Cần gỡ khó cho Dự án Khu Du lịch sinh thái Nam Ô

Đà Nẵng là một trong những địa phương của cả nước nhiều năm liền đi đầu trong cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục đầu tư, tuy nhiên Dự án Du lịch sinh thái Nam Ô lại chậm trễ hơn 10 năm nay.

Bãi biển Nam Ô – nơi Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô đang bị “đắp chiếu”.

Nỗ lực của nhà đầu tư…
Bãi biển Nam Ô (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) được thiên nhiên ưu đãi là một bãi biển đẹp, có Ghềnh đá Nam Ô từ mùa đông năm trước đến mùa xuân năm sau rêu xanh phủ kín, đẹp như một thảm lụa xanh mượt trải dài theo bờ biển. Cùng với đó, bãi biển này cũng nằm trong khu vực giàu tiềm năng du lịch, cụ thể là nằm trong khu vực quần thể Làng nước mắm Nam Ô vừa mới được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản Quốc gia; nằm giữa dãy Hải Vân và Khu du lịch Làng Vân- một ốc đảo ven biển thuộc phường Hoà Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) rộng 1.000ha do Công ty CP Vinpearl vừa mới khởi công ngày 30/3/2021.
Từ giá trị tiềm năng về du lịch của bãi biển này, hơn 10 năm trước UBND TP Đà Nẵng đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu Du lịch sinh thái Nam Ô (còn có tên là Lancaster Nam O Resort) có diện tích 36,6ha, do Công ty CP Thương mại đầu tư Cù Lao Chàm làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, ngày 11/3/2010 UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quyết định chuyển đổi chủ đầu tư sang Công ty CP Trung Thuỷ Đà Nẵng (trực thuộc Trung Thuỷ Group) và điều chỉnh giảm diện tích Dự án xuống còn gần 25ha; tách Ghềnh đá ra khỏi Dự án để làm khu du lịch cộng đồng.

Rêu xanh phủ trên Ghềnh đá Nam Ô.

Mặc dù UBND TP Đà Nẵng ban hành quyết định đồng ý cho Công ty CP Trung Thuỷ Đà Nẵng làm chủ đầu tư Dự án; và Công ty cũng đã thực hiện các quy định, yêu cầu của UBND TP khi triển khai thực hiện Dự án kể trên. Trong đó, đã tiến hành điều chỉnh vệt đất mặt tiền cuối đường Nguyễn Tất Thành thành Công viên cây xanh (dự kiến khởi công vào 1/3/2021 và đưa vào sử dụng ngày 1/6/2021); đã triển khai mở 5 lối đi xuống biển cho người dân và có kế hoạch tập huấn, đào tạo các kỹ năng phục vụ du lịch cho người dân địa phương làm du lịch.
Ngoài ra, Công ty cũng cam kết và phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác quản lý, tôn tạo, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái tại tại Ghềnh Nam Ô để phục vụ du lịch cộng đồng.
Những nỗ lực kể trên của Công ty CP Trung Thuỷ Đà Nẵng cho thấy đơn vị đang cố gắng thực hiện đầy đủ các yêu cầu mà chính quyền TP Đà Nẵng đặt ra; thể hiện quyết tâm thực hiện Dự án và đã có những ứng xử hài hoà lợi ích của cộng đồng. Song hiện Dự án vẫn “dậm chân tại chỗ” do còn vướng mắc trong giải tỏa đền bù.
Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết – Phó tổng giám đốc Công ty CP Trung Thuỷ Đà Nẵng cho biết, mặc dù Dự án vẫn đang trong thời gian hoàn chỉnh, phê duyệt các thủ tục pháp lý đầu tư theo quy định, song chúng tôi cũng đã sẵn sàng bắt tay triển khai những hạng mục đầu tiên vào đầu quý II này sau hơn 10 năm chờ đợi. Trong đó, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là xây dựng đưa và vận hành các hạng mục công trình thuộc Đề án Du lịch cộng đồng Nam Ô để phục vụ cộng đồng như: bãi tắm công cộng, bãi tập kết thuyền thúng, Công viên đường Nguyễn Tất Thành, Kè chống sạt lở Nam Ô và Công viên sinh thái Ghềnh đá Nam Ô với kinh phí hơn 300 tỉ đồng.

Nhiều em nhỏ kéo nhau ra bãi biển Nam Ô tắm, nguy cơ đuối nước rất cao.
Các em học sinh tự ý tham quan, leo trào trên các mõm đá đầu rêu trơn rất nguy hiểm.

Nhiều hệ luỵ do chậm triển khai Dự án
“Vấn đề lớn nhất tại Nam Ô hiện nay là chưa đủ cơ sở hạ tầng để phục vụ cho nhu cầu du khách, thiếu nhà vệ sinh, thùng rác, nơi nghỉ chân… nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ môi trường. Khối lượng khách du lịch tự phát đến đây ngày càng đông, nhất là vào mùa đá rêu Nam Ô khiến một lượng rác rất lớn được xả ra trên bờ biển dọc các khu hàng quán, thậm chí vứt thẳng xuống biển khiến công việc thu gom bị quá tải. Ngoài ra, một lượng lớn du khách còn tổ chức cắm trại, nấu nướng, ăn uống trên Ghềnh đá dẫn đến những nguy cơ rất lớn về cháy nổ, ảnh hưởng đến hệ thực vật, cảnh quan tự nhiên của Ghềnh đá. Mặc dù, UBND TP đã chỉ đạo rõ không cho kinh doanh, buôn bán tự phát, ăn nhậu trên Ghềnh đá Nam Ô, nhưng việc này vẫn đang tồn đọng và kéo dài” – bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Phó tổng giám đốc Công ty CP Trung Thủy Đà Nẵng chia sẻ.
Để kiểm chứng, chúng tôi đã trực tiếp thị sát và chứng kiến rất nhiều rác từ du lịch tự phát thải ra gây ô nhiễm, làm mất mỹ quan bãi biển này. Trong đó, các loại rác thải nhựa khó phân hủy như hộp đựng thức ăn, chai nhựa, hộp xốp, bình đựng nước uống, túi ni-lon…xuất hiện rất nhiều. Trong khi đó, cũng tại đây, nhiều hộ dân tự dựng lều, trải chiếu cho thuê dịch vụ để du khách ăn uống và nghỉ chân khá đông.
“Khách đến sử dụng đồ ăn, thức uống rồi vứt đầy trên bãi, trên Ghềnh. Cao điểm có ngày lượng rác do khách bỏ lại, anh em tụi tôi cùng các hộ kinh doanh thu dọn lên đến 9 -10 thùng (loại thùng chứa rác của công ty môi trường). Nhưng hôm nay dọn, hôm khác khách đến lại xả rác mới…” – anh Nguyễn Văn Công, đội trưởng Đội bảo vệ (thuộc Công ty Cổ phần Trung Thủy Đà Nẵng) cho biết.
Cùng với rác thải, không khó để nhận ra các điểm đốt lửa trại về đêm…Nhiều vật dụng nhựa được ném vào lửa, cháy nham nhở. Tất cả đã và đang đẩy “thắng cảnh Ghềnh đá rêu Nam Ô” phải chung sống với rác.
Ngoài ra, tại thời điểm chúng tôi đến Ghềnh đá Nam Ô, nhiều em nhỏ là học sinh cũng đến đây tham quan tự do, vượt qua các mỏm đá trơn trượt để tắm biển…
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện mặc dù chủ đầu tư là Công ty CP Trung Thủy Đà Nẵng vẫn chưa được giao quyền quản lý Ghềnh Nam Ô phục vụ công cộng, song với khả năng của mình, Công ty vẫn đang nỗ lực phối hợp với chính quyền địa phương để bảo vệ cảnh quan môi trường tại đây. Trong đó, mỗi tháng Công ty đã bỏ ra khoản kinh phí cả trăm triệu đồng cho việc thu gom, xử lý rác thải.

Ô nhiễm rác từ hệ luỵ khu vực Dự án không được quản lý, thu dọn vệ sinh.

Doanh nghiệp chết khi đang nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”?
Dự án Khu Du lịch sinh thái Nam Ô với điểm nhấn là khai thác lợi thế, tiềm năng tài nguyên du lịch tại bãi biển Nam Ô để tạo sản phẩm du lịch mới, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và tiện ích phục vụ lợi ích công cộng, góp phần thu hút người dân và du khách đến tham quan vui chơi, giải trí, du lịch trải nghiệm.
Dự án cũng đặt mục tiêu khai thác du lịch kết hợp bảo tồn các di sản văn hóa; giới thiệu các tập quán, sản phẩm làng chài đến với du khách, hình thành khu vực để du khách khám phá, trải nghiệm khi đến với biển Đà Nẵng. Đồng thời tạo điều kiện cho cư dân địa phương tham gia làm du lịch, đặc biệt là ngư dân ven biển khu vực vịnh Nam Ô, quận Liên Chiểu sẽ có điều kiện để chuyển đổi ngành nghề, cải thiện đời sống, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế xã hội địa phương; đưa các hoạt động tham quan du lịch tại khu vực vào quản lý nề nếp, phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, địa phương để đảm bảo công tác quản lý địa bàn, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách, vệ sinh môi trường…
Để sẵn sàng khởi động Dự án, Công ty CP Trung Thủy Đà Nẵng đã thuê đơn vị tư vấn độc lập, đề xuất phương án quy hoạch, thiết kế các hạng mục sản phẩm (thuộc đề án du lịch cộng đồng); phối hợp với UBND quận Liên Chiểu và đơn vị được giao chủ trì quy hoạch, thiết kế nhằm lựa chọn được phương án thiết kế đẹp góp phần thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế – xã hội địa phương theo đúng mục tiêu của đề án “Phát triển Du lịch cộng đồng Nam Ô”.
Đã hơn 10 năm, cả chủ đầu tư lẫn người dân địa phương đều mong Dự án sớm khởi động, góp phần thực hiện thành công du lịch cộng đồng, trong đó người dân địa phương cùng tham gia làm du lịch cộng đồng với doanh nghiệp. Song không hiểu vì sao trong điều kiện hiện nay, khi Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương phải nghiêm túc thực hiện “mục tiêu kép”, vừa đảm bảo khống chế dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế nhưng các cấp chính quyền và ngành chức năng TP Đà Nẵng vẫn cứ để dự án “ngủ yên” bởi lý do còn vướng thủ tục đầu tư?
Để tìm hiểu rõ vấn đề trên, phóng viên đã liên hệ với Sở Xây dựng TP Đà Nẵng và UBND quận Liên Chiểu, nhưng nửa tháng nay, hai cơ quan này vẫn chưa phản hồi.

(Nguồn: dangcongsan.vn)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây