Cơ giới hóa đồng bộ gắn với giống lúa chất lượng cao: Đòi hỏi bức thiết từ thực tế

Trước tình hình biến đổi khí hậu gây bất lợi cùng chi phí đầu tư trong sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, để người trồng lúa bám đồng ruộng, sản xuất có lãi thì cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm mạ, cấy, thu hoạch gắn với bộ giống lúa chất lượng cao đang là đòi hỏi bức thiết. Đây cũng là vấn đề đã và đang được thành phố Hà Nội quan tâm đẩy mạnh…

Việc ứng dụng máy móc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội đã góp phần giảm sức người, tăng năng suất. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại huyện Mỹ Đức.

Trồng lúa nhàn, lãi cao…

Vừa cắt bó lúa để đánh giá năng suất lúa vụ xuân 2022, bà Nguyễn Thị Thành xã Dị Nậu (huyện Thạch Thất) phấn khởi nói: “Tôi thấy chưa khi nào trồng lúa nông dân lại nhàn như bây giờ, toàn bộ khâu cấy máy và giống lúa tôi “giao khoán” cho hợp tác xã nông nghiệp. Chúng tôi chỉ đồng hành các khâu theo dõi, chăm sóc… đến khi thu hoạch thì đến đầu bờ nhận lúa về phơi. Cả vụ sản xuất chỉ mất vài ngày công”…

Tương tự, nhiều hộ dân khác tại xã Dị Nậu cũng chung niềm vui khi vụ xuân 2022 này tiếp tục thắng lợi cả về năng suất, chất lượng. “Trước đây, cứ đến vụ, tôi rất sốt ruột tìm thuê người cấy mà chi phí lại cao, rồi tiền mua giống, công chăm sóc mạ… Nay chuyển sang sử dụng mạ khay, cấy máy, chi phí và công lao động giảm nhiều. Hơn nữa, dây chuyền mạ khay, cấy máy được kiểm nghiệm từ cán bộ hợp tác xã nên nông dân yên tâm về chất lượng”, bà Nguyễn Thị Yên, xã Dị Nậu chia sẻ.

Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Dị Nậu huyện Thạch Thất Nguyễn Văn Phong cho hay, tại điểm mô hình xã Dị Nậu áp dụng mạ khay cấy máy trên giống lúa mới TBR225, BC15 có gen kháng bạc lá đã cho năng suất đạt 74 tạ/ha và cho hiệu quả kinh tế cao đạt hơn so với phương pháp cấy truyền thống với hơn 16,4 triệu đồng/ha..

Tại huyện Quốc Oai, nhiều xã cũng áp dụng mô hình mạ khay, cấy máy và sử dụng giống lúa chất lượng cao. Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Quốc Oai Kiều Minh Khuê cho hay, toàn huyện hiện có hơn 400ha lúa áp dụng biện pháp cơ giới hóa đồng bộ từ khâu cấy đến thu hoạch gắn với bộ giống chất lượng cao. Nhờ giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực thời vụ trong khi năng suất vẫn tốt, đạt 74 tạ/ha, nên người dân Quốc Oai còn tham gia làm việc tại các khu công nghiệp…

Từ thực tế triển khai mô hình mạ khay, cấy máy gắn với bộ giống chất lượng cao tại các địa phương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Lê Lưu Cầu nhận định, cấy lúa hiệu quả nhất là “một cánh đồng – một giống”, tiện cho canh tác, chăm sóc, thu hoạch… song, không phải địa phương nào cũng dễ thực hiện. Chỉ nơi nào cán bộ hợp tác xã nhiệt tình, có trách nhiệm, chuyên môn sâu, áp dụng triệt để khâu mạ khay, cấy máy thì việc đưa giống mới vào thực tế sẽ thuận lợi. Xã Dị Nậu (huyện Thạch Thất), xã Thạch Thán (huyện Quốc Oai), xã Liên Hà (huyện Đông Anh)… đang là minh chứng sống động cho hướng đi hiệu quả này.

Mô hình cơ giới hóa trong trồng lúa gắn với giống chất lượng cao, hiệu quả tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh.

… nhưng vẫn khó nhân rộng

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển cơ giới hóa trong khâu gieo cấy gắn với đưa giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu vào gieo trồng đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho người sản xuất. Các giống lúa mới tham gia mô hình gồm: TBR225 có gen kháng bạc lá, BC15 có gen kháng đạo ôn… Để thúc đẩy đưa mạ khay, cấy máy vào sản xuất, đơn vị đã hỗ trợ các địa phương 50% giống lúa, khay nhựa gieo mạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học…

Phó Tổng Giám đốc phụ trách khu vực Hà Nội Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Seed Hoàng Minh Châu chia sẻ, xây dựng chiến lược cho bộ giống của Hà Nội phải đạt các tiêu chí: Gạo ngon, thơm, đậm, dẻo; năng suất cao, chống chịu sâu bệnh… Tuy nhiên, thực tế không có giống lúa nào chống chọi được 100% với sâu bệnh hại. Do đó, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như cấy máy đã giúp sản xuất lúa của Hà Nội đạt lãi suất cao vào loại nhất – nhì khu vực phía Bắc.

Thực tế, hiện nay việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa của Hà Nội gắn với bộ giống chất lượng cao vẫn còn không ít khó khăn. Theo Trưởng phòng Khuyến nông trồng trọt (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Văn Hà, nếu địa phương nào, cán bộ hợp tác xã và chính quyền không coi trọng nông nghiệp, không đầu tư hệ thống mạ khay, máy cấy tốt thì mô hình không thể triển khai. Do đó, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tham quan học tập để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, nông dân chủ chốt ở cơ sở; đặc biệt, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Một cái khó nữa theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Ngô Đăng Chè, đó là việc quy hoạch đồng ruộng thành các vùng sản xuất chuyên canh và hệ thống giao thông nội đồng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức cũng đang là những rào cản lớn để cơ giới hóa sản xuất gắn với giống chất lượng cao. Để khắc phục, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành chức năng trong đầu tư hạ tầng sản xuất nông nghiệp, thủy lợi nội đồng…

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho rằng, với việc áp dụng đồng bộ các khâu trong sản xuất lúa sẽ khắc phục được tình trạng thiếu nhân lực cho sản xuất nông nghiệp do quá trình đô thị hóa; khắc phục được nạn vật tư nông nghiệp kém chất lượng, giảm chi phí sản xuất… Để khuyến khích mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục hỗ trợ giống, vật tư, máy cấy, dây chuyền gieo mạ khay; hỗ trợ mỗi huyện hình thành 1-2 trung tâm sản xuất mạ khay kết hợp làm điểm tham quan học tập cho địa phương lân cận…

Theo Báo Hà Nội mới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây