tận dụng tối đa lợi thế vận tải đường thủy; hình thành chuỗi tiêu thụ khép kín từ sản xuất đến bao tiêu hàng xuất khẩu. Đây là việc cần sự chung tay của Nhà nước, nhà doanh nghiệp và người dân.
Theo Báo Hà Nội mới