Công tác khuyến nông có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ nông dân tiếp cận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo.

Hiện nay có nhiều tổ chức, thành phần tham gia hoạt động khuyến nông (doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã, tổ chức quốc tế,...), tuy nhiên, chưa có cơ chế phối hợp giữa khuyến nông nhà nước và khuyến nông ngoài nhà nước để định hướng hoạt động và chưa có chính sách để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khuyến nông.
Nội dung hoạt động khuyến nông còn đơn điệu; chậm đổi mới cơ chế chính sách để theo kịp với sự phát triển của sản xuất.
Trong khi đó, nhu cầu về hoạt động khuyến nông của nông dân rất lớn để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của thị trường trong nước, thế giới; góp phần xây dựng nông thôn mới văn minh, phát triển cộng đồng và bảo vệ môi trường sinh thái.
Do vậy, việc xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển khuyến nông Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến nông đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới.
Mục tiêu của Chiến lược đặt ra là xây dựng hệ thống khuyến nông xuyên suốt từ trung ương đến cơ sở, hướng đến nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, chất lượng cuộc sống và thu nhập của nông dân. Đa dạng hóa nội dung và phương thức hoạt động theo hướng xã hội hóa, phát triển khuyến nông điện tử. Thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật góp phần tạo động lực chuyển đổi và phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu cụ thể, sẽ củng cố, mở rộng hệ thống khuyến nông nhà nước đảm bảo các địa bàn trên cả nước đều có tổ chức và cán bộ khuyến nông phụ trách. Phát triển khuyến nông cộng đồng đảm bảo 100% xã nông thôn mới có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả theo tiêu chí nông thôn mới. Phát triển lực lượng khuyến nông ở các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Phát triển khuyến nông điện tử, đến năm 2030: 100% tài liệu khuyến nông được số hóa và phổ biến rộng rãi đến người nông dân. Chuẩn hóa năng lực cán bộ khuyến nông các cấp, đến năm 2030: 100% đội ngũ cán bộ khuyến nông được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ khuyến nông. Nâng cao hiệu quả chuyển giao kỹ thuật trong hoạt động khuyến nông, xây dựng các mô hình khuyến nông kiểu mẫu gắn với các sản phẩm chủ lực và liên kết theo chuỗi giá trị.

Dự thảo Chiến lược cũng xác định 8 định hướng phát triển khuyến nông trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm: Khuyến nông đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo chiến lược phát triển của ngành; Xây dựng, phát triển hệ thống khuyến nông; Hình thành, phát triển khuyến nông số; Phát triển khuyến nông vùng đặc thù và đối tượng đặc thù; Phát triển khuyến nông đô thị; Đẩy mạnh phân cấp trong hoạt động khuyến nông; Phối hợp chặt chẽ công tác nghiên cứu, khuyến nông và đào tạo; Hoàn thiện thể chế, chính sách về khuyến nông.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của công tác khuyến nông đối với người nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất, kết nối và nâng cao chất lượng cũng như phát triển thương hiệu nông sản cung cấp cho thị trường nhằm bảo đảm an ninh lương thực; xây dựng các mô hình gắn với chiến lược phát triển từng vùng, sản phẩm nông nghiệp quốc gia, du lịch nông nghiệp, nông nghiệp đô thị.
Bên cạnh đó, Chiến lược Khuyến nông cần bổ sung thêm cơ chế, chính sách huy động các trường, viện nghiên cứu nông nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho công tác khuyến nông, cũng như bà con nông dân; quỹ phòng ngừa rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.