Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển Nam Trung Bộ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu

STNN - Biến đổi khí hậu (BĐKH) trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. BĐKH ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, qua đó ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ven biển.

Rừng ngập mặn (RNM) là một sinh cảnh có khả năng thích nghi đặc biệt và là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá đối với nhân dân vùng ven biển. RNM không những cung cấp các lâm sản có giá trị như than, củi, gỗ, tannin, thực phẩm, thuốc chữa bệnh… mà còn là sinh cảnh của nhiều loại hải sản, chim nước, chim di cư và một số động vật có giá trị khác. Bên cạnh các giá trị về đa dạng sinh học, RNM còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, hạn chế bão lũ, triều cường, hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ nước ngầm, giảm tốc độ dòng chảy của thủy triều, giảm sự xói lở do sóng biển gây ra.

Do vị trí của RNM sát biển, nên đây là hệ sinh thái chịu tác động đầu tiên từ BĐKH. Nhiều diện tích rừng không thích ứng kịp đã bị chết hoặc suy giảm sức sống. Các chức năng ưu việt của RNM như phòng hộ đê biển, bảo vệ môi trường sống... bị suy giảm.

Khu vực Nam Trung Bộ là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, với tiềm năng phát triển các ngành nghề du lịch, khai thác và nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hàng hải và ngành công nghiệp chế xuất. Đây cũng là khu vực thường xuyên chịu các tác động thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán. Trong khi đó, dưới tác động của thiên tai, BĐKH, hoạt động phát triển kinh tế, diện tích và chất lượng RNM của khu vực đã bị giảm sút, không còn đáp ứng đầy đủ khả năng phòng hộ ven biển.

Các nghiên cứu hiện nay về RNM tại khu vực Nam Trung Bộ còn tản mạn, rất ít tài liệu nghiên cứu về phân bố các loài thực vật, đa dạng sinh học. Chưa có nghiên cứu đầy đủ về điều kiện tự nhiên, hiện trạng RNM và tầm quan trọng của RNM đối với khu vực Nam Trung Bộ. Đặc biệt là thiếu các nghiên cứu về các giải pháp kỹ thuật (tạo giống, kỹ thuật quản lý/canh tác cây trồng tổng hợp) phù hợp với khu vực. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần nghiên cứu lựa chọn các giải pháp khoa học công nghệ để phục hồi và phát triển RNM ven biển, phù hợp với đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội khu vực Nam Trung Bộ nhằm ứng phó với BĐKH.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Đỗ Quý Mạnh thực hiện “Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển Nam Trung Bộ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu” với mục tiêu: Đề xuất được giải pháp kỹ thuật (chủng loại, giống, kỹ thuật quản lý/canh tác cây trồng tổng hợp) và chính sách để phục hồi và phát triển bền vững RNM tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ trong bối cảnh tác động của BĐKH.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Diện tích đất quy hoạch cho trồng RNM khu vực Nam Trung Bộ là 824,59 ha. Trong đó, diện tích đất trống ngập mặn là 465,53 ha, diện tích RNM là 359,06 ha. Diện tích lập địa có khả năng phục hồi và trồng mới RNM tại khu vực nghiên cứu chủ yếu là dạng lập địa rất thuận lợi (429,7ha) và thuận lợi (192,76ha). Diện tích lập địa có điều kiện khó khăn có diện tích 202,13ha.

Đã xác định 21 loài thực vật ngập mặn thuộc 12 chi, 10 họ thực vật. Lần đầu tiên ghi nhận loài Cóc đỏ là loài quý hiếm ở mức VU - mức sẽ nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) tại tỉnh Ninh Thuận.

Các loài cây ngập mặn phù hợp với các dạng lập địa khu vực 7 tỉnh, thích ứng với nước biển dâng và thay đổi độ mặn là các loài Mắm biển, Mắm trắng, Đước đôi, Đưng, Bần trắng, Bần chua, Dừa nước, Cóc trắng, Giá biển. Trong đó, Mắm biển và Đước đôi là 2 loài đã được xác định trồng chủ yếu tại khu vực này, ghi nhận cây tái sinh tại khu vực nghiên cứu được đề xuất trồng trong mô hình.

Đã xây dựng được quy trình canh tác tổng hợp RNM khu vực ven biển Nam Trung Bộ. Đã đề xuất được 6 định hướng, 5 giải pháp chung, 2 giải pháp đặc thù để phục hồi và phát triển bền vững RNM khu vực ven biển tỉnh Nam Trung Bộ.

Đã xác định được 17 cây trội, gồm 9 cây Đước đôi và 8 cây Mắm biển là cơ sở để tạo nguồn giống cây ngập mặn bằng phương pháp nhân giống hữu tính.

Đã thử nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học để nhân giống Đước đôi và Mắm biển. Kết quả nghiên cứu bước đầu đã đạt được thành công nhất định ở trong phòng thí nghiệm và cần nghiên cứu sâu hơn trong tương lai.

Đã xây dựng được 02 mô hình: 1. Mô hình tại khu vực bãi bồi xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam; 2. Mô hình tại khu vực bãi bồi trong đầm Nại, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, trồng Đước đôi 25 và Mắm biển. Tỷ lệ sống của cây trồng trong 2 mô hình lần lượt là 94,70% và 95,83%. Cây trồng trong mô hình sinh trưởng và phát triển tốt. Ước tính giá trị kinh tế của 02 mô hình trồng RNM là 93.473.498 đồng tại Quảng Nam và 91.328.657 tại Ninh Thuận.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17874/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Đ.T.V - NASATI (https://vista.gov.vn/)