STNN - Với việc ứng dụng công nghệ cao vì một nền nông nghiệp xanh, các nhà khoa học đã thành công trong việc tổng hợp carbon dioxide (CO2) thành tinh bột. “Lương thực từ không khí” đã trở thành hiện thực!
Nông nghiệp sinh học bao gồm nhân giống sinh học, thuốc trừ sâu sinh học, phân bón sinh học, thức ăn sinh học và các lĩnh vực khác. Sự phát triển nhanh chóng của nông nghiệp sinh học có lợi cho việc thúc đẩy điều chỉnh và nâng cao việc tối ưu hóa cơ cấu nông nghiệp, đảm bảo an toàn lương thực quốc gia và phát triển nông nghiệp bền vững.
Nhân giống sinh học
Nhân giống sinh học là một cuộc cách mạng công nghệ trong nông nghiệp. Hiện nay, nhân giống sinh học được coi là một trong những chiến lược phát triển khoa học công nghệ ở nhiều nước. Các dự án nhân giống sinh học được triển khai và đạt được những tiến bộ đáng kể, từ cải thiện gen vật nuôi đến tạo ra các giống cây mới, như: đậu nành sản lượng cao, nhiều dầu; hạt cải dầu có thời gian sinh trưởng ngắn; cây trồng kháng muối và kiềm… Công nghệ sinh học phân tử, biến đổi gen, phân tích tình trạng sinh trưởng và nền tảng công nghệ lai chéo bốn thế hệ mỗi năm, v.v. được đẩy nhanh. Mục tiêu đổi mới công nghệ nhân giống sinh học thúc đẩy việc chuyển từ nhân giống truyền thống sang nhân giống sinh học phân tử.
Thuốc trừ sâu sinh học
Thuốc trừ sâu sinh học được sản xuất từ các thành phần tự nhiên và các tác nhân sinh học. Điều đặc biệt về loại thuốc này là chúng không sử dụng các chất hóa học tổng hợp như các loại thuốc trừ sâu thông thường, mà thay vào đó sử dụng các tác nhân từ vi khuẩn, vi rút, nấm và các loại sinh vật khác.
Thuốc trừ sâu sinh học có nhiều ưu điểm so với thuốc trừ sâu hóa học truyền thống bởi độ an toàn với môi trường và người sử dụngp; đồng thời, có tác động ít hoặc không tác động đến các loài có lợi, như ong hoặc côn trùng hữu ích khác, giúp duy trì sự cân bằng sinh thái trong nông nghiệp.
Một ưu điểm khác của thuốc trừ sâu sinh học là khả năng giảm nguy cơ kháng thuốc. Do cơ chế hoạt động khác biệt, các loại sinh vật gây hại ít có khả năng phát triển kháng thuốc đối với thuốc trừ sâu sinh học. Điều này giúp duy trì hiệu quả của thuốc trừ sâu trong thời gian dài hơn.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng thuốc trừ sâu sinh học không phải lúc nào cũng là giải pháp hoàn hảo cho việc kiểm soát sâu bệnh trong nông nghiệp. Hiệu quả của chúng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như thời tiết, môi trường và loại sâu bệnh cần kiểm soát. Do đó, việc sử dụng thuốc trừ sâu sinh học cần được kết hợp với các biện pháp quản lý sâu bệnh khác như quản lý cảnh quan, sử dụng giống cây bền vững và thực hiện quy trình kiểm soát tích hợp.
Nông nghiệp sinh học tổng hợp
Công nghệ sinh học tổng hợp là công nghệ chiến lược mang tính đột phá và dẫn đầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ nông nghiệp, không chỉ cung cấp các giải pháp mang tính cách mạng cho các vấn đề sản xuất nông nghiệp, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng sản lượng cây trồng, cải thiện chất lượng cây trồng và hỗ trợ nông nghiệp xanh, kinh tế xanh.
Trong việc tăng sản lượng cây trồng, công nghệ sinh học tổng hợp có thể nâng cao hiệu quả của cây trồng trong việc chuyển đổi năng lượng ánh sáng thành sinh khối, thúc đẩy quá trình quang hợp của cây trồng. Trong việc cải thiện chất lượng cây trồng, công nghệ sinh học tổng hợp có thể biến đổi vật liệu di truyền sinh học, biến đổi gen cây trồng và tạo ra các giống tốt.
Viện Công nghệ Sinh học công nghiệp Thiên Tân, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã dành 6 năm nghiên cứu và thành công trong việc tổng hợp CO2 thành tinh bột. Các nhà khoa học Trường Đại học Gottingen (Đức) cũng đã trình làng mô hình sản xuất đại trà sinh khối vi sinh vật (PV-SCP) bằng cách kết hợp tấm pin quang điện lắp trên mặt đất với vi sinh, CO2 và nước, không khí, tạo ra nhiều thực phẩm hơn cho cộng đồng mà lại tiêu hao ít tài nguyên hơn. “Lương thực từ không khí” đã trở thành hiện thực, đảm bảo hiệu quả an toàn lương thực và thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.
Có thể nói, nông nghiệp sinh học là một hướng quan trọng để phát triển nông nghiệp trong tương lai, có thể đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu ăn uống ngày càng đa dạng, lành mạnh và cá nhân hóa của con người, thúc đẩy thực hiện “khái niệm thực phẩm lớn” , thúc đẩy phát triển hiện đại hóa nông nghiệp, đó là những động lực mới để thúc đẩy toàn diện quá trình chấn hưng nông nghiệp, phát triển nông thôn.
Trà My (TH)