Không để dịch bệnh gia cầm bùng phát

Chủng cúm A/H5N8 đang bùng phát trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng gia cầm gia tăng và việc giết mổ gia cầm sống tại các chợ dân sinh ở khu vực nội thành cũng như ngoại thành Thủ đô vẫn diễn biến phức tạp. Vậy, đâu là giải pháp để quản lý, kiểm soát, không để dịch bệnh gia cầm bùng phát và tiến tới chấm dứt việc kinh doanh, giết mổ gia cầm sống tại các chợ dân sinh trên địa bàn?

Giết mổ và bán gia cầm tại chợ Chuông, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai). Ảnh: Phương Nga

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, tình trạng các tiểu thương vừa bán gia cầm sống, vừa giết mổ theo yêu cầu của khách hàng vẫn diễn ra tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn thành phố.

Bà Phạm Thị Nga, tiểu thương kinh doanh tại chợ Chuông xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho biết, trung bình mỗi ngày cửa hàng bán 20-30 con gia cầm (gà, vịt, ngan), vào những ngày lễ tết, số lượng có thể tăng gấp 2 lần và vẫn giết mổ ngay tại chợ để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Còn theo bà Nguyễn Thị Minh bán gia cầm tại chợ cóc khu vực phường Văn Quán (quận Hà Đông), mỗi ngày bà chỉ bán 5-10 con gà, mặc dù biết là không được giết mổ gia cầm ở chợ, nhưng nếu không làm như vậy khách hàng sẽ bỏ đi nơi khác mua.

Trưởng phòng Kiểm dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Văn Quang thông tin: “Thành phố có 414 cơ sở giết mổ gia cầm thủ công, nhỏ lẻ (chiếm 61,98% số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ). Thực tế cho thấy, tình trạng giết mổ gia cầm vẫn diễn ra tại các chợ dân sinh, chợ tạm, chợ cóc trong các khu tập trung dân cư ở cả nội thành và ngoại thành. Tiểu thương giết mổ gia cầm ngay trên nền chợ, sau đó, lông gà, vịt… được thu gom vào túi, vứt ngay ở bãi rác. Việc này không chỉ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn tạo điều kiện cho mầm bệnh cúm gia cầm phát sinh”.

Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhận định, nhiều người tiêu dùng vẫn giữ thói quen sử dụng gia cầm giết mổ sống, sử dụng thịt tươi, chưa qua sơ chế (được cấp mát, cấp đông). Ngoài ra, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đang nảy sinh tâm lý tự cung – tự cấp, tự giết mổ gia cầm trong khu dân cư. “Nhiều người kinh doanh, buôn bán, giết mổ gia cầm vì lợi nhuận đã bất chấp những hệ lụy đến sức khỏe cộng đồng. Việc buôn bán, giết mổ gia cầm tại các chợ dân sinh vẫn diễn ra hết sức đáng lo ngại còn do ban quản lý chợ chưa sâu sát”, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm.

Tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm

Hiện nay, chủng cúm gia cầm A/H5N8 đang bùng phát và gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi ở nhiều địa phương. Do vậy, nếu tiếp tục buông lỏng quản lý, kiểm soát tình trạng giết mổ gia cầm sống tại các chợ dân sinh, chợ cóc, chợ tạm sẽ gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan, chủ cơ sở giết mổ gia cầm tập trung tại huyện Gia Lâm đề xuất, theo Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 9-10-2013 của Chính phủ, hành vi giết mổ động vật tại các địa điểm không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; giết mổ sơ chế, chế biến không bảo đảm vệ sinh… bị phạt 2-4 triệu đồng. Do đó, các cơ quan chức năng từ thành phố đến cơ sở cần phối hợp với ban quản lý các chợ thường xuyên kiểm tra và xử lý theo đúng quy định.

Còn theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Oai Hoàng Văn Tuấn, hiện nay khi phát hiện hành vi giết mổ gia cầm tự phát, cán bộ thú y mới dừng lại ở nhắc nhở. Thời gian tới, Trạm sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, quản lý thị trường và chính quyền địa phương để kiểm tra, xử lý các trường hợp giết mổ gia cầm sống tại chợ trái quy định; đồng thời tuyên truyền nhắc nhở để người dân nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch bệnh.

Phòng, chống dịch bệnh và kiểm soát gia cầm sống tại các chợ dân sinh là nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm nguồn thực phẩm sạch cho thị trường Hà Nội. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tình hình buôn bán, giết mổ động vật nói chung và gia cầm nói riêng được dự báo sẽ rất phức tạp. Do đó, Sở sẽ tăng cường phối hợp với các hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng thay đổi thói quen, chuyển sang lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có bao gói, tem nhãn… Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, quản lý thị trường, chỉ đạo các trạm đầu mối giao thông và chốt kiểm dịch liên ngành (Chốt kiểm dịch tại chợ gia cầm Hà Vỹ, Chốt kiểm dịch Bắc Thăng Long…) thực hiện việc kiểm dịch đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quá trình vận chuyển, buôn bán gia cầm ra – vào thành phố.

Để sớm chấm dứt việc kinh doanh, giết mổ gia cầm sống tại các chợ, cùng với việc tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp để đưa gia cầm vào giết mổ tập trung, Sở NN&PTNT Hà Nội đã yêu cầu Trạm Chăn nuôi và Thú y các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Theo Báo Hà Nội mới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây