STNN - Từ năm 2013, Việt Nam thực hiện chiến lược cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định số 899/2013/QĐ-TTg nhằm khắc phục những tồn tại, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp (SXNN) như quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, chất lượng sản phẩm không đồng đều, sản phẩm không có thương hiệu, liên kết chuỗi giá trị kém phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao còn hạn chế, v.v...
Nhiều chính sách, giải pháp đã được ban hành để thực hiện chiến lược cơ cấu lại ngành nông nghiệp như khuyến khích phát triển sản xuất quy mô lớn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và tổ chức nông dân, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật,.... Từ năm 2017, chiến lược cơ cấu lại ngành nông nghiệp được đẩy mạnh và gắn liền với xây dựng nông thôn mới (NTM) theo Quyết định số 1819/2017/QĐ-TTg và sẽ còn được tiếp tục đẩy mạnh trong giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 255/2021/QĐ-TTg. Trong chương trình xây dựng NTM, hợp tác xã (HTX) được xác định có vai trò quan trọng trong thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (sau đây gọi tắt là OCOP).
Phát triển HTX nông lâm thủy sản (NLTS) (sau đây gọi là HTX nông nghiệp - viết tắt là HTXNN) luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Điều này đã được nhất quán thống nhất trong nhiều văn kiện của Đảng, Chính phủ. Năm 2012 Quốc hội đã ban hành Luật HTX năm 2012 với nhiều thay đổi quan trọng so với Luật HTX năm 2003 về mô hình tổ chức, hoạt động của HTX theo hướng nâng cao vai trò của HTX trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế cho thành viên.
Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ sự phát triển của HTXNN đã được ban hành. Các hỗ trợ hướng đến nâng cao năng lực quản trị, mở rộng hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của HTXNN, thúc đẩy HTXNN nhằm phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, tham gia sâu vào các công đoạn tạo giá trị gia tăng cao của chuỗi giá trị. Những chính sách ưu đãi, hỗ trợ này đã đóng góp vào sự phát triển của HTXNN trong thời gian qua như tỷ lệ HTXNN hoạt động có hiệu quả tính đến hết tháng 12/2020 đạt trên 70% (so với năm 2017 chỉ đạt dưới 30%). Tỷ lệ HTXNN tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là liên kết chuỗi giá trị và viết tắt là LKCGT) tăng nhanh. Theo số liệu theo dõi của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Cục KTHT và PTNT), năm 2017 cả nước có khoảng 10% HTXNN tham gia LKCGT thì đến hết tháng 12/2020 đã đạt tỷ lệ là 23% (4.028 HTXNN tham gia LKCGT).
HTX nông nghiệp có vai trò rất quan trọng trong kết nối giữa hộ nông dân quy mô nhỏ với doanh nghiệp thông qua liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhiều chính sách hỗ trợ HTX nhằm phát triển liên kết theo chuỗi giá trị đã được ban hành nhưng số lượng, tỷ lệ và quy mô tham gia LKCGT của HTX nông nghiệp còn thấp như đến 2 tháng 12/2020 mới chỉ có 23% HTX thực hiện việc bao tiêu một phần nông sản cho nông dân. Điều đó không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (DN) trong phát triển các chuỗi cung ứng nông sản có liên kết. Vì vậy, nhiều DN đã phải tham gia vào HTX để xây dựng vùng nguyên liệu, thúc đẩy liên kết với HTX trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông lâm ngư nghiệp (gọi chung là nông sản).
Trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay, đã xuất hiện những mô hình HTX liên kết với doanh nghiệp rất thành công. Các HTX này có thể tham gia vào một hoặc nhiều khâu của chuỗi giá trị (CGT). Các hoạt động này tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm của thành viên. Tuy nhiên, số lượng HTX như vậy còn ít và việc nhân rộng các mô hình còn rất chậm và gặp khó khăn. Trong khi đó, doanh nghiệp thực sự có nhu cầu liên kết với HTX để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Tại nhiều hội nghị, các doanh nghiệp đã nêu lên việc khó khăn trong việc tìm kiếm các HTX hoạt động hiệu quả để thực hiện liên kết sản xuất tiêu thu theo chuỗi giá trị.
Nhằm nhân rộng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, ngày 3/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 167/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-20254. Việc nghiên cứu để lí giải những yếu tố ảnh hướng đến việc phát triển HTX nhằm phát triển liên kết theo chuỗi giá trị cũng như yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của mô hình LKCGT giữa DN và HTX sẽ giúp đề xuất các chính sách, giải pháp để khuyến khích phát triển HTX nhằm phát triển liên kết theo chuỗi giá trị nông, lâm thủy sản trong thời gian tới.
Vì vậy, việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất mô hình hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012 nhằm phát triển liên kết theo chuỗi giá trị phù hợp với từng nhóm sản phẩm nông, lâm thủy sản ở các vùng, miền khác nhau” do TS. Hoàng Vũ Quang cùng nhóm tác giả tại Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện với mục tiêu đề xuất mô hình và chính sách, giải pháp phát triển HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012 tham gia liên kết theo chuỗi giá trị phù hợp với nhóm sản phẩm nông, lâm thủy sản ở các vùng, miền khác nhau.
Một số nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định, HTX đóng vai trò quan trọng trong liên kết phát triển chuỗi giá trị nông sản của những nước phát triển và đang phát triển như Đức, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan. Thông qua hệ thống HTX có thể kiểm soát được quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm nông sản, hình thành các chuỗi sản phẩm hàng hoá ổn định và phát triển. HTX là cầu nối tin cậy giữa nông dân sản xuất nông sản và người sử dụng sản phẩm. Thông qua HTX, nhà nước đã có nhiều chính sách cho hộ nông dân như chính sách hạ tầng sản xuất, chính sách khuyến nông, chính sách tiếp thị nông sản, chính sách bảo hiểm nông nghiệp.
Ở Việt Nam, những nghiên cứu về vai trò của HTXNN trong các CGT NLTS còn hạn chế và chưa được quan tâm đầy đủ. Xét trên phương diện lý luận, hầu hết các nghiên cứu chưa hệ thống hóa và luận giải, làm rõ được cơ sở lý luận về phát triển các hình thức liên kết CGT trong NLTS có sự tham gia và phát huy vai trò “trụ cột” của các HTX nông nghiệp để hình thành, phát triển các chuỗi giá trị NLTS hiệu quả, bền vững. Trong thực tế, mặc dù các nghiên cứu và các cơ quan quản lý nhà nước đều khẳng định HTX đóng vai trò quan trọng trong đổi mới tổ chức sản xuất thúc đẩy liên kết giữa các hộ nông dân trong NLTS. Chính phủ và lãnh đạo các địa phương đã có nhiều nỗ lực thông qua cung cấp các hỗ trợ HTXNN để thúc đẩy vai 3 trò của nó trong liên kết. Nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn được liên kết với nông dân thông qua HTX để giảm chi phí mua nguyên liệu và quản lý được chất lượng nông sản đầu vào. Tuy vậy, đến nay có rất ít mô hình liên kết thành công, nhất là các mô hình liên kết có sự tham gia của HTX. Tất cả những vấn đề này trong thực tiễn nhưng hầu như đều chưa có những nghiên cứu, đánh giá một bài bản và toàn diện để tìm ra được nguyên nhân, từ đó có những biện pháp can thiệp thích hợp.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Về thực trạng tham gia phát triển chuỗi giá trị liên kết của HTX nông nghiệp: Theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP đưa ra 7 hình thức liên kết chuỗi giá trị được Nhà nước hỗ trợ. HTX nông nghiệp tham gia cả 7 hình thức này nhưng mức độ khác nhau. Tuy nhiên, 3 hình thức có tỷ lệ HTX tham gia nhiều nhất là các hình thức 1, 2, và 6. Riêng 3 hình thức liên kết này đã chiếm tổng cộng 81,5% số HTX có LKCGT khảo sát. Các hình thức liên kết khác chiếm tỷ lệ nhỏ hơn 8,0%. Nếu chia theo hình thức và cấp độ HTX nông nghiệp tham gia phát triển liên kết theo chuỗi giá trị thì có 04 kiểu mô hình đó là: (1) HTX không tham gia chuỗi liên kết; (2) HTX thụ động tham gia chuỗi giá trị liên kết; (3) HTX chủ động tham gia chuỗi giá trị liên kết; (4) HTX tự tổ chức chuỗi giá trị liên kết khép kín của HTX.
- Một HTX nông nghiệp có thể tham gia vào một hoặc nhiều công đoạn của chuỗi giá trị liên kết. Nhiều HTX tham gia vào các công đoạn phục vụ sản xuất của thành viên như: cung ứng vật tư đầu vào sản xuất, đào tạo, hướng dẫn nâng cao kiến thức, kỹ năng và thu gom, phân loại sản phẩm. Các dịch vụ được HTX cung cấp khi tham gia liên kết chuỗi giá trị chủ yếu là tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, thu gom sản phẩm, cung cấp vật tư đầu vào sản xuất. Ngoài tổ chức cung cấp các dịch vụ, các HTX cũng tổ chức áp dụng quy trình sản xuất tốt (GAP) như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, UTZ, FLO, FSC, ASC… và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất NLTS.
- Qua kết quả nghiên cứu và thực tiễn xây dựng thí điểm 04 mô hình HTX nông nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị của Đề tài cho thấy: i) Trước hết, về mô hình tổ chức bộ máy của HTX nông nghiệp phải đảm bảo các điều kiện bắt buộc mà Luật HTX năm 2012 đã quy định; ii) Về hình thức HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị: HTX có thể thực hiện 1 hoặc đồng thời theo 03 kiểu mô hình liên kết là: (1) HTX thụ động trong chuỗi giá trị liên kết. HTX tham gia thụ động trong chuỗi giá trị liên kết chỉ phù hợp với những HTX yêu cầu không nhiều về quy mô nguồn lực sản xuất kinh doanh, ví dụ như đất đai, vốn, trình độ quản trị HTX thấp; (2) HTX chủ động trong chuỗi giá trị liên kết; (3) HTX tự tổ chức chuỗi giá trị liên kết khép kín của HTX. Mô hình HTX tự tổ chức liên kết chuỗi khép kín của HTX rất phù hợp với việc phát triển các chuỗi ngắn để cung ứng các sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng, phù hợp với các vùng đô thị, ven đô; các nhóm sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước; nhóm sản phẩm OCOP.
- Có 02 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia liên kết chuỗi giá trị của HTX nông nghiệp: i) Nhóm các yếu tố bên trong HTX: trình độ, năng lực của người đứng đầu HTX. Tiếp theo, đòi hỏi HTX phải quản trị công khai, minh bạch; có các quy chế và thực hiện các quy chế nội bộ HTX. Sau cùng mới là các điều kiện về vốn kinh doanh, và trang thiết bị máy móc, tài sản để phục vụ liên kết. ii) Nhóm các yếu tố bên ngoài HTX bao gồm: Các hỗ trợ ứng trước tiền mặt, vật tư của doanh nghiệp/ 46 đối tác liên kết; Sự ủng hộ của chính quyền địa phương; Sự hỗ trợ của nhà nước, kể cả tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật.
- Để tham gia chuỗi giá trị liên kết thì các HTX nông nghiệp cần phải có nhiều điều kiện, nhưng cần có những điều kiện cơ bản sau: i) Năng lực của đội ngũ tập thể lãnh đạo HTX; ii) Tinh thần hợp tác, xây dựng HTX của tập thể thành viên HTX; iii) HTX cần có vốn, tài sản; iv) HTX cần có sự tham gia và hỗ trợ từ bên ngoài.
- Để thúc đẩy HTX nông nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị nông, lâm thủy sản, Nhà nước cần có các giải pháp, chính sách đồng bộ như: Tuyên truyền, truyền thông; đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ xây dựng và nhân rộng 02 kiểu mô hình HTX điển hình; khuyến khích DN tham gia liên kết CGT; ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ phát triển HTX; xây dựng các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển mô hình HTX nông nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước và hỗ trợ HTX nông nghiệp; nghiên cứu tiếp tục sửa đổi Luật HTX; xây dựng Nghị định về phát triển HTX nông nghiệp. Ngoài ra, cần có cơ chế chính sách phù hợp để các HTX nông nghiệp tham gia trong từng lĩnh vực, ngành hàng: trồng trọt, chăn nuôi, lama nghiệp, thủy sản.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19678/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Theo: vista.gov.vn