STNN - Cho cây "ăn" thức ăn thừa vừa là cách để chúng ta tiết kiệm chi tiêu đồng thời cũng là việc làm góp phần bảo vệ môi trường sống.
Vỏ cam là "kẻ thù" của bọ chét, kiến lửa, muỗi, ruồi và giánNếu bạn muốn tận dụng rác thải thực phẩm trong khu vườn mà không chắc chắn liệu mình đã sẵn sàng để bắt đầu quá trình ủ phân hay chưa thì vẫn có nhiều cách để bạn áp dụng mà cách đơn giản là thu thập thân, vỏ và rễ còn sót lại từ việc sơ chế thực phẩm hay gom thức ăn thừa sau các bữa ăn và đặt chúng trực tiếp vào đất trong khu vườn. Điều này giúp cung cấp chất dinh dưỡng và tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng.
Vỏ cam: Loại rác này cũng có thể được sử dụng để đuổi côn trùng gây hại. Vỏ cam giúp ngăn chặn sâu bệnh, côn trùng như bọ chét, kiến lửa, muỗi, ruồi và gián. Rất đơn giản, chỉ cần rải những mảnh vỏ cam xung quanh gốc cây hoặc chôn vỏ cam ngay dưới bề mặt đất để tạo ra một “hàng rào” tự nhiên chống lại sâu bệnh.
Vỏ chuối: Chúng ta có thể chôn vỏ chuối dưới gốc cây để bổ sung kali cho đất bởi vỏ chuối chứa nhiều kali, một chất dinh dưỡng quan trọng giúp cây phát triển khỏe mạnh, tăng cường hấp thu nước, phát triển bộ rễ, đồng thời chống lại bệnh tật và đơm hoa kết quả tốt hơn. Khi chôn vỏ chuối xuống đất, cần đảm bảo rằng vỏ chuối được vùi kỹ để tránh sâu bọ. Theo thời gian, vỏ chuối sẽ phân hủy và giải phóng kali vào đất để cây hấp thụ.
Vỏ trứng: Một mẹo cho cây "ăn" rác thải thực phẩm khác là sử dụng vỏ trứng làm phân bón. Vỏ trứng sau khi được nghiền nát, bạn có thể rắc chúng khắp khu vườn. Vỏ trứng chứa canxi cacbonat, một loại canxi có lợi cho sự phát triển của cây trồng. Canxi này giúp ngăn ngừa bệnh thối ngọn hoa và tăng sức sống cho các loài cây như cà chua, ớt, bông cải xanh và rau bina. Chúng ta cũng có thể nghiền nát vỏ trứng và trộn vào đất trồng hoa, trồng cây ăn quả hay rau, hoặc sử dụng để trồng cây con. Đồng thời, vỏ trứng cũng có tác dụng đuổi các loài gây hại như ốc sên.
Bã cà phê: Bã cà phê chứa nitơ, là chất cần thiết cho sự phát triển của cây trồng. Ngoài tác dụng cung cấp phân bón, bã cà phê còn có tác dụng xua đuổi sâu bệnh. Tuy nhiên, chúng ta không nên thêm quá nhiều bã cà phê hoặc sử dụng chúng quá thường xuyên vì việc lạm dụng này có thể kìm hãm sự phát triển của cây, thỉnh thoảng hãy sử dụng một lượng nhỏ.
Ngoài cách "cho ăn" trực tiếp đã nêu ở trên, để cây dễ hấp thụ tốt chất dinh dưỡng trong thức ăn thừa, chúng ta có thể ủ phân, làm phân hữu cơ hay tạo hầm phân… Dưới đây là một trong những cách thức mà bạn dễ áp dụng nhất:
Ủ phân: Nếu bạn đã sẵn sàng đầu tư thời gian và công sức vào quá trình ủ phân, đây là một cách tuyệt vời để tận dụng rác thải thực phẩm và tạo ra phân bón tự nhiên cho khu vườn.
Làm phân hữu cơ: Đổ rác thải thực phẩm vào một thùng phân hữu cơ và theo dõi quá trình phân hủy. Sau một thời gian, bạn sẽ có một nguồn phân hữu cơ tự nhiên để sử dụng trong khu vườn.
Tạo hầm phân: Bạn có thể đào một hầm phân trong khu vườn để phân hủy rác thải thực phẩm. Hầm phân sẽ giúp tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc phân hủy và phân giải rác thải thực phẩm thành phân bón hữu cơ.
Sử dụng sâu bọ:
Hãy dành ra một khu vực riêng để nuôi sâu bọ và đặt rác thải thực phẩm vào đó. Sâu bọ sẽ ăn và phân hủy rác thải thành phân bón giàu chất dinh dưỡng. Đồng thời, phân của sâu bọ cũng tạo ra một loại đất giàu chất dinh dưỡng cho cây trồng.
Dùng bồn compost: Bồn compost thường được làm từ vật liệu như gỗ, thép, nhựa hoặc composite. Bồn có thể có kích thước và thiết kế khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu và không gian của mỗi gia đình. Bồn compost có thể có nhiều ngăn hoặc chỉ một ngăn duy nhất, tuy nhiên, ngăn riêng biệt giúp chúng ta quản lý quá trình phân hủy và thu hoạch phân bón dễ dàng hơn. Cần định kỳ trộn rác trong bồn để tăng cường quá trình phân hủy và giúp cung cấp ôxy cho vi sinh vật đồng.
Việc tận dụng rác thải làm thức ăn cho cây cối trong vườn đòi hỏi ở bạn sự kiên nhẫn và phải đảm bảo rằng rác thải thực phẩm được phân hủy đúng cách, không gây mùi, không gây mất cân bằng trong khu vườn.
Thanh An