Hợp tác xã nông nghiệp Đức Nghĩa – làm nông nghiệp với “Đức” và “Nghĩa”

Xuất thân là một sale dược phẩm từng làm cho các công ty dược lớn trong và ngoài nước, từng chứng kiến cảnh nhiều người nông dân cơ cực khi mắc chứng bệnh ung thư, Hoàng Tuấn Đạt quyết định rẽ sang một hướng đi khác đầy thử thách nhưng giàu tính nhân văn: làm nông nghiệp sạch, đặc biệt là trồng lúa sạch.

Hoàng Tuấn Đạt có 12 năm làm tại Hisamitsu Việt Nam và 4 năm phụ trách bán hàng khu vực miền Nam của Công ty cổ phần Dược phẩm Nam Hà, rồi 1 năm nữa giúp một người bạn phát triển thị trường dược khu vực miền tây Nam Bộ.

Trong một lần làm việc với Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ, nhận thấy tỉ lệ người bệnh ung thư là nông dân rất cao, anh quyết định chấm dứt công việc đang làm dù công việc đó mang lại cho anh thu nhập đáng kể. Đó là một ngày cuối năm 2018.

Trở về Bắc, anh đầu quân, gắn bó với Công ty An Đô và bắt đầu hành trình khắp miền Bắc để lan tỏa về canh tác vi sinh, sinh học. Anh tham gia lớp tập huấn của ThS. Hoàng Sơn Công về giải pháp trồng trọt không sử dụng hóa chất, tự chế tạo phân bón từ những nông sản, phụ phẩm gần gũi với người dân tại TP. HCM. “Sau khi tham gia buổi tập huấn, mình chọn hướng tiếp cận khác đó là không đi nói miệng với dân được mà phải làm cho họ thấy, đưa sản phẩm sạch cho người dân ăn thì mới thuyết phục được họ” – anh Đạt chia sẻ.

Nghĩ là làm, anh thuyết phục bạn đồng niên Chử Cường tham gia cuộc chơi này. Sau khi nghe những lời thuyết phục đầy nhiệt huyết của anh, anh Cường đồng ý hợp tác. HTX Đức Nghĩa ra đời tại quán nước chè vỉa hè Hà Nội.

“Hai anh em lang thang nhiều tỉnh để tìm đất lập farm. Đầu tiên là về Hưng Hà (Thái Bình) đặt vấn đề thuê đất. Ròng rã 5 tháng trời thuyết phục dân, họp lên họp xuống không dưới 3 lần. Cuối cùng đa phần dân đồng ý cho thuê đất. Chúng tôi làm hợp đồng, gửi bản hợp đồng tại nhà bác Trưởng thôn để bà con đến ký.” – Anh Đạt kể.

“Hai anh em hí hửng ra về, nâng chén ăn mừng. Nhưng là… mừng hụt vì bà con gieo ngô ngay trên diện tích đất mà mất bao công sức chúng tôi mới thuyết phục được họ cho thuê” – anh Cường tiếp lời anh Đạt kể về nỗi vất vả của những ngày đầu khởi nghiệp với nông nghiệp sạch.

“Không có ‘duyên’ với đất Thái Bình, chúng tôi về Nam Định vì có thông tin từ một người bạn rằng ‘nhà tôi có đầy đất, hai ông tha hồ mà làm’. Tôi giao hẹn với Cường nếu về Nam Định thì phải để cho tôi trồng lúa Và hai chúng tôi lại vác balo hăm hở lên đường về Nam Định.” – Anh Đạt kể tiếp.

Sau khi bỏ tiền dọn thực bì, san lấp mặt bằng, khoan giếng, kéo điện... cả hai anh em mới tá hỏa: thì ra đất là của người khác chứ không phải của bạn đồng niên kia. Vậy là tiền thì mất thêm một khoản kha khá mà đất vẫn không thấy đâu. Thật là thêm một bài học với học phí đắt đỏ!

sản xuất lúa

Rồi may mắn HTX Đức Nghĩa tìm được hơn chục héc-ta ruộng tại xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). Những buổi đầu tiên, do không quen chở nặng, cả người và xe cùng lăn xuống sông hay ngã giữa ruộng, người dính đầy bùn cũng là chuyện… thường. Vất vả nhưng vẫn lạc quan, buổi tối mấy anh em vác loa kéo ra giữa đồng hát hò.

lúa sạchTrong quá trình trồng lúa, do chủ động được vấn đề sản xuất vi sinh trừ sâu bệnh nên may mắn là lúa không bị sâu bệnh hại, ngược lại thì chim cò, cua cá, đỉa đã bắt đầu xuất hiện. Mấy anh em mừng thầm vì tôm cá sẽ mang lại nguồn thu kha khá trong quá trình sản xuất. Nhưng lại phát sinh rầy với mật độ khủng khiếp. Người dân cũng sốt ruột giùm và khuyên mua thuốc bảo vệ thực vật hóa học về phun. Kiên định với công cuộc làm nông không hóa chất, Đạt liên hệ với kỹ sư Hứa Quyết Chiến tại TP. Hồ Chí Minh để nhờ hỗ trợ chế phẩm Exin trừ rầy... rồi cũng thoát được nạn rầy.

lúa

Thu hoạch vụ đầu tiên, được mấy chục tấn lúa. Anh em hì hụi bốc lúa lên xe, lại huy động cả một ông anh là cán bộ Viện KHNN lên bốc. Mang lúa đi sấy rồi xát gạo, một kết quả quá “bất ngờ”: 10 hạt gạo thì 5 hạt nếp 5 hạt tẻ lẫn lộn. Buồn tới mức không ai nói được câu gì.
Giờ phải làm sao? Bỏ cuộc ư? Không được! Vì tiền của mình, của bạn bỏ ra không ít rồi. Lục tìm các mối quan hệ và biết được máy bay phun thuốc có thêm chức năng sạ hạt, Đạt liên hệ đội máy bay về sạ lúa. Khi lúa mọc lên thì lại mọc thành luống chứ không phải thành hàng do người điều khiển máy bay không có kinh nghiệm! Đành chờ đến ngày lúa mọc cao thì thuê người đi tỉa dặm.

Rồi thì không thể không nói đến cỏ lồng vực. Vì biết là cỏ có vòng đời ngắn hơn lúa nên mấy anh em kệ, tính không làm cỏ, cứ để cho cỏ rụng trước rồi gặt lúa sau. Kết quả là cỏ mọc xen lúa, không phân biệt nổi đâu là lúa đâu là cỏ nữa! Đến giờ, nhắc đến cỏ lồng vực mà mấy anh em vẫn còn rợn tóc gáy.

Công tác phòng trừ sâu bệnh cũng vậy, vụ này anh em rút kinh nghiệm. Nhờ chủ động phun chế phẩm và vi sinh nên may mắn lúa không bị sâu bệnh, nhưng do chưa có kinh nghiệm bổ sung chất dinh dưỡng cho cây nên lúa lép, nhẹ cân đến mức không tưởng. Vụ 2 lại tiếp tục lỗ!

Vụ 3, lúa trổ đúng ngày bão số 6 đổ bộ, không phơi màu được. Rồi bão số 6 đi qua, thở phào nhẹ nhõm và cũng khá bất ngờ khi lúa của bà con đổ rạp nhưng lúa ruộng mình vẫn vững, không đổ một cây nào. Tức tốc cho phun chế phẩm K + Si.

Bão số 7 chuẩn bị vào, dân gặt chạy bão. Lần này thì Đức Nghĩa tự tin vì có các chế phẩm hỗ trợ nên quyết “thi gan” với ông trời. Bão số 7 qua thì bão số 8 đến luôn. Lần này thì cười tươi được rồi vì lúa của Đức Nghĩa cứng cáp, vững vàng trước 3 cơn bão liên tiếp, và vui nữa là được các bạn đến tham quan vì không tin lúa đứng vững qua 3 cơn bão.

sản xuất lúa sạch“Như vậy là sau những bài học nhớ đời chúng tôi đã đúc kết được khá nhiều kinh nghiệm về trồng, chăm sóc lúa. Hai anh em bắt đầu bàn bạc về đề án ấp ủ từ ngày đầu thử nghiệm chương trình ‘Từ nông trại đến bàn ăn’. Thật may mắn khi nói ý tưởng ra thì được khá nhiều bạn bè đồng hành.” – Anh Đạt phấn khởi chia sẻ - “Hy vọng từ nay về sau chương trình này sẽ được nhân rộng và phát triển hơn. Anh em chúng tôi tâm nguyện là chưa cần phải xuất khẩu cao siêu gì, chỉ cần làm sao góp phần làm cho bữa ăn hàng ngày của các gia đình Việt đảm bảo tôn chỉ ‘Xanh – Sạch – Sức khỏe’ mà HTX đã đề ra ngay từ ban đầu.”

Bắt đầu với muôn vàn khó khăn, HTX Đức Nghĩa vẫn kiên định với hướng đi của mình, quyết tâm làm nông nghiệp với tôn chỉ chữ ĐỨCNGHĨA phải được đặt lên hàng đầu đúng như tên gọi của hợp tác xã.

Hồng Hà