STNN – Ngày 14/10 vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 193/KH-UBND về Triển khai Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn thành phố nhằm quản lý, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản.
- Nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan do áp dụng mô hình nuôi tôm đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao
- Nuôi trồng thủy sản với công nghệ hiện đại nhằm tạo nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn
Với chiều dài đường bờ biển trên 90km, nhiều vịnh nước sâu, các cửa ra biển và diện tích ngư trường khoảng 15.000m2 trong vùng lãnh hải thềm lục địa trải dài 125km, Đà Nẵng sở hữu một tiềm năng khổng lồ trong việc phát triển ngành thủy sản. Hiểu rõ được tiềm năng đó, thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 193/KH–UBND về triển khai Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn thành phố, khẳng định rõ quyết tâm phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, vừa để quản lý, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản, vừa phát triển nguồn lợi ổn định từ ngành này.
Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ gồm:
1. Rà soát, xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản;
2. Chủ động phòng ngừa, quản lý, kiểm soát nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản;
3. Quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản (quan trắc đất, nước, trầm tích);
4. Kiểm kê, đánh giá nguồn vốn tự nhiên thủy sản phục vụ phát triển bền vững ngành thủy sản;
5. Phối hợp các Bộ, ngành Trung ương triển khai các hoạt động nâng cao năng lực, kỹ năng phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trong lĩnh vực thủy sản và tham gia ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn thành phố;
6. Thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản;
7. Bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học.
Trong đó, cần ưu tiên chú trọng những nhiệm vụ như: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng dân cư và những hộ, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy sản; Đề xuất những giải pháp quản lý, khai thác, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản; Ngăn chặn tình trạng sử dụng các công cụ, phương tiện hủy diệt khai thác các tài nguyên trên biển; Bảo vệ và phát triển bền vững, sử dụng một cách có hợp lý, hiệu quả hệ sinh thái biển. Bên cạnh đó, UBND thành phố Đà Nẵng cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tổ chức điều tra, khảo sát bổ sung tại bán đảo Sơn Trà về tiềm năng thành lập khu bảo tồn biển (theo Quyết định số 541/QĐ-TTg ngày 20/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050).
Kế hoạch đồng thời đưa ra một số giải pháp thực hiện như:
1. Nâng cao nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản đối với các bên có liên quan; Phát triển khoa học, ứng dụng công nghệ trong hoạt động thủy sản, trong xử lý chất thải từ các hoạt động thủy sản;
2. Đầu tư xây dựng hạ tầng đảm bảo việc xử lý, thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải, mạng lưới quan trắc môi trường thủy sản;
3. Tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong các hoạt động thủy sản;
4. Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường…
Song song với đó, thành phố triển khai hoạt động bổ sung các giống loài thủy sản có giá trị kinh tế, tổ chức phục hồi các hệ sinh thái vùng biển ven bờ thành phố, hình thành khu vực cư trú nhân tạo nhằm bảo vệ các loài quý, hiếm cũng như xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030 nhằm đánh giá, đề xuất những giải pháp quản lý đảm bảo phát triển sản xuất thủy sản bền vững; Nghiên cứu, xây dựng, từng bước mở rộng các ứng dụng khoa học, công nghệ trong nuôi trồng thủy sản; Hỗ trợ các vùng nuôi trồng thủy sản xử lý tình trạng ô nhiễm; Hợp tác quốc tế trong quá trình bảo vệ môi trường.
Các đơn vị được giao nhiệm vụ tại Kế hoạch chủ động sắp xếp, bố trí kinh phí trong nguồn ngân sách được phê duyệt từ nguồn nhân sách nhà nước, phân bố hằng năm và lồng ghép từ các chương trình, dự án có liên quan và huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật để tổ chức thực hiện.
Minh Huyền