Hà Nội: Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, UBND thành phố Hà Nội đã bổ sung có mục tiêu kinh phí hỗ trợ các huyện thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, thủy sản áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2021.

Theo đó, UBND thành phố Hà Nội bổ sung gần 49 tỷ đồng cho 7 huyện để thực hiện nhiệm vụ trên. Huyện Ba Vì được bổ sung kinh phí nhiều nhất là 15,29 tỷ đồng, tiếp đến các huyện: Phú Xuyên 11,959 tỷ đồng, Phúc Thọ 9,882 tỷ đồng, Thanh Oai 5,229 tỷ đồng, Mê Linh 2,502 tỷ đồng, Thanh Trì 2,25 tỷ đồng, Quốc Oai 1,822 tỷ đồng.

UBND các huyện được bổ sung kinh phí thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, thủy sản để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2021, đồng thời kiểm tra, rà soát, chịu trách nhiệm về đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ bảo đảm theo đúng quy định. Đặc biệt là quản lý, phân bổ, sử dụng kinh phí được giao bảo đảm đúng chế độ, chính sách, mục đích và thực hiện thanh, quyết toán theo quy định…

Ứng dụng công nghệ cao giúp phát triển nông nghiệp an toàn, thân thiện môi trường.

Việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn là nhiệm vụ mà Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” đề ra, tiếp tục hỗ trợ các địa phương chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, thủy sản áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội đạt trên 70%.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay, Hà Nội có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, có 109 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 40 mô hình về chăn nuôi, 15 mô hình trong lĩnh vực thủy sản. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, để thực hiện thành công mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn thành phố đã tập trung ứng dụng cơ khí hóa đồng bộ vào trồng trọt như mạ khay, máy cấy, máy cày bừa, máy gặt đập; sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo công nghệ vi sinh, nuôi trong chuồng kín, có hệ thống xử lý môi trường.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay. Điển hình như: mô hình sản xuất giống và hoa lan hồ điệp của HTX Đan Hoài, huyện Đan Phượng; Mô hình sản xuất rau thủy canh của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn, huyện Gia Lâm…

PV

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây