
Các loài trai và giáp xác được nghiên cứu cho thấy khả năng thích nghi với môi trường xáo trộn, giúp chúng chống chịu tốt hơn trước những thay đổi môi trường như biến đổi khí hậu và sử dụng đất. Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí Ecology Letters.
Môi trường sống ở đô thị rất khác so với tự nhiên, và điều này đặt ra nhiều thách thức mới cho động vật và thực vật. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta vẫn biết rất ít về cách các quần thể cùng loài tiến hóa trong những môi trường có và không bị ảnh hưởng bởi con người.
Một nhóm nghiên cứu quốc tế do Tiến sĩ Elizabeta Briski, nhà sinh vật học biển tại Trung tâm Nghiên cứu Đại dương GEOMAR Helmholtz ở Kiel, Đức, dẫn đầu, đã khảo sát cách các điều kiện đô thị tác động đến quần thể của ba loài thủy sinh (gồm một loài trai hai mảnh vỏ và hai loài giáp xác). Nghiên cứu của bà cho thấy những quần thể này đã thích nghi với môi trường xáo trộn và do đó trở nên phục hồi tốt hơn trước những thay đổi. Kết quả này đã được công bố hôm nay trên tạp chí Ecology Letters.
Sự khác biệt giữa môi trường sống đô thị và tự nhiên

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã so sánh quần thể trai xanh (Mytilus sp.) và hai loài tôm (Gammarus locusta và Gammarus salinus) ở Kiel Fjord, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của con người, với quần thể từ Schlei, nơi ít bị tác động hơn. Tiến sĩ Briski giải thích: "Có một số khác biệt giữa hai địa điểm này, chẳng hạn như nồng độ kim loại nặng trong trầm tích và nhiệt độ. Các thành phố giống như những hòn đảo nhiệt, nơi động vật phải đối mặt với nhiệt độ cao hơn so với môi trường sống tự nhiên, nơi ít bị ảnh hưởng bởi con người".
Để kiểm tra khả năng thích nghi của chúng, nhóm nghiên cứu đã cho động vật từ cả hai vùng nước tiếp xúc với nhiều tác nhân gây căng thẳng trong điều kiện phòng thí nghiệm. Những tác nhân này phản ánh các điều kiện môi trường hiện tại, bao gồm nhiệt độ tăng, độ mặn thay đổi và lượng carbon dioxide trong nước tăng, dẫn đến axit hóa. Nhóm đã ghi lại tỷ lệ tử vong của động vật trong suốt 30 ngày.
DDộng vật sống trong môi trường đô thị cho thấy khả năng phục hồi tốt hơn trước những tác nhân gây căng thẳng môi trường
Kết quả nghiên cứu cho thấy chúng đã thích nghi tốt hơn với những điều kiện thay đổi so với các đồng loại từ môi trường sống được bảo vệ.
Tiến sĩ Briski cho biết: "Những quần thể này có thể đóng vai trò như 'quần thể cứu hộ' tiềm năng cho những quần thể đang bị đe dọa. Đồng thời, khả năng chịu đựng tốt hơn của chúng trước những thay đổi môi trường trong tương lai có thể giúp chúng dễ dàng chinh phục những môi trường sống mới. Tuy nhiên, chúng cũng có thể trở thành loài ngoại lai xâm lấn tiềm tàng do hoạt động buôn bán và vận chuyển của con người giữa các trung tâm đô thị."
Những phát hiện quan trọng đối với công tác bảo tồn và thích ứng với khí hậu
Kết quả nghiên cứu hỗ trợ giả thuyết rằng, môi trường sống đô thị có thể cung cấp những manh mối quan trọng về cách động vật sẽ thích nghi với các thay đổi môi trường trong tương lai. Tiến sĩ Briski cho biết: "Kết quả nghiên cứa cho thấy quần thể các loài khác nhau có mức độ nhạy cảm khác nhau đối với các tác nhân gây căng thẳng liên quan đến quá trình đô thị hóa. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo tồn. Quần thể đô thị có thể hỗ trợ quần thể trong môi trường sống tự nhiên vì chúng có khả năng phục hồi tốt hơn trước những thay đổi môi trường."
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu những khả năng thích nghi này có theo kịp những thay đổi do con người gây ra hay không. Do đó, các nghiên cứu trong tương lai cần tìm hiểu xem các tác nhân gây căng thẳng khác, như kim loại nặng hoặc ô nhiễm ánh sáng, ảnh hưởng đến khả năng thích nghi như thế nào, và liệu những khả năng này có mang lại lợi thế trong các môi trường sống mới hay không.