Long An ứng dụng công nghệ cao tạo sức bật cho nông nghiệp

Chương trình Phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, là chương trình đột phá của tỉnh Long An trong 5 năm qua, nhằm xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC phát triển toàn diện, theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao…
Theo đó, Chương trình Phát triển Nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Long An được thực hiện trên 3 cây và 1 con. Cụ thể đó là cây lúa, tập trung chủ yếu tại vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh; cây thanh long ở huyện Châu Thành; cây rau ở huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, TP Tân An và con bò thịt ở hai huyện Đức Hòa, Đức Huệ. Đến nay, tỉnh Long An đã hình thành được trên 22 nghìn ha diện tích lúa ƯDCNC trong sản xuất. Quan trọng hơn, thông qua chương trình này, nông dân đã ứng dụng khoa học – kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, giúp năng suất cao, tăng thêm lợi nhuận.

Trồng thanh long theo ứng dụng công nghệ cao ở Long An. (Ảnh: T.Long)

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, qua triển khai, Chương trình đã giúp nông dân dần thay đổi tập quán canh tác cũ sang hướng ứng dụng khoa học – kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào sản xuất để giảm chi phí đầu tư và tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác. Đặc biệt, người dân đã nhận thức ngày càng rõ ràng hơn vai trò liên kết sản xuất nên công tác vận động thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã có nhiều thuận lợi hơn.
Theo thống kê, đến nay đã có hàng chục hợp tác xã và trên 100 tổ hợp tác được thành lập tại các vùng triển khai chương trình. Hầu hết các tổ chức đều làm tốt vai trò liên kết sản xuất, tạo được niềm tin đối với các thành viên. Điển hình phải kể đến Hợp tác xã Gò Gòn tại ấp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng. Triển khai thực hiện cánh đồng lớn từ năm 2013, Hợp tác xã đã xây dựng thành công chuỗi giá trị sản xuất với mô hình liên kết “4 nhà”: nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nước rất hiệu quả. Hợp tác xã đã quản lý được vùng nguyên liệu gạo lớn, đủ cung cấp cho các công ty xuất khẩu. Từ năm 2018, Hợp tác xã còn ghi dấu ấn trên thị trường bằng sản phẩm gạo gốc tím Gò Gòn sản xuất từ lúa giống ST24 gốc tím theo hướng hữu cơ.
Được thành lập từ năm 2006, Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa (huyện Cần Đước) hiện có hàng chục thành viên, sản xuất trên tổng diện tích hơn 15 ha. Bình quân mỗi ngày, Hợp tác xã cung ứng cho thị trường từ 2,5-3 tấn rau an toàn, rau hữu cơ các loại.
Nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất theo hướng hiện đại, các thành viên Hợp tác xã được tập huấn nâng cao trình độ, kỹ thuật, nắm vững quy trình sản xuất an toàn, các quy tắc trong sử dụng trang thiết bị, máy móc mới như máy phun sương, vận hành lưới điện… Để đón đầu cơ hội, bắt kịp xu hướng thị trường, kể từ năm 2015 đến nay, Hợp tác xã còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng.
Nhờ sản xuất an toàn, chất lượng sản phẩm nâng cao, sản phẩm của Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa đang bao quát thị trường rất lớn, chủ yếu là các siêu thị, công ty thực phẩm uy tín. Để bảo đảm nhu cầu sản xuất, Hợp tác xã đã đầu tư mua xe phục vụ vận chuyển sản phẩm đến các công ty, siêu thị và cửa hàng đối tác, bảo đảm chất lượng rau tốt nhất, kịp thời nhất.

Mô hình trồng rau thủy canh được áp dụng tại Long An. (Ảnh: B.Châu)

Xác định yếu tố con người là một trong những thành phần không thể thiếu, bên cạnh việc ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh Long An sẽ tập trung đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ công tác trong ngành nông nghiệp. Đồng thời, tiến hành đổi mới các hoạt động xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức như đẩy mạnh chương trình OCOP, phát triển du lịch gắn với nông nghiệp ƯDCNC… nhằm nâng cao giá trị cho các mặt hàng, tạo vị thế cho các sản phẩm trong việc tiếp cận thị trường.
Phát huy kết quả đã đạt được, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Long An tiếp tục chọn Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một trong những chương trình đột phá. Trong đó, mở rộng diện tích và đối tượng thực hiện lên 71.300 ha; cụ thể, cây lúa 60.200 ha, thanh long 6.000 ha, cây chanh 3.000 ha, duy trì 2.000 ha rau ứng dụng công nghệ cao, con tôm 100ha ứng dụng công nghệ cao và con bò thịt./..

(Nguồn: dangcongsan.vn)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây