STNN - Ngày 5/9/2022, cổ phiếu đầu tiên về hoa quả của Trung Quốc đã lên sàn chứng khoán. Công ty hữu hạn cổ phần Hoa quả Hồng Cửu Trùng Khánh (gọi tắt là Công ty Hoa quả Hồng Cửu) đã chính thức lên sàn chứng khoán Hồng Kông. Ngày đầu niêm yết, giá cổ phiếu mở với 40 đô la Hồng Kông (HKD)/cổ phiếu. Dao động trong ngày lên cao nhất 3%, giá thị trường cao nhất lên 19 tỉ đô la HKD.
Thập niên 90 thế kỷ 20, Đặng Hồng Cửu gia cảnh nghèo khó, sớm gia nhập đại quân “người gánh thuê” của Trùng Khánh. Trong một cơ hội ngẫu nhiên, Đặng đã phát hiện sự chênh lệch giá hoa quả giữa quê nhà với nội thành và bắt đầu buôn sỉ. Từ nhà buôn nhỏ, nay đã trở thành thương hiệu tư nhân về phân phối trái cây lớn nhất Trung Quốc, thu nhập hàng năm 10 tỷ nhân dân tệ (CNY).
Thị trường hoa quả Trung Quốc “tam phân thiên hạ”: nam Bách Quả (Bách Quả Viên ở Thâm Quyến), bắc Tiên Phong (hoa quả Tiên Phong ở Hàng Châu), tây Hồng Cửu (hoa quả Hồng Cửu ở Trùng Khánh).
Hành trình IPO
Năm 17 tuổi, chàng trai trẻ Đặng Hồng Cửu tới gia nhập đội quân chuyên gánh thuê tại bến tàu Triều Thiên Môn ở Trùng Khánh. Một lần, anh để ý thấy rằng cùng là giống quýt, nhưng giá quýt ở quê nhà Trường Thọ của anh rẻ hơn nhiều so với ở bến. Vì vậy, anh liền nghĩ tới việc bán buôn.
Năm 1987, Đặng dồn tiền tiết kiệm buôn 2 tấn quýt. Giá mua vào là 0,3 tệ, anh bán ra với giá 0,6 tệ, không ngờ chỉ 2 ngày là bán hết, thu nhập còn nhiều hơn cả tháng anh đi gánh thuê. Qua cú hích này, Đặng chuyển sang chuyên buôn hoa quả.
Năm 2002, Đặng Hồng Cửu cùng vợ là Giang Tông Anh thành lập Công ty hữu hạn Hoa quả Hồng Cửu Trùng Khánh. Việc buôn bán ngày càng thuận lợi. Ba năm sau, một tin tức đã thay đổi hướng kinh doanh của Đặng: 15 loại hoa quả của Đài Loan sẽ được nhập khẩu vào đại lục với mức thuế 0%. Lúc này, nguồn hàng nhập của Đặng đã từ khắp các địa phương. Anh suy nghĩ, nếu nhanh chân là người nhập về đầu tiên, cho dù là giá nhập vào cao, chưa có lợi nhuận thì cũng khiến cho thương hiệu của công ty được quảng bá rộng khắp.
Vì vậy, trong một hội chợ, Đặng Hồng Cửu đã ký kết hợp tác với một doanh nghiệp Đài Loan, nhập lô đầu 4,4 tấn hoa quả từ Đài Loan chuyển tới Trùng Khánh. Quả nhiên, “phát pháo” này thực mỹ mãn. Đặng đã nhìn thấy các kênh bán hàng và thị trường rộng mở. Anh liên hệ với các mối buôn khác, chuyển mục tiêu sang hoa quả nhập khẩu.
Lúc đầu, Đặng phải nhập qua kênh buôn Quảng Châu, Thượng Hải…, rồi chuyển về. Tại đây xuất hiện vấn đề: Quảng Châu và Thượng Hải là thị trường cấp một, từ đó chuyển về Trùng Khánh là thị trường cấp hai. Qua vài kênh, không những giá cả bị đội lên nhiều, mà điều khiến anh lo lắng hơn là luôn xảy ra tình trạng thiếu hàng. Đặng ý thức được rằng muốn tồn tại trong mảng hoa quả nhập khẩu, phải chuyển hướng “nhập từ các nước Đông Nam Á, trước tiên từ Thái Lan”.
Năm 2011, Đặng bắt đầu nhập hàng từ Thái Lan, với điểm đột phá là long nhãn. Ở Thái Lan, Đặng mở một nhà máy, thuê giám đốc nghiệp vụ thạo tiếng Trung và tiếng Thái. Sau khi tạo dựng được uy tín với các vùng trồng, Đặng đã có được nguồn hàng lớn. Còn với đầu ra, Đặng liên kết cấp hàng cho các mối buôn ở mười mấy tỉnh trong nước để tiêu thụ hết hơn 10.000 tấn hàng.
Mở rộng mạng lưới, xâm nhập chuỗi cung ứng lớn, gọi vốn
Mạng lưới mở rộng, từ Thái Lan rồi sang tất cả các nước ở Đông Nam Á. Các chủng loại hoa quả dần phong phú, như sầu riêng, măng cụt, thanh long… Năm 2016, Hoa quả Hồng Cửu có được số vốn đầu tư đầu tiên, hơn 50 triệu tệ vốn của vòng series A (khoản đầu tư vào một công ty khởi nghiệp tư nhân, sau khi nó đã thể hiện được tiến triển trong việc xây dựng mô hình kinh doanh và chứng minh tiềm năng phát triển và tạo doanh thu). Cũng trong năm này, khái niệm bán lẻ mới của Alibaba lại mang đến cơ hội cho Đặng Hồng Cửu.
Có được thêm vốn, Công ty Hoa quả Hồng Cửu nhanh chóng vào được chuỗi cung ứng cho hệ thống bán lẻ Freshhema (là một định dạng bán lẻ mới mà Alibaba đã xây dựng lại hoàn toàn cho các siêu thị ngoại tuyến. Hema là một siêu thị, một nhà hàng và một chợ rau, nhưng những mô tả như vậy dường như không chính xác. Người tiêu dùng có thể đến cửa hàng để mua hoặc đặt hàng trên ứng dụng Hema - một trong những đặc điểm nổi bật nhất của Freshhema là giao hàng nhanh chóng: trong vòng 3km tính từ cửa hàng, hàng sẽ được giao đến tận nơi trong vòng 30 phút) và Suning là một trong những nhà bán lẻ phi chính phủ lớn nhất tại Trung Quốc, có trụ sở chính tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Suning có hơn 1600 cửa hàng bao phủ hơn 700 thành phố của Trung Quốc (Trung Quốc đại lục và Hồng Kông) và Nhật Bản; với nền tảng thương mại điện tử của mình, suning.com nằm trong số ba công ty B2C hàng đầu của Trung Quốc).
Các nhà đầu tư lần lượt đổ tiền về, năm 2008 Công ty Hoa quả Hồng Cửu liên tiếp nhận được vốn đầu tư vòng ba. Trong đó, số tiền nhận được của vòng series B cực lớn, các tổ chức nổi tiếng như Thâm Quyến Venture Capital, China Merchants Capital, Sunshine Life Insurance và China Agricultural Reclamation đã tham gia vào cuộc chơi. Một năm sau, Công ty Hoa quả Hồng Cửu một lần nữa hoàn thành vòng tài trợ series C1 do CMC Capital dẫn đầu, với quy mô tài trợ lên đến 500 triệu nhân dân tệ.
Năm 2020, doanh thu bán hàng của Công ty Hoa quả Hồng Cửu đột phá lên tới 5 tỉ nhân dân tệ và hoàn thành lần rót vốn cuối do Alibaba đầu tư, được định giá khoảng 8,4 tỉ HKD. Bản chào bán cổ phiếu cho thấy, trước khi Hoa quả Hồng Cửu IPO, Đặng Hồng Cửu nắm giữ 27,7937% cổ phần, vợ anh - Giang Tông Anh nắm 9,4304% cổ phần và Alibaba nắm 8%.
Chử Cường (theo “Giới đầu tư”)