Nghiên cứu chế tạo men phủ kim loại

STNN – Để bảo vệ kim loại đen chống lại sự ăn mòn của môi trường là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt trong khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm như nước ta, tốc độ ăn mòn kim loại rất nhanh.

Thông thường người ta lựa chọn các phương pháp để bảo vệ kim loại như bôi dầu mỡ chống gỉ, sơn, mạ… Những cách làm này có ưu điểm là đơn giản, rẻ tiền song chỉ có tính chất tạm thời trong thời gian ngắn. Men là lớp bảo vệ dạng thủy tinh silicat. Đặc điểm của lớp bảo vệ này là bền hóa (chịu ăn mòn trong các môi trường hóa chất như axit và bazơ), bền dưới tác dụng của nhiệt độ cao. Trên phương diện công nghiệp, men được sử dụng thông dụng như là một biện pháp bảo vệ cho các loại vật liệu kim loại thường bị hư hỏng nhanh, bị han gỉ và ăn mòn. Việc tráng men nhằm bảo vệ chúng kịp thời, tránh được chi phí cao cho việc bảo dưỡng và thay thế. Vì những lý do đó men ngày càng được ứng dụng rộng rãi.

Sản phẩm gang tráng men cho bề mặt bóng, không rạn.
Sản phẩm gang tráng men cho bề mặt bóng, không rạn.

Tại các nước công nghiệp, ngành vật liệu tráng men kim loại rất được chú trọng và phát triển. Kim loại tráng men được sử dụng trong nhà bếp để làm bàn ăn, bàn nấu, làm vỏ cho các thiết bị gia dụng. Do tính chất của thủy tinh có cấu trúc vi mô được đặc trưng bởi các lỗ xốp kín nên khả năng bền hóa dưới tác nhân ăn mòn chủ yếu là nước khá cao, khả năng chống thấm, ngăn chặn sự rò rỉ rất tốt nên rất thích hợp cho các sản phẩm thiết bị vệ sinh. Ngoài ra, các sản phẩm kim loại tráng men cũng được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp ngay cả đối với những ngành có môi trường ăn mòn cao như hóa chất và thực phẩm. Khả năng chống hóa chất và lên men tốt, khả năng chịu nhiệt độ cao, phản xạ nhiệt tốt nên nó nên nó đã trở thành lớp lót tuyệt vời cho các silo chứa, các lò phản ứng hóa học, lò sấy, các thiết bị trao đổi nhiệt… Sự kết hợp bởi lớp kim loại có cường độ cơ học cao cùng lớp men phủ bảo vệ bề mặt tốt nên các vật liệu thép tráng men cũng trở thành một giải pháp hàng đầu trong ngành xây dựng để ốp các tòa nhà, trang trí nội thất. Tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất nhà máy sắt tráng men – nhôm Hải Phòng sản xuất các mặt hàng kim loại tráng men; tuy nhiên, dòng sản phẩm tại đây chủ yếu là các vật dụng nhà bếp như bát, cốc, đĩa tráng men kim loại nhưng hình dáng, mẫu mã còn đơn điệu. Hầu hết các kim loại sử dụng chung có thể được tráng men. Điều này không có nghĩa là một loại men bất kỳ có thể sử dụng thành công trên bất kỳ kim loại nào. Trên thực tế, mỗi sự kết hợp của kim loại và men sẽ có những tính chất riêng. Thành phần men và điều kiện nung đốt phải được lựa chọn cẩn thận cho mỗi kim loại dựa trên các tính chất của kim loại như: điểm nóng chảy, hệ số giãn nở nhiệt, mô-đun đàn hồi, độ hòa tan của oxit kim loại trong men, cường độ ở nhiệt độ chảy men, độ xốp…

Nhận thấy được tiềm năng phát triển của các vật liệu phủ men kim loại và các hạn chế mà các nghiên cứu trong nước đang gặp phải, nhóm nghiên cứu, Viện Nghiên cứu sành sứ thủy tinh công nghiệp, do ThS. Nguyễn Thị Luyên đã đề xuất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chế tạo men phủ kim loại”. Mục tiêu của đề tài này là đưa ra được loại men phủ trên kim loại, men chảy bóng, đều, không rạn, đạt TCVN 7542-2:2005 nhằm tạo ra các sản phẩm có sự đa dạng hơn phục vục cho nhu cầu đời sống hằng ngày, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đề tài đã nghiên cứu đạt được kết quả về lý thuyết và thực nghiệm như sau:

– Đã nghiên cứu tổng quan về các sản phẩm men phủ kim loại trên thị trường: các loại sản phẩm, tính chất đặc trưng, khả năng ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau.

– Đã nghiên cứu tổng quan về các kim loại dùng để tráng men và lựa chọn được mẫu kim loại tráng men cho đề tài là mẫu gang xám GX 21-40.

Nghiên cứu được các đơn phối liệu làm frit dùng cho men lót FL01-FL08; men phủ FP01-FP04. Từ đây, nhóm đã lựa chọn được mẫu frit FL07 dùng cho men lót và mẫu frit FP04 dùng cho men phủ:

– Lựa chọn và xác định được phụ gia tạo hồ men.

+ Thành phần men lót. Frit FL07: STTP: HEC = 100: 0,1: 0,15 (phần KL). Độ ẩm 40%; Tỷ trọng 1,62 gam/cm3; Độ nhớt 35 giây; pH = 7.

+ Thành phần men phủ. Frit FP04: STTP: HEC = 100: 0,1: 0,15 (phần KL). Độ ẩm 40%; Tỷ trọng 1,60 gam/cm3; Độ nhớt 32 giây; pH = 7.

– Xác định được nhiệt độ sấy mẫu trước khi tráng men là 100-140°C.

– Xác định được nhiệt độ nung cho men lót là 830°C, lưu 10-20 phút. Nhiệt độ nung cho men phủ là 800°C và lưu trong 10-15 phút.

– Chế thử sản phẩm và đánh giá chất lượng sản phẩm cho bề mặt bóng, không rạn, độ thôi nhiễm chì và cadimi đều nằm trong giới hạn cho phép của thuyết minh đề tài. Đồng thời đưa ra quy trình công nghệ, các thông số kỹ thuật đi kèm sản xuất sản phẩm men phủ kim loại.

– Đánh giá sơ bộ cho thấy, quy trình công nghệ đảm bảo yếu tố môi trường và giá thành sản phẩm đủ khả năng cạnh tranh thị trường.

– Đã chế thử được 100,25kg men lót và và 100,25kg men phủ.

Với các kết quả đã được trình bày trong báo cáo, đề tài xin được nghiệm thu các cấp.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18235/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Theo vista.gov.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây