Ngành nông nghiệp luôn thể hiện rõ vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, giá trị sản xuất nông nghiệp liên tục tăng cao, song ngành nông nghiệp nước ta đóng góp khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc. Trong đó, 3 lĩnh vực chính có lượng phát thải lớn là: trồng lúa nước phát thải 49,7 triệu tấn CO2 quy đổi (CO2e) chiếm 50%; chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2e chiếm 19%; quản lý đất và sử dụng phân bón phát thải 13,2 triệu tấn CO2e chiếm 13%... Để xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường; thực hiện thành công cam kết trở thành nước có phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, một trong những con đường Việt Nam lựa chọn là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái.
Trong những năm trở lại đây, nông nghiệp sinh thái đang dần được chú trọng phát triển ở nhiều địa phương, vùng miền và đạt được những thành công bước đầu. Kế hoạch xây dựng các mô hình nông nghiệp sinh thái ở các địa phương luôn được nhà nước và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm và đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Thành tựu ấy được thể hiện qua một số dấu ấn nổi bật của nông nghiệp sinh thái trong năm qua:
Thúc đẩy xuất khẩu hữu cơ
Trong năm qua, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong việc chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp sinh thái. Các khu vực đã triển khai mô hình nông nghiệp hữu cơ, canh tác đa tác dụng và kết hợp chăn nuôi với bảo tồn sinh học.
Mục tiêu diện tích đất nông nghiệp hữu cơ tăng lên 3% vào năm 2030 theo Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ do Bộ NN - PTNT trình Chính phủ và được phê duyệt tại Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Các tỉnh có tăng trưởng mạnh về diện tích đất nông nghiệp hữu cơ có thể kể đến là Lâm Đồng, Bình Thuận và Đồng Tháp.
Gạo hữu cơ, trái cây và rau củ Việt Nam ngày càng được ưa chuộng trên thị trường quốc tế nhờ đáp ứng tiêu chuẩn nông nghiệp xanh và đạt nhiều chứng nhận bền vững, tăng uy tín sản phẩm.
Phát triển kinh tế và xã hội
Nông nghiệp sinh thái không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực mà còn tăng thu nhập cho nông dân. Theo báo cáo từ Bộ NN - PTNT, thu nhập trung bình từ mô hình nông nghiệp sinh thái đã tăng 20-30% so với nông nghiệp truyền thống.
Nông nghiệp sinh thái còn giúp phát triển nông thôn mới: Xây dựng nông thôn gắn với bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế nông thôn, giúp nông dân trở thành trung tâm của quá trình phát triển. “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh là định hướng xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam trong thời gian tới” - trích Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những nỗ lực này nâng cao vị thế nông sản Việt Nam trên trường quốc tế, tạo đà cho sự phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Ngoài ra, mô hình này còn tăng cường mối quan hệ cộng đồng, giúp nông dân chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác trong sản xuất.
Bảo vệ môi trường
Thành tựu nổi bật nhất của nông nghiệp sinh thái năm 2024 là góp phần bảo vệ môi trường. Việc giảm sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật đã giúp giảm khí nhà kính và cải thiện chất lượng đất và nước.
Hệ thống canh tác đa dạng sinh học đã tăng cường độ phong phú sinh học địa phương, thu hút nhiều loài chim, cá và côn trùng quay trở lại.
Tại Việt Nam, năm 2024 đã chứng kiến nhiều ứng dụng cụ thể của nông nghiệp sinh thái nhằm hướng tới phát triển bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Một số ví dụ đáng chú ý bao gồm:
Mô hình nông nghiệp tuần hoàn tại Tây Bắc: Tại bản Nam (xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), nhiều hộ dân đã áp dụng kỹ thuật trồng cỏ dưới tán cà phê để giữ độ ẩm đất và cung cấp thức ăn chăn nuôi. Phân gia súc được ủ với men vi sinh làm phân bón, giảm chi phí đầu vào và tăng năng suất cây trồng. Nhờ đó, năng suất cà phê tăng gấp ba, và lợi nhuận của người dân tăng đáng kể.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Đồng bằng sông Cửu Long: Nhiều nông dân chuyển đổi từ việc sử dụng hóa chất sang các phương pháp sinh học như phân bón hữu cơ và kỹ thuật canh tác bền vững, giúp giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa và cải thiện chất lượng đất.
Dự án trồng cây mắc ca ở tỉnh Điện Biên: Ở xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo), dự án trồng mắc ca với diện tích lớn đã bước đầu đạt hiệu quả, phủ xanh đồi trọc và tạo ra sinh kế bền vững cho người dân.
Ứng dụng công nghệ sinh học: Các dự án “Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái và hệ thống thực phẩm an toàn ở Việt Nam - ASSET” hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ sinh học giúp nông dân nhiều địa phương sản xuất phân bón từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, nâng cao hiệu quả kinh tế mà không gây hại đến môi trường.
Những mô hình này không chỉ cải thiện thu nhập cho nông dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Thách thức và giải pháp
Tuy nhiên, nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức, như: vốn đầu tư ban đầu cao, thói quen canh tác truyền thống, và thiếu các tiêu chuẩn rõ ràng cho sản phẩm nông nghiệp sinh thái.
Việc chuyển giao công nghệ, đào tạo và đầu tư còn giới hạn. Ngoài ra, những biến đổi bất lợi từ thị trường quốc tế cũng gây khó khăn cho việc xuất khẩu các sản phẩm sinh thái.
Trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng nông nghiệp xanh, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp sinh thái. Sự hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và nông dân sẽ là chìa khóa để đạt được mục tiêu bền vững trong nông nghiệp.
Nông nghiệp sinh thái là hệ thống sản xuất dựa vào tự thúc đẩy và khai thác các tiến trình tự nhiên (phân hủy hữu cơ, cân bằng sinh học, tái tạo đất, dinh dưỡng đất...) trên cơ sở tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học. Nông nghiệp sinh thái không đơn giản chỉ là một phương thức canh tác tiến bộ mà “hiện đại lại thuận thiên, thuận thiên nhưng hiện đại”, là điều kiện tất yếu cho nền kinh tế tăng trưởng xanh. |