Ngành tôm cần tập trung vào tính bền vững, phát huy sản phẩm thế mạnh

STNN - Để đạt mục tiêu xuất khẩu tôm, các doanh nghiệp cần tăng cường các sản phẩm thế mạnh như sản phẩm hữu cơ, bền vững, giá trị gia tăng.

STNN - Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), giá tôm của Việt Nam hiện cao hơn từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg so với Ecuador, Ấn Độ. Trong khi đó nhu cầu giảm và yêu cầu cao hơn về tính minh bạch và an toàn môi trường đã tác động đáng kể đến ngành kể từ đầu năm nay.

Tôm thẻ chân trắng xuất khẩu.
Tôm thẻ chân trắng xuất khẩu.

Nhiều thị trường lớn vẫn tăng trưởng âm

Từ tháng 6/2023 tới nay, tăng trưởng xuất khẩu thủy sản dần hồi phục. Xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 9 năm nay đã nhìn thấy tín hiệu tích cực từ các thị trường như Mỹ, Australia, Canada, Bỉ, Đài Loan với mức tăng trưởng dương từ 1%-54%. Nhưng các thị trường lớn còn lại như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn ghi nhận tăng trưởng âm từ 10%-26%, mức giảm này đã thấp hơn so với những tháng trước đó.

Riêng thị trường Trung Quốc và Hồng Kông, sau khi tăng trưởng dương trong 3 tháng 6, 7 và 8, xuất khẩu tôm sang thị trường này lại tiếp tục xu hướng giảm. Tháng 9/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông giảm 13% đạt 61 triệu USD. Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 454 triệu USD, giảm 6%.

Sau kỳ nghỉ lễ dài gồm tết Trung thu và ngày Quốc khánh ở Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ tôm ghi nhận giảm mạnh. Tồn kho cao do trước đó, Trung Quốc nhập khẩu nhiều tôm từ Ecuador. Các công ty giữ hàng tồn kho, không muốn giảm giá bán để giải phóng hàng. Dự kiến, trong quý cuối năm nhu cầu tiêu thụ tôm của Trung Quốc cũng chưa thể phục hồi.

Mỹ được coi là thị trường có xu hướng tích cực về nhập khẩu tôm từ Việt Nam khi xuất khẩu tôm sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng dương trong tháng 9 - đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp tăng trưởng dương. Xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 9 ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất so với 2 tháng trước đó với mức tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 520 triệu USD, giảm 23%.

Theo Vasep, hiện nay ngành tôm đang gặp khó khăn lớn từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Yếu tố khách quan là từ lạm phát, suy thoái khiến sức mua yếu, do nguồn cung tôm giá rẻ từ Ecuador, Ấn Độ ngày càng nhiều. Yếu tố chủ quan là những khó khăn nội tại, dịch bệnh trên nuôi tôm vẫn lan rộng và phức tạp khiến chi phí đầu vào tăng cao.

Tại một hội thảo mới tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia tôm từ khắp nơi trên thế giới chia sẻ quan điểm ngay cả khi nhu cầu thị trường cải thiện trong thời gian còn lại của năm nay, sản lượng xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn dự báo sẽ giảm 15% so với năm 2022.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP nhận định từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu bị cạnh tranh, nhất là mặt hàng tôm thẻ chân trắng và cá tra, dù đang chiếm 93% sản lượng xuất khẩu toàn cầu, nhưng sản lượng xuất khẩu đang bị sụt giảm nhiều từ các thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Giá thành tôm nuôi của Việt Nam quá cao

So sánh về giá thành sản xuất tôm nguyên liệu của 3 nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, đối với size 50-60 con mỗi kg của Ecuador chỉ khoảng 2,3-2,4 USD, trong khi của Ấn Độ là 3,4-3,8 USD, còn Việt Nam lên đến 4,8-5 USD. Nguyên nhân giá thành tôm nuôi còn cao do giá vật tư đầu vào cao nhưng quan trọng hơn do tỉ lệ thành công trong nuôi tôm còn thấp. Thực tế cho thấy, tỉ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam chưa tới 40%, trong khi tỉ lệ này của Ấn Độ trên 60% và của Ecuador là cao nhất, trên 80%.

Tỉ lệ nuôi tôm thành công phụ thuộc vào hai yếu tố quan trọng đó là chất lượng con tôm giống và chất lượng nước nuôi. Theo các chuyên gia, hai vấn đề này không dễ giải quyết ngày một ngày hai.

"Giá thành tôm nguyên liệu của Việt Nam đang cao gấp đôi Ecuador, nhưng doanh nghiệp chế biến vẫn sống được. Điều đó cho thấy rằng năng lực của các doanh nghiệp lớn thế nào. Nếu giá thành nuôi tôm của Việt Nam bằng với Ecuador, người nuôi đảm bảo sẽ có lợi nhuận từ 30%, doanh nghiệp chế biến có lợi nhuận từ 20%” - ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Công ty thủy sản Minh Phú chia sẻ.

Tăng giá trị con tôm Việt

Trước tình hình hiện tại, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP nhận định: “Để đạt mục tiêu xuất khẩu tôm 3,6 tỷ USD trong năm nay, các doanh nghiệp cần tăng cường các sản phẩm thế mạnh như sản phẩm hữu cơ, bền vững, giá trị gia tăng. Các công ty cũng nên áp dụng các phương thức bán hàng và thanh toán phù hợp. Nên tập trung vào việc tăng xuất khẩu sang Trung Quốc và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tôm có giá trị gia tăng sang EU, tận dụng tối đa lợi thế mà Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) mang lại để nâng cao khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu sang thị trường này”.

Các chuyên gia quốc tế cũng khuyến nghị ngành tôm Việt cần tiếp tục tập trung vào tính bền vững và truy xuất nguồn gốc như thức ăn, quản lý trang trại, quản lý dịch bệnh. Cùng với đó, nên tập trung vào tiếp thị ngành tôm Việt. Trên thực tế, ngành tôm Việt Nam tốt hơn rất nhiều so với cảm nhận của nhiều nước châu Âu, cho nên khâu quảng bá cần nỗ lực hơn nữa. Bên cạnh đó, cần tăng cường tính hiệu quả ngay từ cấp vùng nuôi.

Với những tín hiệu tích cực hơn từ các thị trường cùng với nhu cầu tôm chế biến sâu có xu hướng tăng vào dịp lễ cuối năm 2023, nếu các nhà máy chế biến xuất khẩu tận dụng các sản phẩm thế mạnh, tăng giá trị, xuất khẩu tôm Việt Nam trong những tháng cuối năm nay có thể tiếp tục thu hẹp mức giảm và đạt kết quả tích cực hơn nửa đầu năm.

Theo: www.fistenet.gov.vn