Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ, yếu tố nguy cơ lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis) ở các địa phương ngoại thành Hà Nội và đề xuất biện pháp phòng trị

Streptococcus suis, còn gọi là liên cầu khuẩn lợn, được De Moor mô tả lần đầu như một tác nhân gây nhiễm cho lợn vào năm 1963. Bệnh do Streptococcus suis ở người với 2 trường hợp viêm màng não và một trường hợp nhiễm trùng nặng đến mức tử vong đã được mô tả lần đầu tiên tại Đan Mạch năm 1968. Sau đó, bệnh do vi khuẩn này dần được báo cáo ở Hà Lan, Anh và nhiều nước khác. Từ đó đến nay, liên cầu khuẩn này đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có tác giả như M. Gottschalk đã có gần 100 bài báo xoay quanh các khía cạnh của vi khuẩn này. Liên cầu khuẩn lợn Streptococcus suis là một trong những tác nhân gây bệnh quan trọng làm ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi lợn trên thế giới và có thể lây truyền từ lợn sang người gây viêm màng não, viêm phổi, nhiễm trùng máu và dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Kiểm tra vi khuẩn Streptococcus bằng kit API 20Strep
Kiểm tra vi khuẩn Streptococcus bằng kit API 20Strep

Việc sử dụng những loại kháng sinh không kiểm soát chặt chẽ như hiện nay được xem là một nguy cơ tiềm ẩn làm tăng khả năng kháng kháng sinh của Streptococcus suis. Streptococcus suis phân bố rộng khắp trên thế giới và hầu hết đều thích nghi với lợn đã thuần hóa, trong một số trường hợp Streptococcus suis còn được tìm thấy trên lợn hoang dã, ngựa, chó và mèo (Gottschalk và cs, 2007). Tuy nhiên lợn vẫn là ký chủ cảm nhiễm quan trọng nhất nên ở Việt Nam được gọi là liên cầu khuẩn lợn. Nhiễm khuẩn do Streptococcus suis được xem là một vấn đề toàn cầu trong ngành chăn nuôi lợn. Theo một cuộc khảo sát tại Hoa Kỳ trên các trại nuôi lợn công nghiệp (sản xuất hơn 150.000 con lợn mỗi năm) cho thấy Streptococcus suis là nguyên nhân gây bệnh quan trọng đứng thứ tư với nhóm lợn giống, lợn nái và thứ mười đối với nhóm lợn thịt (Hoffman và cs., 2007). Streptococcus suis không chỉ là tác nhân gây bệnh ở động vật mà còn có khả năng ảnh hưởng đến những người tiếp xúc với lợn hoặc thịt lợn bị nhiễm bệnh. Streptococcus suis có thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não hay hội 2 chứng sốc độc tố. Các dấu hiệu nhận biết của bệnh là sốt cao, tiêu chảy, hạ huyết áp, xuất huyết dưới da và rối loạn chức năng của nhiều cơ quan: hội chứng suy hô hấp cấp tính, suy gan và suy tim, đông máu nội mạch và suy thận cấp, mất hay giảm thính lực (Tang và cs., 2006; Yu và cs., 2006). Việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi làm tăng nguy cơ các loại vi khuẩn kháng kháng sinh, từ đó tăng nguy cơ truyền tính kháng sang người. Vì vậy, tính nhạy cảm cũng như khả năng kháng kháng sinh của Streptococcus suis phân lập trên lợn và người là một vấn đề đang được quan tâm. Những nghiên cứu gần đây trên thế giới cho thấy liên cầu lợn đã kháng với đơn lẻ hoặc đa kháng với nhiều loại kháng sinh. Xuất phát từ tình hình thực tế trên, do yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn sản xuất đồng thời xây dựng cơ sở lý luận khoa học cho các nghiên cứu về phòng trị bệnh do vi khuẩn Streptococcus suis gây ra ở lợn, chúng tôi đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ, yếu tố nguy cơ lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis) ở các địa phương ngoại thành Hà Nội và đề xuất biện pháp phòng trị”.

Nhằm làm rõ ảnh hưởng bất lợi của liên cầu khuẩn Streptococcus suis đối với chăn nuôi lợn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường, nhóm nghiên cứu tại Hội Thú y Việt Nam - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam do TS. Nguyễn Thị Bích Thủy đứng đầu thực hiện nhiệm vụ: “Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ, yếu tố nguy cơ lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis) ở các địa phương ngoại thành Hà Nội và đề xuất biện pháp phòng trị”.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đã thu được một số kết quả như sau:

1) Kết quả phân tích mẫu bệnh phẩm thu thập được cho thấy tỷ lệ nhiễm vi khuẩn S. suis ghi nhận được ở lợn khỏe là 22,22% và ở lợn bệnh là 30%. Lợn ở các độ tuổi khác nhau thì tỷ lệ nhiễm cũng khác nhau, lợn thịt có tỷ lệ nhiễm S. suis trung bình là 36,66%; cao hơn so với ở lợn nái (23,33%) và lợn dưới 2 tháng tuổi (18,33%). Lợn nuôi ở các loại hình khác nhau, tình trạng sức khỏe khác nhau thì tỷ lệ nhiễm vi khuẩn S. suis cũng khác nhau: chăn nuôi công nghiệp, chuồng trại, giống, thức ăn và quản lý tốt thì tỷ lệ lợn khỏe mang mầm bệnh (18,33%) thấp hơn chăn nuôi gia đình (28,33%) và trang trại (20,00%). Trong khi đó tỷ lệ lợn bị bệnh đường hô hấp ở khu vực chăn nuôi gia đình nhiễm vi khuẩn S. suis (35,00%) cao hơn các khu vực chăn nuôi trang trại (28,33%) và chăn nuôi công nghiệp (26,66%). Kết quả giám định bằng bộ kít API 20 Strep đối với 94 chủng vi khuẩn phân lập được cho thấy tất cả các chủng vi khuẩn phân lập được xác định là S. suis trong nghiên cứu này đều mang các đặc điểm sinh học đặc trưng của vi khuẩn S. suis. Trong số các gen mã hóa các yếu tố độc lực được kiểm tra thì số chủng S. suis mang gen arcA chiếm tỷ lệ cao nhất với 59,57% (56/94 chủng), tiếp đến là gen mrp với tỷ lệ 13,83% (13/94 chủng), gen epf với tỷ lệ 9,57% (9/94 chủng) và thấp nhất là gen sly với tỷ lệ 5,32% (5/94 chủng).

2) Lợn ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có khả năng bị nhiễm S. suis gấp 1,97 lần so với các trại chăn nuôi quy mô công nghiệp. Các trại ở gần chợ buôn bán gia súc (< 1km), gần địa điểm giết mổ (< 1km), gần ao, hồ, kênh, mương (< 100m) đều có nguy cơ bị nhiễm S. suis cao hơn các trại có khoảng cách lớn hơn. Quy trình xử lý chất thải trong chăn nuôi cũng có ảnh hưởng tới nguy cơ lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn tại các trại, các trại xả thẳng chất thải ra môi trường có nguy cơ cao gấp 1,74 lần các trại có quy trình ủ biogas. Khi sử dụng lợn giống 51 có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng; cách ly lợn mới nhập về đúng quy trình; nguy cơ lợn bị nhiễm S. suis thấp hơn. Hiện nay, vẫn chưa có vacxin phòng bệnh cho người. Do đó, nhằm ngăn chặn sự nhiễm bệnh cho người, cần tăng cường các biện pháp: vệ sinh an toàn thực phẩm, mang găng tay, khẩu trang khi chế biến thịt sống, không ăn thịt lợn tái, nem chua, tiết canh…, chỉ sử dụng thịt lợn sau khi đã được nấu chín. Khi người bị bệnh do liên cầu khuẩn gây nên rất cần thiết được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.

3) Các chủng vi khuẩn S. suis phân lập được mẫn cảm cao với các loại kháng sinh như amikacin (89,36%), florfenicol (87,23%), ceftiofur (86,17%), amoxicillin (82,97%), ampicillin (72,34%). Trong khi đó, một số loại kháng sinh bị vi khuẩn này kháng với tỷ lệ cao là erythromycin, colistin và neomycin với tỷ lệ lần lượt là 81,91%, 76,59% và 73,40%. Lợn mắc viêm phổi do S. suis có thể sử dụng phác đồ 1, dùng CEFANEW-LA (ceftiofur: 10g/100ml) với liều lượng 1ml/25kg thể trọng; điều trị 4 ngày liên tục, tỷ lệ khỏi bệnh là 96%.

Bên cạnh các kết quả đạt được, cần tiếp tục mở rộng phạm vi nghiên cứu về vi khuẩn Streptococcus suis cả về không gian và đối tượng nghiên cứu để có thể xác định được chủng vi khuẩn có đầy đủ điều kiện để nghiên cứu sản xuất vacxin và các chế phẩm sinh học khác phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh cho lợn và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18102/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Theo: vista.gov.vn