Kiên Giang có vùng biển rộng hơn 63.200 km2, 143 hòn đảo lớn nhỏ và hơn 200 km chiều dài bờ biển, là lợi thế trong lĩnh vực phát triển kinh tế biển. Thời gian qua, tỉnh không ngừng nỗ lực thực hiện các giải pháp để khai thác và nuôi trồng thủy sản, hướng đến phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả.
Năm 2021, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của Kiên Giang đạt hơn 854.000 tấn. Trong đó, sản lượng khai thác hơn 568.800 tấn, sản lượng nuôi trồng hơn 285.000 tấn. Chỉ tính lĩnh vực xuất khẩu thủy sản đã mang về cho Kiên Giang hơn 251 triệu USD.
Nỗ lực quản lý khai thác
Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 9.884 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên, trong đó tàu có chiều dài từ 15 m trở lên là 3.978 chiếc. Sản lượng khai thác hải sản hằng năm đạt gần 600.000 tấn, chiếm khoảng 16% tổng sản lượng khai thác hải sản của cả nước và trên 40% sản lượng khai thác của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, việc phát triển đội tàu khai thác thủy sản quá nhiều, nhất là tàu có công suất nhỏ, khai thác ven bờ là một trong những nguyên nhân làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, đồng thời là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều tàu cá của ngư dân phải vươn xa ra các vùng biển giáp ranh, vùng chồng lấn, đánh bắt, khai thác.
Nhằm khắc phục những bất cập trong phát triển kinh tế biển, nhất là liên quan đến lĩnh vực thủy, hải sản, Kiên Giang đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để duy trì và phát triển thế mạnh vốn có. Trong lĩnh vực khai thác, tỉnh đã có những giải pháp cứng rắn để hạn chế và đi đến chấm dứt những cách đánh bắt mang tính hủy diệt nguồn lợi, đồng thời tính toán đến kế hoạch chuyển đổi nghề cho ngư dân có hoạt động đánh bắt không phù hợp, đánh bắt ven bờ.
Theo đó, Kiên Giang từng bước giảm dần số lượng tàu và sản lượng khai thác, chú trọng chất lượng, đồng thời chuyển sang nuôi biển, tăng quy mô và năng suất nuôi biển, tăng sản lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Kiên Giang tích cực triển khai công tác phòng, chống vi phạm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo vào không theo quy định (IUU).
Tỉnh đã triển khai lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát hành trình cho gần 100% tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên, góp phần phục vụ công tác theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển một cách hiệu quả. Ngoài ra, tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá cho ngư dân.
Trong năm 2021, các đơn vị chức năng của Kiên Giang đã tiến hành xử lý 12 trường hợp vi phạm IUU, có 7 trường hợp bị xử phạt với số tiền 5,6 tỷ đồng. Ngoài ra, các lực lượng chức năng đã giám sát chặt chẽ đối với nhóm tàu cá có dấu hiệu, nguy cơ vi phạm IUU, xử lý nghiêm các hành vi tắt thiết bị, tháo thiết bị, thường xuyên mất kết nối với hệ thống, vượt ranh giới biển…
Để thực hiện tốt các quy định IUU, Kiên Giang chỉ đạo các địa phương có biển thực hiện nghiêm và xử lý các trường hợp vi phạm. Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương Lê Thanh Hưởng cho biết, địa phương vừa kiện toàn Ban chỉ đạo về IUU.
Theo đó, Ban chỉ đạo huyện về IUU sẽ giúp Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan theo thông lệ quốc tế, các công ước, hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, phù hợp với quy định của các tổ chức nghề cá trong khu vực và quốc tế về IUU.
“Ban chỉ đạo huyện về IUU sẽ kiến nghị, đề xuất hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân liên quan không thực hiện nghiêm các quy định về IUU”-Chủ tịch UBND huyện Lê Thanh Hưởng nói.
Tương tự, huyện đảo Kiên Hải cũng có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý khai thác thủy sản. Bí thư Huyện ủy Kiên Hải Trần Quốc Việt cho biết, địa phương xác định phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế của huyện, trong đó phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản bền vững là vấn đề sống còn.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết: Thời gian tới, đối với lĩnh vực khai thác thủy sản, ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác phòng, chống khai thác IUU; triển khai, thực hiện có hiệu quả Dự án “Điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển”, từ đó có đề xuất sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác các vùng biển một cách hiệu quả.
Nuôi trồng theo hướng bền vững
An Biên và An Minh là hai huyện ven biển của tỉnh Kiên Giang, có nghề nuôi sò huyết từ cách đây hơn 30 năm, hiện đang phát triển mạnh. Con sò huyết được nuôi tập trung ở các bãi bồi ven biển và dưới tán rừng phòng hộ, nổi tiếng ngon, ngọt, béo, chắc thịt. Gần đây, sò huyết còn được nuôi xen canh với tôm, cua biển trong ao vuông, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay, nghề nuôi sò huyết không chỉ mang lại cuộc sống ổn định cho các hộ dân mà còn hình thành được nhãn hiệu tập thể “Sò huyết An Biên-An Minh”. Năm 2021, huyện An Biên có diện tích thả nuôi sò huyết khoảng 5.100 ha, sản lượng 16.000 tấn; huyện An Minh có trên 1.400 ha nuôi sò huyết, sản lượng đạt 1.567 tấn.
Nông dân Nguyễn Hoàng Lương, ấp Xẻo Lá A, xã Tân Thạnh (An Minh) nuôi hơn 3 ha sò huyết dưới tán rừng phòng hộ chia sẻ: “Một héc-ta thả nuôi sẽ cho sản lượng từ 2-2,5 tấn sò huyết. Thương lái đến mua với giá từ 100.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận tôi thu về là trên 300 triệu đồng/năm”.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên Trang Minh Tú cho biết, hiện An Biên đang rà soát lại để có định hướng quy hoạch và phát triển nuôi sò huyết kết hợp du lịch sinh thái ở các xã ven biển...
Đối với các đảo ở Kiên Giang, nghề nuôi lồng bè nhiều năm qua cũng đã trở thành thương hiệu. Điển hình như xã đảo xa nhất của Kiên Giang là Thổ Châu cũng phát triển mạnh nghề này.
Ông Trịnh Minh Khanh (52 tuổi, ngụ ấp Bãi Ngự, xã Thổ Châu) được xem là “vua cá bớp lồng bè” nói: “Đầu năm, giá cá bớp đã tăng lên khoảng 140.000 đồng/kg. Với giá này, 8 lồng cá của tôi giá trị khoảng 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí cũng lời khoảng 400-500 triệu đồng vụ này”.
Theo ông Khanh, hơn hai năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ cá bớp gặp khó khăn. “Tuy nhiên, nhờ nguồn cá tạp rẻ lại nhiều nên người nuôi cá nơi đây dù không có lãi, nhưng cũng không lỗ. Giờ dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhu cầu thị trường tăng nên việc tiêu thụ cá sẽ thuận lợi hơn. Người nuôi cá nếu chịu khó, cùng với giá cả hợp lý sẽ có thu nhập khá”-ông Khanh cho biết thêm.
Theo Chi cục Thủy sản Kiên Giang, năm 2021, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh khoảng 282.000 ha, sản lượng hơn 285.000 tấn. Kiên Giang đã quy hoạch vùng nuôi biển bao gồm thành phố Phú Quốc, huyện đảo Kiên Hải và các xã đảo Sơn Hải, Hòn Nghệ (Kiên Lương), Tiên Hải (thành phố Hà Tiên), với các đối tượng như: cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng, cá hồng mỹ, cá chẽm, tôm hùm xanh, tôm tít, ngọc trai…
Riêng vùng ven biển gần bờ như thành phố Hà Tiên, các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên và An Minh phát triển nuôi các đối tượng nhuyễn thể, như: sò huyết, sò lông, vẹm xanh, nghêu lụa, hến biển, hàu, trồng rong, tảo biển…
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho hay, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Kiên Giang phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, hiện đại, bảo đảm môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biển, hải đảo phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Qua đó, góp phần tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, tỉnh đang tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, nhằm triển khai thực hiện nội dung của Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Nhân dân