Cơ giới hóa sản xuất trái cây, nâng chất lượng nông sản xuất khẩu

STNN – Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, địa phương hiện có trên 82.000 ha vườn trồng cây ăn trái các loại, với sản lượng mỗi năm trên 1,61 triệu tấn trái đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Lắp đặt hệ thống tưới phun tự động tại vườn ông Ngô Thành Trung (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy).

Để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của trái cây, tỉnh Tiền Giang ứng dụng đồng bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là cơ giới hóa các khâu sản xuất cây ăn trái. Tỉnh vận dụng nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy cơ giới hóa sản xuất trái cây, nhất là thực hiện Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 04/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách giảm tổn thất trong nông nghiệp (gọi tắt là Quyết định 68).

Từ khi triển khai Quyết định 68 đến nay, toàn tỉnh có gần 500 khách hàng vay vốn ưu đãi đầu tư máy gặt đập liên hợp, máy sấy nông sản, máy làm đất…, với tổng vốn vay ưu đãi trên 136 tỷ đồng và số tiền lãi được hỗ trợ trên 11 tỷ đồng. Đồng thời, từ nguồn kinh phí khuyến nông, địa phương đầu tư xây dựng nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ về cơ giới hóa trong nông nghiệp nói chung và trồng cây ăn trái nói riêng.

Trên lĩnh vực trồng cây ăn trái, đầu tư xây dựng những mô hình tưới tiết kiệm nước, mô hình trồng thanh long leo giàn, hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ chế biến, đóng gói, sơ chế, bảo quản trái cây xuất khẩu,… Mặt khác, lồng ghép với thâm canh theo tiêu chí VietGAP hoặc GlobalGAP.

Ông Lê Quang Khôi, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, toàn tỉnh có 610 ha cây ăn trái được chứng nhận VietGAP hoặc GlobalGAP. Thực hiện “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ đều tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, chế biến trái cây trên các khâu từ giống, quy trình canh tác, cơ giới hóa sản xuất, xây dựng thương hiệu,…

Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai chương trình “Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao phát triển 100 ha thanh long vùng Chợ Gạo, Tiền Giang”, xây dựng mô hình tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước trên vườn chuyên canh sầu riêng đồng thời hỗ trợ tín dụng để các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến trái cây xuất khẩu.

Qua chương trình “Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao phát triển 100 ha thanh long vùng Chợ Gạo, Tiền Giang”, Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, chế tạo các công cụ hỗ trợ nông dân thâm canh vườn cây thanh long nhằm tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, giảm công lao động; hoàn thiện công nghệ nhà máy sơ chế, đóng gói 1.000m2 và kho bảo quản 1.000 tấn sản phẩm theo tiêu chuẩn GlobalGAP và đạt tiêu chí xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Sở thiết kế phần mềm quản lý trang trại theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Qua đó, thông tin sản xuất của trang trại được điện tử hóa và giúp chủ trang trại quản lý được tất cả thông tin trong quá trình sản xuất ngay cả khi không có mặt tại trang trại. Thông tin được cập nhật liên tục và cung cấp thông tin cho tổ chức chứng nhận, khách hàng, cơ quan chức năng nhanh chóng nhất khi cần thiết.

Sở Khoa học và Công nghệ cũng chuyển giao kỹ thuật lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm vườn thanh long và sầu riêng với hai kiểu tưới là tưới phun mưa gốc (béc thấp) kết hợp bón phân và tưới phun mưa đầu trụ (béc cao) kết hợp phun thuốc. Hai kiểu tưới này được điều khiển tự động qua sóng điện thoại hoặc bằng tay.

Nhằm giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất, chế biến trái cây, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) tỉnh Tiền Giang cho các doanh nghiệp, hợp tác xã vay ưu đãi 14,72 tỷ đồng với lãi suất chỉ bằng 50% so với các ngân hàng thương mại. Mục đích giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã đổi mới công nghệ, mua sắm trang thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Quỹ còn hỗ trợ Công ty TNHH Phước Hưng đầu tư máy sấy bơm nhiệt, máy cắt rau củ đa năng, máy hút chân không… chế biến các sản phẩm từ trái thanh long trong khuôn khổ Dự án “Đầu tư mở rộng nhà xưởng – ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất thanh long sấy tại Công ty TNHH Phước Hưng”.

Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo) được Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ hỗ trợ đầu tư máy sấy bơm nhiệt, máy cắt rau củ đa năng, máy hút chân không chế biến các sản phẩm từ trái thanh long thông qua Dự án “Đầu tư hệ thống dây chuyền chế biến trái cây sấy dẻo với quy mô công nghiệp phục vụ xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao”…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhờ những nỗ lực ứng dụng khoa học – công nghệ, cơ giới hóa sản xuất trái cây góp phần phát huy tiềm năng và thế mạnh ngành trồng cây ăn trái, giúp tăng năng suất, sản lượng, giải phóng sức lao động và tăng giá trị gia tăng của sản phẩm trái cây.

Hiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất, lên líp, xới đất đạt gần 85% diện tích cây ăn trái; bơm tát bằng động cơ đạt 100% diện tích, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy đạt 100% diện tích, lắp đặt hệ thống tưới phun tự động vào sản xuất giúp tiết kiệm nước, mang lại những tiện ích khác đạt đến gần 60% diện tích…

Ông Ngô Thành Trung, canh tác 7.000m2 sầu riêng tại xã Ngũ Hiệp lắp đặt hệ thống tưới phun mưa cho toàn bộ diện tích sầu riêng. Mỗi gốc cây, ông bố trí bốn béc phun mưa ở bốn phía. Ngoài chức năng tưới, hệ thống này còn kết hợp bón phân tự động cho cây sầu riêng. Theo ông Trung, lắp đặt hệ thống tưới phun mang lại nhiều tiện ích, rõ nhất là tiết kiệm nước, tiết kiệm phân bón, giải phóng sức lao động, giảm nhân công thuê mướn, tiết kiệm chi phí sản xuất, hiệu quả kinh tế cao.

Xác định cơ giới hóa sản xuất trái cây là định hướng chiến lược phát triển tiềm năng và lợi thế ngành trồng cây ăn trái đặc sản hướng đến xuất khẩu, thời gian tới, tỉnh Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ ở các khâu sản xuất trái cây.

Trước mắt, đảm bảo cơ giới hóa 100% khâu làm đất. Trong khâu chăm sóc, thu hoạch ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cũng như nhân rộng mô hình phun xịt thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay, hệ thống phun xịt tự động đồng thời tiếp tục nghiên cứu, cải tiến phương tiện, dụng cụ bao trái, thu hoạch và vận chuyển bằng cơ giới đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư hệ thống sơ chế trái cây bảo đảm an toàn thực phẩm và hạn chế thất thoát sau thu hoạch.

Ngoài ra, ứng dụng khoa học – công nghệ công nghệ 4.0 và hệ thống quản lý tiên tiến vào cơ giới hóa sản xuất trái cây, bảo đảm kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, góp phần vừa đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe của thị trường, vừa bảo vệ môi sinh, môi trường và sức khỏe con người.

Theo tiengiang.gov.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây