Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở tỉnh Bắc Giang đã gặt hái được những thành công nhất định. Đặc biệt, thông qua chuyển đổi số trong thực hiện chương trình OCOP, nhiều sản phẩm đặc sản của tỉnh đã có mặt ở các thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Thời gian qua, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã... của tỉnh Bắc Giang đã tham gia, hưởng ứng nhiệt tình chương trình OCOP. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, đến nay toàn tỉnh đã có 155 sản phẩm OCOP, trong đó 36 sản phẩm đạt 4 sao và 119 sản phẩm đạt 3 sao. Riêng năm 2021 có 61 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên. Trước đây, các sản phẩm như bánh đa Kế, mì Chũ, bánh đa nem Thổ Hà, mật ong Sơn Động… được sản xuất với quy mô nhỏ, chưa phát triển thành chuỗi liên kết. Nay qua chương trình OCOP, các sản phẩm này đã được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến và có sản phẩm đã được xuất khẩu. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang Dương Thanh Tùng cho biết: "Bắc Giang có nhiều sản phẩm đã có tiếng trên thị trường như: vải thiều, mì Chũ huyện Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế… Qua thống kê, hiện nay trên địa bàn mỗi làng, xã đều có một sản phẩm đặc trưng. Nhưng để biến nó thành sản phẩm được người tiêu dùng trong tỉnh, khu vực, trong nước chấp nhận cũng như mở rộng hơn nữa thị trường thì chương trình OCOP đang đóng góp không nhỏ để thực hiện điều này. Trước kia, làm sản phẩm OCOP phần lớn là các hộ gia đình, nhưng nay 90% đối tượng tham gia là các doanh nghiệp, hợp tác xã. Khi thực hiện chương trình OCOP, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã có sự liên kết với nhau, giới thiệu thị trường cho nhau để cùng phát triển".
Khi bắt tay vào thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Bắc Giang xác định cần biến sản phẩm đặc sản có sẵn trở thành những sản phẩm đặc sản hơn, có tiếng tăm hơn. Muốn vậy, yêu cầu đầu tiên là sản phẩm phải chất lượng hơn trước, do đó quy trình sản xuất cần được chuẩn hóa hơn bằng việc đầu tư máy móc sản xuất hiện đại với công nghệ tốt nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng. Hơn nữa, để sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng cần có tem, nhãn mác bắt mắt, truy xuất nguồn gốc rõ ràng; các sản phẩm được chế biến sâu hơn hoặc chế biến thành nhiều sản phẩm khác đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Theo đánh giá của Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Giang Nguyễn Văn Luy, "100% sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đã có bước tiến về chất lượng, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và được kiểm tra định kỳ các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm khi đưa ra thị trường".
Hiện nay, áp dụng chuyển đổi số trong thực hiện chương trình OCOP ở Bắc Giang đang được thực hiện rất tốt, nhất là khâu bán hàng. Hầu hết các chủ thể rất năng động, họ tìm hiểu, nghiên cứu, tham gia nhiều kênh tiêu thụ khác nhau từ hệ thống siêu thị, điểm bán hàng của tỉnh cũng như qua sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội. Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thế Thi cho biết: "Toàn huyện hiện có 24 sản phẩm đạt sao, trong đó có 14 sản phẩm 4 sao và 10 sản phẩm 3 sao. Để chương trình OCOP mang lại hiệu quả, mỗi năm huyện dành khoảng 2 tỷ đồng để hỗ trợ tập huấn, in tem nhãn, đóng gói, thiết kế logo, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời huyện cũng hỗ trợ các chủ thể ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử; mời gọi bảy sàn giao dịch điện tử ký kết với huyện, các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể trên địa bàn để tiêu thụ các mặt hàng nông sản nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng. Hiện nay, việc bán hàng qua các sàn giao dịch đạt hơn 20% số lượng sản phẩm OCOP". Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mì Trại Lâm (xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn) Đào Thị Hương cho biết: "Hiện nay, hợp tác xã có 14 sản phẩm mì các loại (trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao và 3 sản phẩm đạt 3 sao), bình quân mỗi năm xuất ra thị trường trong nước khoảng 360 tấn và khoảng 13 tấn xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật Bản, Australia. Nắm bắt được nhu cầu người tiêu dùng cần những sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, năm 2017, hợp tác xã đã cho ra dòng sản phẩm mì Chũ Green túi giấy. Đến năm 2019, loại mì này được chứng nhận sản phẩm đạt 4 sao. Từ khi đạt sao, lượng mỳ Chũ Green túi giấy có lượng tiêu thụ tăng rất nhanh".
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Giang Nguyễn Văn Luy, năm 2022, tỉnh phấn đấu có thêm 25 đến 30 sản phẩm đạt 3 sao trở lên; nâng hạng sao cho từ 5 đến 10 sản phẩm; phấn đấu xây dựng, phát triển ít nhất một sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia; đồng thời phấn đấu có tối thiểu một sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn nhằm thu hút khách du lịch và quảng bá hoạt động du lịch của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện các chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường; tăng cường tập huấn, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm về bao bì, tem nhãn, thương hiệu, hồ sơ sản phẩm cho các chủ thể có sản phẩm OCOP đã được công nhận từ 3 sao trở lên; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; phối hợp đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Mặt khác, tỉnh sẽ vận dụng linh hoạt các chính sách để tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nhằm hoàn thiện sản phẩm như: hỗ trợ hạ tầng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao bì, in tem truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm.
Theo Nhân dân