STNN - Với sự đa dạng về địa hình và khí hậu, Việt Nam có một hệ sinh thái tự nhiên rất phong phú và đa dạng. Từ đó, việc phát triển chuỗi giá trị từ cây dược liệu sẽ là một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam phát triển kinh tế một cách bền vững và duy trì sự đa dạng văn hóa độc đáo của dân tộc.
- Phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch
- Tích cực đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý
Dược liệu nói chung, cây thuốc nói riêng tồn tại cùng với hệ sinh thái rừng, nông nghiệp và nông thôn; đồng thời, lại có mối quan hệ chặt chẽ giữa đa dạng sinh học cây thuốc và đa dạng văn hóa.
Về tiềm năng của cây dược liệu ở Việt Nam
Tính đa dạng của hệ thực vật: Việt Nam hiện nay đang là 1 trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới, đứng ở vị trí số 16 trên thế giới về độ đa dạng nguồn gen, trong đó có nhiều loại cây có giá trị dược liệu. Theo số liệu thống kê, có khoảng 3.830 loài cây dược liệu dùng làm thuốc, chiếm khoảng 36% trong số 10.500 loài thực vật bậc cao có mạch. Với con số nổi bật ấy, số loài cây thuốc Việt Nam chiếm khoảng 11% so với 35.000 loài cây làm thuốc trên toàn thế giới. Một số giống cây dược liệu đem lại lợi ích cao có thể kể đến như: cây xạ đen, cây ngọc trời, cây hoàng cầm, cây cỏ lúa mạch, và nhiều loại gia vị và thảo dược khác [1].
Nền y học cổ truyền với lịch sử lâu đời: Y học truyền thống ra đời, tồn tại và phát triển gần như gắn liền với tiến trình lịch sử của dân tộc. Từ thời đại các Vua Hùng, tổ tiên ta đã sớm sử dụng thuốc có nguồn gốc từ thực vật, động vật và khoáng vật để làm thuốc. Đến thời Hậu Lê, nước Việt ta có danh y Hải Thượng Lãn Ông, là người đã vận dụng sáng tạo những tinh hoa y học cổ truyền vào điều kiện thời tiết liên quan đến đặc điểm phát bệnh ở nước ta. Những giá trị độc đáo ấy cho đến nay vẫn luôn là “kim chỉ nam” cho mọi hành động chẩn trị theo y lý của các thế hệ thầy thuốc y học dân tộc Việt Nam.
Chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học: Để bảo tồn và phát triển nền y học dân tộc lâu đời ấy, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành chỉ đạo và kết hợp với các bộ, ban, ngành để có những chính sách nhằm khuyên khích các nhà nghiên cứu và chuyên gia y học trong nước về vấn đề công tác nghiên cứu và xác định các thành phần hoá học và tác dụng của các loại cây dược liệu. Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa VII đã có nghị quyết về y học cổ truyền với nội dung: “Triển khai mạnh mẽ việc nghiên cứu, ứng dụng và hiện đại hóa y học cổ truyền dân tộc kết hợp với y học hiện đại, phát triển nuôi trồng cây con làm thuốc, trang bị thêm phương tiện cho việc khám chữa bệnh và sản xuất thuốc y học cổ truyền dân tộc. Khẩn trương đào tạo đội ngũ cán bộ và các bộ đầu đàn y học dân tộc. Tăng thêm đầu tư và nâng cấp các cơ sở y học dân học”. Điều này giúp thúc đẩy tinh thần nghiên cứu để tạo ra cơ sở khoa học cho việc sử dụng cây dược liệu trong y học hiện đại.
Tiềm năng xuất khẩu: Trên thế giới, có một xu hướng ngày càng lớn về việc sử dụng sản phẩm tự nhiên, thảo dược và cây thuốc cho mục đích chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Điều này tạo cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc xuất khẩu dược liệu. Nhiều thị trường quốc tế đang tìm kiếm dược liệu tự nhiên và thảo dược. Do vậy, Việt Nam có cơ hội tiếp cận các thị trường này, đặc biệt là trong khu vực châu Á. Theo Viện Dược liệu Bộ Y tế, việc nuôi trồng dược liệu có thể đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây lương thực khác. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã tham gia điều chế và xuất khẩu nhiều loại dược liệu, như: quế, hồi, thảo quả, nghệ... Một số sản phẩm dược liệu cũng đã được “xuất ngoại” tới các quốc gia ưa chuộng dược liệu, như: Lào, Indonesia, Phillippines và đã “chạm chân” vào thị trường Nhật Bản.
Định hướng phát triển bền vững: Với lợi thế có sẵn về điều kiện tự nhiên và tiền đề về lịch sử lâu đời, Việt Nam có đầy đủ cơ sở để có thể phát triển ngành công nghiệp cây dược liệu một cách bền vững bằng cách quản lý tài nguyên tự nhiên, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển các giống cây, truy xuất nguồn gốc và tiến hành thu hái, chế biến cây dược liệu với một quy trình sản xuất chuyên nghiệp, nghiêm ngặt, có cơ sở khoa học, đảm bảo chất lượng đầu ra của mỗi sản phẩm.
Thúc đẩy du lịch: Việt Nam có thể sử dụng cây dược liệu và nền y học truyền thống làm điểm nhấn trong ngành du lịch, thu hút khách du lịch quốc tế tới nghiên cứu và trải nghiệm các liệu pháp truyền thống. Cuối tháng 7/2023, Bộ Y tế cũng phê duyệt Đề án Phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền (YDCT) phục vụ khách du lịch đến năm 2030. Trong đó, 5 dòng cung ứng dịch vụ, sản phẩm YDCT phục vụ khách du lịch sẽ được triển khai, gồm:
- Du lịch chăm sóc sức khỏe bằng YDCT – xây dựng dòng cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh bằng YDCT phục vụ khách du lịch (chuỗi các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phục hồi chức năng, xông hơi, xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu… bằng YDCT); Du lịch thẩm mỹ bằng YDCT – xây dựng dòng cung ứng dịch vụ thẩm mỹ bằng YDCT phục vụ khách du lịch (chuỗi các bệnh viện, cơ sở thẩm mỹ, spa…)
- Du lịch dược liệu và thuốc cổ truyền – xây dựng dòng cung ứng dịch vụ tham quan và mua sắm dược liệu, thuốc cổ truyền phục vụ khách du lịch (chuỗi các cơ sở sản xuất thuốc, các vùng nuôi trồng dược liệu, các vườn bảo tồn quốc gia về đa dạng sinh học, trung tâm bảo tồn cây thuốc…).
- Du lịch khám phá YDCT và văn hóa bản địa – xây dựng dòng cung ứng dịch vụ tham quan, tìm hiểu, khám phá, mua sắm, trải nghiệm và sử dụng các dịch vụ YDCT đặc sắc tại các vùng miền, địa phương, thưởng thức các món ăn đậm chất YDCT theo vùng miền, khí hậu và tình trạng sức khỏe… (chuỗi các cơ sở cung cấp các sản phẩm, dịch vụ YDCT mang đậm tính bản địa, các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng…).
- Du lịch học thuật YDCT – tổ chức các lớp tập huấn, các khóa học ngắn hạn về một số kỹ năng phòng, trị bệnh đơn giản bằng phương pháp YDCT để du khách có thể tự áp dụng trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe hoặc tham gia trải nghiệm thực tiễn thông qua các hình thức như: Một ngày làm thầy thuốc YDCT, đầu bếp chế biến các món ăn từ dược liệu, thuốc cổ truyền… [2].
Về chuỗi giá trị từ cây dược liệu
Chuỗi giá trị từ cây dược liệu có thể thay đổi tùy thuộc vào từng loại cây, loại sản phẩm và thị trường tiêu dùng. Quá trình này có thể bao gồm nhiều bước và giai đoạn khác nhau và đòi hỏi sự chú ý đặc biệt đến chất lượng và mức độ an toàn sản phẩm. Chuỗi giá trị từ cây dược liệu bao gồm một loạt các hoạt động từ việc trồng, thu hoạch, chế biến, sản xuất, phân phối và tiêu dùng cây dược liệu.
Chọn lọc giống và trồng: Đây là giai đoạn ban đầu của chuỗi giá trị. Người nông dân hoặc các chuyên gia sẽ tiến hành chọn lọc giống tốt nhất, trồng và chăm sóc cây dược liệu một cách khoa học. Đến thời điểm thích hợp sẽ thu hoạch lá, rễ, hoa hoặc các bộ phận của cây có giá trị để tạo ra sản phẩm dược liệu.
Chế biến: Sau khi thu hoạch vào thời điểm thích hợp, cây dược liệu cần trải qua nhiều bước xử lý để loại bỏ bụi bẩn, hoạt chất không cần thiết và để tránh sự nhiễm nấm hoặc mốc, tách lọc các thành phần chất quý có thể sử dụng để sản xuất dược liệu. Các bước xử lý này có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau và dùng các công nghệ hỗ trợ nông nghiệp như sấy khô, cắt nhỏ, nấu, chưng hoặc chiết xuất.
Sản xuất: Sau khi được sàng lọc kỹ, các thành phần cây dược liệu đó có thể được sử dụng để sản xuất các sản phẩm dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… dưới nhiều dạng như viên nén, bột, dầu chiết xuất, kem...
Kiểm tra và đánh giá chất lượng: Trong suốt quá trình sản xuất, ở mỗi khâu, mỗi bước, sản phẩm cây dược liệu cần được kiểm tra chất lượng để đảm bảo rằng nó đáp ứng đúng và đầy đủ các tiêu chuẩn y tế và an toàn.
Phân phối: Sau khi sản phẩm hoàn thành, nó cần được phân phối đến các cơ sở y tế, nhà thuốc hoặc các công ty, doanh nghiệp phụ trách phân phối thông qua các kênh phân phối và cuối cùng là đưa đến người tiêu dùng. Việc này bao gồm vận chuyển, lưu kho và quản lý chuỗi cung ứng.
Tiêu dùng và sử dụng: Sản phẩm từ cây dược liệu được đưa tới đối tượng tiêu dùng, sản phẩm đó sẽ được sử dụng bởi bệnh nhân hoặc người tiêu dùng thông thường với mục tiêu chữa bệnh hoặc cải thiện sức khỏe.
Nghiên cứu và phát triển: Nghiên cứu về cây dược liệu và cách sử dụng chúng trong y học cũng là một phần quan trọng của chuỗi giá trị, giúp cải thiện hiệu quả điều trị và phát triển các sản phẩm mới. Một sản phẩm khi đưa ra thị trường vẫn có thể có những điểm hạn chế nhất định, trong mỗi sản phẩm, nhà sản xuất luôn khuyến cáo với người tiêu dùng rằng đối tượng nào nên sử dụng và đối tượng nào không. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu vẫn luôn không ngừng nghiên cứu để tạo ra những lợi ích tốt hơn cho người tiêu dùng nói chung và ngành khoa học nghiên cứu cây dược liệu nói riêng.
Về vai trò của phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị đối với sinh kế của người dân
Giúp tăng thu nhập và đa dạng hóa nguồn kinh kế
Cây dược liệu vốn thuộc loại cây mang giá trị kinh tế ở mức cao so với mặt bằng chung các loại thực vật khác. Tại huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), là địa phương vốn có sẵn các loại cây dược liệu như: bon bo, sa nhân, ba kích, đinh lăng, hà thủ ô, thổ phục linh,... mọc dưới tán rừng tự nhiên; khí hậu nơi đây cũng mát mẻ, nhiệt độ, lượng mưa, độ cao so với mực nước biển cũng đều ở mức tốt. Đây là những điều kiện hết sức lý tưởng để trồng và phát triển cây dược liệu. Vì vậy, chính quyền địa phương chọn trồng dược liệu là hướng đi hiệu quả để giúp người dân nơi đây có thể thoát nghèo. Trong đó, phải kể đến sự phối hợp với doanh nghiệp tư nhân sản xuất thuốc Y học cổ truyền Bà Giằng Thanh Hóa để phát triển và đưa cây dược liệu trở thành cây trồng chủ lực của nơi đây. Quá trình triển khai mô hình đã thu được kết quả tốt nhờ việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào canh tác, sản xuất, chế biến dược liệu phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu, từ đó đời sống của người dân đã được cải thiện rất nhiều nhờ có thêm nguồn thu nhập ở mức khá từ việc trồng cây dược liệu.
Phát triển cây dược liệu giúp đa dạng hóa nguồn sinh kế. Hiện nay, tại nhiều địa phương, thay vì thu lợi nhuận từ việc trồng lúa, trồng cây cảnh hay cây lương thực, người dân một số vùng đã chuyển sang trồng cây dược liệu. Phải kể đến các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng,... là những địa phương phát triển cây dược liệu có thể giúp đa dạng hóa nguồn sinh kế của người dân.
Cải thiện điều kiện sống, tạo cơ hội việc làm và giảm tỉ lệ thất nghiệp
Việc có thêm nguồn thu nhập từ cây dược liệu có thể cải thiện điều kiện sống của người dân bằng cách cung cấp tiền để mua thực phẩm, trang phục, chỗ ở và dịch vụ cơ bản khác. Bên cạnh đó, phát triển cây dược liệu thường tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp và tạo ra nguồn việc làm trong cộng đồng.
Trên thực tế, phần lớn cây dược liệu được trồng tại các vườn của các hộ gia đình hoặc trên đồng ruộng và bán trực tiếp cho người tiêu dùng, đó là các cá nhân, tổ chức có nhu cầu mua làm nguyên liệu chế biến thuốc nên phải lựa chọn khá kỹ. Kênh tiêu thụ thứ hai, là người sản xuất bán nguyên liệu cho các doanh nghiệp để chế biến. Cả hai kênh bán hàng này đều đem lại nguồn thu nhập ở mức cao cho người nông dân, cao hơn nhiều so với các giống cây trồng nông nghiệp bình thường.
Ở Sapa (Lào Cai), việc trồng cây dược liệu đã trở nên khá phổ biến. Vốn là nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm, vì vậy, từ nhiều thế hệ xưa cho tới nay, người dân Sapa đã có thói quen trồng cây dược liệu để làm thuốc; phổ biến nhất là cây atisô và cây bạch nhật, cùng nhiều cây dược liệu khác được bà con dân tộc tìm từ các đồi, rừng, chọn lọc và nhân giống trồng tại gia đình. Các công ty liên kết, hỗ trợ người dân và các hộ gia đình về giống, phân bón, được hướng dẫn các kỹ thuật trong canh tác sao cho đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn mới về dược liệu sạch và an toàn [3]. Từ sự liên kết này đã góp phần tạo cơ hội việc làm và giảm tỉ lệ thất nghiệp cho bà con.
Thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương
Phát triển cây dược liệu có thể thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương bằng cách tạo ra giá trị gia tăng trong việc chế biến và tiêu thụ các sản phẩm dược phẩm. Điều này có thể giúp phát triển các ngành công nghiệp liên quan và thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Phát triển chuỗi giá trị cây dược liệu có thể thúc đẩy phát triển kinh tế ở cấp địa phương bằng cách tạo ra cơ hội làm việc cho người dân trong vùng và thúc đẩy các hoạt động liên quan như chế biến, công nghiệp y tế, và du lịch y học.
Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã có thể từng bước đưa cây dược liệu vào cơ cấu cây trồng chủ lực của địa phương, thay thế cây lúa, ngô cho năng suất kém, nhằm xóa đói nghèo bền vững. Theo thống kê, tổng diện tích cây dược liệu của Lào Cai hiện vào khoảng trên 3.900ha. Thu nhập bình quân từ việc trồng cây dược liệu đạt từ 120-150 triệu đồng/ha. Trên khắp địa bàn tỉnh Lào Cai đã có 138ha với 11 loại cây dược liệu được đánh giá và công nhận bởi Bộ Y tế, đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP-WHO “thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc”.
Ngoài ra, các tỉnh như Hà Giang, Lâm Đồng, cũng là những địa phương đi lên từ những mô hình nhỏ lẻ nhưng nhờ biết cách tận dụng những lợi thế về điều kiện tự nhiên, kết hợp với các phương pháp khoa học công nghệ cao vào việc nuôi trồng cây thuốc, hiện nay đã trở thành các tỉnh, địa phương đi đầu cả nước trong việc trồng cây dược liệu [1]. Hay tại Bắc Kạn, dự án phán triển cây khôi nhung tía, một loại cây dược liệu quý, theo tính toán, với mật độ từ 6.000 - 10.000 cây/ha khôi nhung, sau 1 - 2 năm có thể thu hoạch từ 3 - 5 tạ lá khô mỗi năm, đem về lợi nhuận khoảng từ 50 - 80 triệu đồng.[4]
Trồng cây dược liệu góp phần bảo vệ môi trường
Thông thường, trong công tác trồng cây dược liệu, người ta thường trồng theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng chất bảo quản, thuốc BVTV và các hóa chất khác; điều này giúp giảm tác động tiêu cực lên đất đai và nước ngầm, rất có lợi cho môi trường tự nhiên và cho sức kháng cự của cây trước các loại bệnh và sâu bệnh. Trồng cây dược liệu bằng phương pháp thân thiện này có thể giúp giữ vững đất đai và giảm tác động tiêu cực lên môi trường tự nhiên
Một số cây dược liệu là cây hoang dã hoặc cây trồng có khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên, chúng có thể làm cơ sở cho việc bảo vệ và khôi phục đa dạng sinh học trong khu vực trồng. Trong trường hợp này, việc trồng cây dược liệu có thể bảo vệ các loài thực vật và động vật địa phương.
Cây dược liệu giúp bảo vệ đất đai khỏi sự xói mòn và các tác động tiêu cực của hóa chất; tối ưu hóa sử dụng nguồn nước, cải thiện và làm tăng sức kháng cự của môi trường đối với biến đổi khí hậu và thảm họa tự nhiên. Các khu vườn cây dược liệu có thể là nơi thúc đẩy sự đa dạng sinh học và bảo tồn các loài thực vật quý hiếm. Các loài cây dược liệu rễ mạnh có khả năng cố định đất và giảm nguy cơ xói mòn.
Ở Bắc Kạn, từ năm 2020 - 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam triển khai thực hiện mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng để làm giảm xói mòn, bồi lấp hồ Ba Bể, góp phần bảo tồn nguồn gen quý và nâng cao hiệu quả kinh tế ở khu vực xã Đồng Phúc. Mô hình đã thực hiện trồng được 660 cây trám đen ghép, 660 cây dẻ ván ghép và hơn 4.800 cây trà hoa vàng. [4]
Bảo tồn văn hóa và kiến thức truyền thống
Phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị còn giúp bảo tồn và truyền bá kiến thức y học truyền thống và văn hóa liên quan đến sử dụng cây dược liệu. Điều này đóng góp vào bảo tồn di sản văn hóa và kiến thức truyền thống của cộng đồng.
Các bài thuốc cổ truyền của Việt Nam là kết quả của sự kết hợp giữa tri thức y học phương Đông (Đông y) và kinh nghiệm chữa bệnh của các cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Kinh nghiệm sử dụng các cây dược liệu cùng với nguồn thảo dược phong phú, dồi dào của một đất nước nằm trong vùng nhiệt đới đã tạo nên một nền y học truyền thống. Chính vì vậy, phát triển cây dược liệu có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống ở Việt Nam từ nhiều khía cạnh:
Bảo tồn kiến thức truyền thống: Trong nhiều thế hệ, người Việt đã tích luỹ một kiến thức sâu sắc về cây dược liệu và cách sử dụng chúng trong y học truyền thống. Phát triển và sử dụng cây dược liệu giúp duy trì và bảo tồn kiến thức này, tránh mất mát thông tin quý báu về cây cỏ và thảo dược.
Bảo tồn và thực hành các phương pháp truyền thống: Việc trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cây dược liệu theo cách truyền thống thường đòi hỏi kỹ thuật và phương pháp đặc biệt. Thông qua việc phát triển cây dược liệu, những phương pháp này sẽ được bảo tồn và truyền đạt từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Bảo tồn ngôn ngữ, tên gọi truyền thống và gìn giữ bản sắc văn hóa: Các cây dược liệu thường có những tên gọi cổ hoặc tên gọi theo tiếng địa phương. Việc sử dụng, bảo tồn và truyền tải các tên gọi, các kiến thức về cách sử dụng cây dược liệu giúp duy trì và bảo tồn ngôn ngữ. Y học cổ truyền cũng thường kết hợp với các yếu tố văn hóa và tôn giáo. Các cây dược liệu có thể được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống và tín ngưỡng. Điều này giúp duy trì các phong tục, tập quán và bảo tồn ngôn ngữ; làm cho chúng trở thành một phần của di sản văn hóa và đóng góp vào nghiên cứu về văn hóa và truyền thống của Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Linh Chi, “Phát triển cây dược liệu: Bảo tồn nguồn gen, xóa đói giảm nghèo”, Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường
[2]. Ngọc Kha, “Phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch”, TCĐT Sinh thái nông nghiệp.
[3]. Thành Long, “Trồng cây dược liệu - hướng đi mới giúp nâng cao hiệu quả kinh tế", Báo Sức khỏe và Đời sống.
[4]. Nguyễn Thanh, “Mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng giúp bảo tồn cây thuốc quý, hiệu quả kinh tế cao”, Báo Sức khỏe và Đời sống.
Hoàng Giáp - Vân Quỳnh