STNN - Đây là lần thứ ba Cục Kiểm lâm phối hợp với Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp và các bên liên quan tiến hành lấy mẫu sinh thiết và phân tích ADN các cá thể hổ nuôi nhốt.
- Cầu vượt dành cho động vật hoang dã lớn nhất thế giới
- Thừa Thiên Huế: Phát hiện đối tượng tàng trữ động vật hoang dã, quý hiếm
Ngày 13/6, tại tỉnh Bình Dương, 26 cá thể hổ nuôi nhốt đã được lấy mẫu sinh thiết để phân tích mẫu gene (ADN). Việc lấy mẫu được Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (IEBR), Trung tâm Bảo tồn Voi tỉnh Đắk Lắk, WWF và Cơ sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình (Tổ chức Four Paws) kết hợp cùng Vườn thú Đại Nam tại tỉnh Bình Dương thực hiện.
Hổ là loài động vật được xếp vào mức nguy cấp trên toàn cầu và được bảo vệ cả trong nước và quốc tế theo Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES), Nghị định 06/2019 (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 84/2021). Công ước CITES yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên có biện pháp hạn chế số lượng hổ nuôi nhốt nhằm phục vụ hiệu quả cho mục đích bảo tồn các quần thể hổ hoang dã và ngăn chặn việc nuôi nhốt để buôn bán các bộ phận và sản phầm từ hổ.
Việc ghi nhận hồ sơ ADN và kiểu sọc vằn đặc thù của các cá thể hổ nuôi nhốt là một phần trong nỗ lực và kế hoạch của Chính phủ nhằm nâng cao công tác quản lý hổ nuôi nhốt theo Chỉ thị 29/CT-TTg ngày 23/07/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong quản lý động vật hoang dã và bảo đảm tuân thủ các yêu cầu của CITES.
Hoạt động thu thập các mẫu sinh thiết được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp do USAID tài trợ và do Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp (MBFP) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và WWF triển khai thực hiện, như một phần của chương trình thí điểm với Cục Kiểm lâm. Dự án thử nghiệm sẽ chụp ảnh ghi nhận các sọc vằn và thu thập mẫu ADN của các cá thể hổ nuôi nhốt để thành lập cơ sở dữ liệu quốc gia và đưa ra những khuyến nghị cho cán bộ cấp tỉnh và quốc gia nhằm cải thiện việc giám sát và quản lý các cá thể hổ nuôi nhốt.
Lấy mẫu sinh thiết được thực hiện bằng cách sử dụng mũi phi tiêu để lấy mẫu lõi mô các cá thể hổ. Các mẫu này sau đó sẽ được phân tích để xác định hồ sơ mẫu gen (ADN) cụ thể cho từng cá thể hổ nuôi nhốt. Đồng thời với việc lấy mẫu, các hình ảnh về các đường sọc vằn của từng cá thể hổ cũng được ghi lại. Các đường mẫu sọc của mỗi cá thể hổ cũng khác biệt giống như dấu vân tay của con người nên sẽ có một mẫu riêng để xác định được từng cá thể.
“Cục Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp để tiến hành lấy mẫu sinh thiết ADN và chụp ảnh sọc vằn của các cá thể hổ, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục triển khai những công việc này trong thời gian tới”, lãnh đạo của Cục Kiểm lâm cho biết.
Đây là lần thứ ba Cục Kiểm lâm phối hợp với Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp và các bên liên quan tiến hành lấy mẫu sinh thiết và phân tích ADN các cá thể hổ nuôi nhốt. Hai lần lấy mẫu trước được thực hiện tại tỉnh Đắk Nông và Thái Nguyên lần lượt vào tháng 10 năm 2022 và tháng 3 năm 2023. Việc lấy mẫu bổ sung sẽ được thực hiện vào trước cuối năm 2023.
Sau khi lấy mẫu các cá thể hổ nuôi nhốt tại tỉnh Thái Nguyên, chủ cơ sở nuôi nhốt là ông Nguyễn Khắc Thường đã bày tỏ nguyện vọng được tự nguyện giao nộp toàn bộ sáu cá thể hổ cho Nhà nước sau khi làm việc với Cục Kiểm lâm và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, trong hai ngày 7 và 8/6 vừa qua, tất cả sáu cá thể hổ đã được chuyển giao an toàn đến Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội, đánh dấu một mốc quan trọng cho việc các cơ sở tư nhân được tự nguyện chuyển hổ nuôi nhốt sang các cơ sở, trung tâm của Nhà nước.
“Việc thu thập các mẫu ADN và chụp ảnh sọc vằn của hổ là một bước quan trọng để có thể giám sát và quản lý hổ nuôi nhốt, không chỉ để đáp ứng các yêu cầu của CITES mà còn để ngăn ngừa các hoạt động bất hợp pháp do nhu cầu về các sản phẩm từ hổ bao gồm cao, xương hổ”, bà Michelle Owen, Giám đốc Văn phòng dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, WWF kết luận.
Theo Nhân dân