STNN - Trong khi tất cả các cơ quan chức năng còn hết sức lúng túng để giải quyết vụ việc khủng hoảng đã và đang diễn ra tại Hãng phim truyện Việt Nam sau cổ phần hoá, thành Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam (CP ĐTPT PTVN), ngày 6/4, Tổng Công ty Vận tải thủy - CTCP, nhà cổ đông chiến lược của doanh nghiệp cổ phần này, vừa có văn bản số 74/CV-VTT gửi Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đề xuất được đầu tư theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt cũng như đầu tư sản xuất phim theo chức năng vốn có của Hãng phim truyện Việt Nam. Việc đầu tư này sẽ được thực hiện trong điều kiện Tổng Giám đốc là ”người do Bộ VHTT&DL đề cử".
Xuất phát điểm của đề xuất nói trên là bối cảnh trước và sau cổ phần hoá hãng phim. Cụ thể, theo công văn, trước khi cổ phần hoá, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu chính của Hãng phim truyện Việt Nam trong nhiều năm qua chủ yếu chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí nhỏ giọt do Nhà nước đặt hàng sản xuất phim. Bộ máy của Hãng quá cồng kềnh, số lượng lao động gián tiếp nhiều, nguồn kinh phí được huy động từ ngân sách nhà nước đặt hàng sản xuất phim nói trên phần lớn được chi trả lương cho cán bộ công nhân viên nên tiền đầu tư trực tiếp cho sản xuất phim ít. Điều này khiến phim làm ra có chất lượng kém, không có người xem. Vì vậy, có thể nói, việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, cơ cấu lại sản xuất là chủ trương hết sức đúng đắn của Nhà nước.
Từ khi chính thức đi vào hoạt động, Công ty CP ĐTPT PTVN đã phải nộp 23,2 tỷ đồng nợ đọng tiền thuế do Công ty nhà nước nợ ngân sách để lại trong nhiều năm trước. Quá trình tái cơ cấu sắp xếp lại tổ chức, lao động, sản xuất theo mô hình hoạt động của công ty cổ phần đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của một số cá nhân. Đó là điều tất yếu vì trong thời còn là doanh nghiệp nhà nước, có không ít người không làm việc thường xuyên, không có đóng góp vẫn được trả lương. Nay doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế cổ phần, họ thiếu tinh thần hợp tác, thường xuyên gây mất đoàn kết, tạo dư luận xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động của Công ty CP ĐTPT PTVN cũng như uy tín của nhà đầu tư chiến lược.
Nay xảy ra khủng hoảng, mặc dù đã có sự can thiệp của các cơ quan chức năng trong đó có cả Thanh tra Chính phủ tại Kết luận thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam số 1589/TB-TTCP ngày 19/9/2018 với giải pháp giao cho Bộ VHTT&DL ”Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục theo quy định để cho nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty Vận tải thủy - CTCP xin rút vốn trước thời hạn. Chủ trì làm việc với nhà đầu tư mới đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định và các đơn vị có liên quan thực hiện các quy trình, thủ tục tiếp nhận và chuyển giao Hãng phim truyện Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật...”, tuy nhiên, Bộ này vẫn chưa tìm được nhà đầu tư mới cũng như chưa tìm được nguồn vốn và các quy định của pháp luật hiện hành để thực thi nhiệm vụ nói trên.
Do vậy, nhà đầu tư chiến lược tại công ty cổ phần này cho rằng: Do phải chờ thoái vốn như vậy nên nhà đầu tư chúng tôi không thể tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như đầu tư sản xuất phim đúng như mục tiêu ban đầu, dẫn đến không thể ngăn chặn được tình trạng cơ sở hạ tầng ở đây ngày càng xuống cấp - thực trạng vốn đã xảy ra từ trước khi cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Người lao động không có công việc làm, hàng năm doanh nghiệp vẫn phải chi trả tiền thuê đất và chi phí duy trì mọi hoạt động của công ty. ”Điều đó đã và đang làm cho nhà đầu tư chúng tôi thiệt hại nặng nề” - công văn khẳng định.
Để giải quyết thấu đáo, tháo gỡ mọi khó khăn trong việc giải quyết các vướng mắc tại Hãng phim truyện Việt Nam, Tổng Công ty Vận tải thuỷ - CTCP đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng cho phép nhà đầu tư này được đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng đã cũ nát theo đúng mục tiêu ngành nghề kinh doanh là sản xuất phim và văn hóa điện ảnh. Đầu tư đúng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Về một số dư luận cho rằng nhà đầu tư Tổng Công ty Vận tải thuỷ - CTCP không có chuyên môn về lĩnh vực sản xuất phim, công văn đề nghị Bộ VHTT&DL ”cử người đại diện phần vốn nhà nước có đủ chuyên môn kinh nghiệm và uy tín tham gia Hội đồng quản trị và giữ chức danh Tổng Giám đốc và cam kết hỗ trợ tối đa Tổng Giám đốc trong công tác điều hành doanh nghiệp”. Ngoài ra, nhà đầu tư chiến lược còn bày tỏ thiện chí: ”Ngay sau khi có Tổng Giám đốc mới và kiện toàn bộ máy điều hành sản xuất, nhà đầu tư cam kết sẽ cấp vốn đầu tư ngay để sản xuất phim theo kế hoạch sản xuất của Tổng Giám đốc”.
Cũng tại đây, nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty Vận tải thuỷ - CTCP cũng bày tỏ tâm nguyện: ”Nếu được thực hiện các nội dung nêu trên, chúng tôi tin tưởng sẽ xoá tan được những mối nghi ngờ của một số nghệ sĩ và dư luận về mục đích tư đầu tư của Tổng Công ty Vận tải thủy chúng tôi vào Hãng phim truyện Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng với thế mạnh về nguồn lực tài chính, đầu tư có chiều sâu, cùng với sự phối hợp hiệu quả của người lãnh đạo mới do Bộ VHTT&DL đề xuất có đủ kinh nghiệm và uy tín, kết hợp với kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp cổ phần của nhà đầu tư; sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ VHTT&DL sẽ vực dậy và dần dần phát triển được Hãng phim truyện Việt Nam. Ngoài ra, phương án này cũng giúp nhà nước không phải dùng ngân sách để mua lại cổ phần của nhà đầu tư cũng như không phải đầu tư ngân sách vào doanh nghiệp sau cổ phần hóa”.
Ngọc Kha