Tại hội thảo quốc tế "Nông nghiệp thông minh: Tiềm năng và hiện thực" ngày 25.11, các chuyên gia cho rằng nước ta đã bước đầu đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn chưa có mô hình nông nghiệp thông minh hoàn chỉnh theo đúng khái niệm. Do đó, cần có những giải pháp cụ thể, phù hợp để phát triển nông nghiệp thông minh đúng với tiềm năng.
Yêu cầu tất yếu
Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết, 5 năm qua, xuất khẩu nông sản của Việt Nam không ngừng tăng trưởng, từ 36 tỷ USD năm 2017 giờ đã đạt 44 tỷ USD. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên, nông nghiệp phát triển nhiều về lượng nhưng giá trị vẫn ở mức thấp, muốn tăng trưởng bền vững, tức phải có giá trị gia tăng, thì khâu sản xuất, chế biến, phát triển thị trường… phải tiếp cận kinh tế số, nông nghiệp thông minh.
Ông Toản cho rằng, phát triển nông nghiệp thông minh sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Nông nghiệp thông minh đóng vai trò quan trọng nâng cao năng lực nông dân để tổ chức sản xuất tốt.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) Đào Thế Anh nhận định, 30 năm qua, Việt Nam đã bắt đầu công cuộc cách mạng xanh và đạt nhiều thành tựu rất đáng khích lệ, nhưng ngành nông nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức do tác động lớn của biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt… ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất sử dụng cho nông nghiệp, làm thay đổi tính thích hợp của nền sản xuất nông nghiệp, gây ra sự di chuyển của dịch bệnh… Cùng với đó, thời gian qua ngành nông nghiệp còn phải đối mặt với dịch bệnh diễn biến phức tạp làm đứt gãy chuỗi cung ứng, khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ. Những vấn đề này đòi hỏi phải có một giải pháp căn cơ và nông nghiệp thông minh sẽ giải được bài toán đó.
Công ty CP Đại Thành đã ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp như máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, gieo hạt; Phần mềm truy xuất nguồn gốc Agricheck… Theo ông Nguyễn Đức Trường, Tổng Giám đốc, nông nghiệp thông minh đã giúp Công ty tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra uy tín trên thị trường.
Đẩy mạnh liên kết
Tuy nhiên, dù là nước mạnh về nông nghiệp và đã bước đầu đưa công nghệ vào sản xuất nhưng Việt Nam vẫn chưa có mô hình nông nghiệp thông minh hoàn chỉnh theo đúng khái niệm.
Theo các chuyên gia, cần có giải pháp phù hợp như sự giúp sức của Chính phủ theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cơ cấu lại nền nông nghiệp, quy hoạch vùng để phù hợp với loại cây trồng và điều kiện tự nhiên. Đào tạo nguồn nhân lực tiếp cận công nghệ cao, mở rộng hợp tác quốc tế. Xây dựng và quảng bá thương hiệu có sự cạnh tranh trên thế giới.
Cụ thể hơn, theo ông Đào Thế Anh, cần xây dựng chiến lược kế hoạch hành động chính sách và lộ trình chuyển đổi ở trung ương và địa phương, tích hợp với chuyển đổi số hệ thống lương thực thực phẩm. Tăng cường nghiên cứu đa dạng các kỹ thuật nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thông minh với khí hậu. Song song đó, phát triển liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sinh thái, thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, tiến tới dán nhãn sinh thái. Đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ chuyển đổi nông nghiệp sinh thái, thông minh. Cần những chính sách thúc đẩy các dịch vụ sinh thái và du lịch sinh thái kết hợp, quan trọng phải thu hút đầu tư PPP và phát triển hệ thống quản trị vào nông nghiệp thông minh.
Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hợp tác xã Nông nghiệp số Phạm Quang Hà cho rằng, muốn hình thành nông nghiệp thông minh cần thay đổi chính sách nông nghiêp, chính sách nông thôn, hỗ trợ hạ tầng, cơ sở đầy đủ, hỗ trợ về quản lý và cần có vai trò của các tổ chức mang tính thể chế, kết nối các vùng nông thôn với nhau, bởi liên kết mới phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Quốc Toản cho biết, ở nông thôn hiện nay có đến 63% dân số sử dụng Internet thường xuyên, Bộ sẽ phối hợp với các chuyên gia về nông nghiệp số giúp nông dân có một ứng dụng điện thoại, trong đó có các thông tin về sản xuất, mùa vụ, thị trường, khuyến nông… để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Đặc biệt, ngoài những tổ chức hợp tác có tính chất kết nối song phương, đa phương cũng cần hình thành các nhóm đặc thù, các nhà khoa học, các liên minh ngành hàng cần có sự tương tác thường xuyên để giúp các vùng nông thôn, kinh tế địa phương, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển nông nghiệp thông minh một cách hiệu quả, bền vững.
Theo Đại biểu Nhân dân