Hà Nội đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp

Thành phố Hà Nội hiện có 141 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình đã phát huy hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trong các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có thể kể đến như: Khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh huyện Thạch Thất phát triển theo hướng áp dụng công nghệ cao của Nhật Bản, Đức vào sản xuất nông nghiệp, với các mô hình nhà kính, sản xuất rau thủy canh, nuôi cấy tảo xoắn để chiết xuất dược liệu và trồng rau kết hợp với cây dược liệu, du lịch và nghỉ dưỡng; Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ Cuối Quý, huyện Đan Phượng, diện tích 5ha với sản lượng 3 tạ rau/ngày, trung bình mỗi tháng cũng cho thu nhập trên 120 triệu đồng, giá trị bình quân/ha canh tác đạt gần 6,7 tỷ đồng/ha; Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (10ha) tại huyện Chương Mỹ, ứng dụng công nghệ viễn thám, hệ thống quan trắc thời tiết i.Mentos 3.3 A-G để cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất. Quy trình kỹ thuật chăm sóc rau ăn lá được thực hiện theo quy trình kỹ thuật chuyển giao từ tỉnh Ibaraki – Nhật Bản và ứng dụng màng phủ không dệt để phòng trừ sâu bệnh và nâng cao hiệu quả cây trồng. Ngoài mô hình canh tác rau ăn lá, mô hình sản xuất nấm cũng được thực hiện theo công nghệ Nhật Bản, như của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức), với tổng vốn đầu tư 3 triệu USD, diện tích 3ha, diện tích nuôi trồng nấm 3.000m2; sử dụng công nghệ, quy trình sản xuất đóng gói 100% của Nhật Bản, năng suất hiện nay đạt 3tấn/ngày; lương tháng bình quân của công nhân đạt từ 6 – 10 triệu đồng/người/tháng.
Đối với chăn nuôi, trong tổng số 141 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có 59 chuỗi có nguồn gốc động vật, trong đó chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được xây dựng và phát triển theo 2 hình thức, là: Mô hình chuỗi khép kín do doanh nghiệp làm đầu mối chủ động hoàn toàn các khâu từ sản xuất giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm. Một số chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi khép kín hoạt động có hiệu quả, như: Chuỗi thực phẩm A- Z, chuỗi trứng Tiên Viên, chuỗi trứng 729, chuỗi thực phẩm Organic Green, chuỗi thịt lợn Thủy Thiên Nhu, thịt lợn hữu cơ Bảo Châu, chuỗi sữa Vinh Nga…; Mô hình chuỗi liên kết lấy các tổ chức nông dân (chi hội/hợp tác xã/hội) tại các vùng chăn nuôi tập trung, các xã chăn nuôi trọng điểm của Thành phố làm trọng tâm từ đó lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào, giết mổ, sơ chế, cũng như doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm để tạo thành chuỗi từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết trong nông nghiệp, đã góp phần nâng cao và cải thiện đời sống nông dân với thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 55 triệu đồng/người/năm, các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 70 triệu đồng, Hoài Đức 62 triệu đồng, Đan Phượng 61,2 triệu đồng, Chương Mỹ 60 triệu đồng,… Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, để tiếp tục cơ cấu lại sản xuất một số lĩnh vực ngành nông nghiệp, Hà Nội xác định tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trong sản xuất lúa, cây rau màu ngắn ngày; đẩy mạnh sản xuất giống lúa chất lượng cao đạt trên 60% diện tích gieo trồng, giống lúa lai chiếm khoảng 5% diện tích gieo trồng. Mở rộng diện tích sản xuất các giống hoa, cây cảnh có hiệu quả kinh tế cao như: hoa lily, hồng, lan, cây cảnh, hoa thảm, hoa chậu,… Khuyến khích mở rộng phát triển sản xuất các giống cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày có năng suất, chất lượng cao, hiệu quả kinh tế cao. Ổn định và phát triển các chủng loại cây ăn quả đã có nhãn hiệu, thương hiệu như: Bưởi Chương Mỹ, bưởi Phúc Thọ, bưởi Quế Dương, bưởi sạch Sóc Sơn, nhãn muộn Đại Thành, nhãn muộn Hoài Đức, chuối Vân Nam, cam Kim An, ổi Đông Dư, ổi Cự Khối… Phối hợp trong phát triển diện tích trồng các giống bưởi: bưởi đỏ Hòa Bình, bưởi diễn và một số giống bưởi như bưởi thồ, bưởi chua đầu tôm,… Mở rộng diện tích trồng cam canh, cam V2,… Đối với gia súc, gia cầm, phát triển đàn bò khoảng 135 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 12 nghìn tấn; đàn trâu khoảng 25,3 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 1,85 nghìn tấn; đàn lợn khoảng 1,8 triệu con trở lên, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 250 nghìn tấn. Phát triển đàn gia cầm 40 triệu con, trong đó 30 triệu con gà; 10 triệu con vịt, ngang, ngỗng và gia cầm khác, phấn đấu sản lượng thịt xuất chuồng đạt khoảng 156 nghìn tấn…
Điểm đáng chú ý, trước tình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng với chiến lược vừa ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh vừa khôi phục, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh, an toàn xã hội, Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ổn định sản xuất và việc làm cho nông dân nói riêng và người lao động nói chung. Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, nông sản thực phẩm là mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng. Do vậy, để hỗ trợ cho việc sản xuất, tiêu thụ nông sản, Hà Nội đang nỗ lực triển khai hình thức bán nông sản bằng hình thức online, livestream để tránh việc đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản trên địa bàn Thành phố, góp phần phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Chí, trong nửa đầu tháng 8/2021 vừa qua, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội phối hợp với Viện nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN và Công xưởng 1102 đã tổ chức nhiều khóa học trực tuyến miễn phí hướng dẫn phương thức bán hàng online, livestream nhằm giúp các nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh và tiêu thụ nông sản kết nối tiêu thụ sản phẩm với người tiêu dùng bằng hình thức bán hàng online qua mạng xã hội như: Facebook và Fanpage, App Store, Google play, Zalo… để đảm bảo hàng hóa lưu thông trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp./.

Nguồn: ĐCSVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây