STNN - Nông nghiệp đô thị đã và đang là một xu hướng tất yếu trên toàn thế giới nhằm giải quyết các vấn đề về an ninh lương thực, góp phần cung cấp thực phẩm sạch, tăng mảng xanh cho đô thị cũng như tạo môi trường giáo dục, giải trí lành mạnh cho cư dân thành phố.
- Nông nghiệp đô thị là xu hướng tất yếu cho một tương lai bền vững
- Nông nghiệp Nam Phi trước thách thức kép biến đổi khí hậu và an toàn lao động
Nông nghiệp đô thị là xu hướng tất yếu
Nông nghiệp đô thị là việc trồng trọt hay chăn nuôi xen kẽ trong nội đô hay ngoại ô để cung cấp nông sản cho dân địa phương. Theo tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO-The Food and Agriculture Organisation), NNĐT là “việc trồng trọt và chăn nuôi trong hay xung quanh tỉnh/thành phố để làm thực phẩm và các mục đích khác, và những hoạt động liên quan như sản xuất và phân phối, chế biến và tiếp thị các sản phẩm”. Các loại nông sản phù hợp với nông nghiệp đô thị là các loại ngũ cốc, rau, nấm, trái cây, chăn nuôi gia cầm, thỏ, dê, cừu, heo, cá, hoặc các loại rau thơm, cây dược liệu, hoa cảnh, bonsai… thích hợp nhất là các loại rau ăn lá, các loại cây trồng ngắn ngày.
Nông nghiệp đô thị canh tác có thể tại bất kỳ nơi nào trong thành phố hay ngoại ô, tại các khu vườn công cộng, trên mái các tòa nhà, các khu đất trống trong nội đô, ban công hay diện tích trống của nhà ở,đất tư nhân hay công cộng, sân bệnh viện, trường học, nông trại ngoài trời hay nhà kính, miễn đảm bảo các điều kiện về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm và dưỡng chất.
Được sản xuất và phân phối tại chỗ nên thực phẩm từ nông nghiệp đô thị ít tốn phí vận chuyển, đóng gói, lưu trữ; khi đến tay người tiêu dùng rất tươi ngon, giàu dinh dưỡng và có giá cạnh tranh do giảm được các tầng nấc trung gian, tỉ lệ hao hụt do lưu trữ vận chuyển giảm.
Mô hình này cũng không bị tổn hại bởi bão lụt, hạn hán, sự thay đổi của thời tiết, vì thế, người canh tác cũng được lợi nhiều hơn. Đồng thời, mô hình này thường có quy mô nhỏ, nhưng lại dễ dàng tiếp cận công nghệ, quản lý sâu bệnh, phân bón, nước tưới... và giàu tiềm năng về đầu tư, chăm sóc nên thường cho năng suất cao rất nhiều lần nông nghiệp nông thôn.
Theo Michael Hamm, giáo sư về nông nghiệp bền vững Đại học Michigan đã tính toán, với một thành phố có 700 ngàn cư dân, hơn 100 ngàn khoảng đất trống có thể cung cấp 3/4 lượng rau và gần 1/2 lượng quả cho nhu cầu tiêu thụ bằng công nghệ sinh học. Do đó, nông nghiệp đô thị nếu được tổ chức sản xuất tốt sẽ tạo ra nguồn thực phẩm tươi sống và an toàn, điều này thật sự có ý nghĩa trong điều kiện hiện nay, khi yêu cầu về thực phẩm ngày càng tăng về số lượng lẫn chất lượng.
Ngoài ra, mô hình nông nghiệp đô thị với công nghệ phù hợp có thể tái sử dụng chất thải đô thị để làm phân bón, nước tưới,... góp phần quan trọng giảm ô nhiễm môi trường.
Theo nhận định của TS Vũ Thị Quyền - Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Khoa Công nghệ ứng dụng, Trường Đại học Văn Lang, sự gia tăng dân số toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tương lai và đạt trên 9 tỷ người vào 2050; trong đó, gần 70% số người này sẽ sống ở các khu vực đô thị (FAO, 2023). Sự gia tăng dân số đặt áp lực lớn lên hệ thống sản xuất lương thực toàn cầu. Bên cạnh đó, những tác động trực tiếp và gây suy giảm an toàn lương thực toàn cầu còn có: Biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, sự gia tăng đô thị hoá và những thay đổi trong chế độ ăn uống của con người.
Bên cạnh đó, TS Vũ Thị Quyền cũng cho rằng, vấn đề an ninh lương thực không chỉ là việc cung cấp đủ lương thực cho con người mà phải là cung cấp đủ lương thực, thực phẩm an toàn và dinh dưỡng cho nhân loại. Trong bối cảnh đô thị, vấn đề này trở nên đặc biệt quan trọng do sự tăng trưởng dân số đô thị và sự phụ thuộc vào nguồn cung thực phẩm từ xa. Để giải quyết các thách thức về an ninh lương thực trong nông nghiệp đô thị, nhiều nước đã thực hiện mô hình nông nghiệp đô thị thành công.
Một số mô hình tiêu biểu tại các nước trên thế giới
Theo thống kê, tại London (Anh), khoảng 50% số hộ gia đình ở thành phố có vườn, việc làm vườn hiện rất phổ biến và ngày càng tăng, tổng diện tích đất làm vườn chiếm khoảng 10% diện tích tổng thể toàn thành phố; xu hướng chính là trồng cây cảnh và các loại cây có sản phẩm ăn được. Nghề làm vườn ở London có giá trị khoảng 2,7 tỷ bảng Anh/năm. Hầu hết người làm vườn ở London tự sản xuất ra phân hữu cơ để sử dụng, đã giảm lượng chất thải của thành phố đến 40%. Thống kê sản lượng rau và trái cây đã lên đến 232 nghìn tấn, đáp ứng 18% khẩu phần trái cây và rau của toàn thành phố.
Tại Philadelphia (Mỹ), toàn thành phố có trên 550 vườn rau cộng đồng, với 2.812 hộ tham gia, đã sản xuất ra lượng rau và trái cây, với trị giá gần 2 triệu USD/năm. Tại Mỹ, các mô hình sản xuất mới tập trung vào xu hướng nông nghiệp đô thị, chủ yếu là trồng trọt trong nhà, được đánh giá vừa bảo đảm an toàn cho con người và môi sinh, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong bối cảnh dân số đô thị ngày một gia tăng.
Tương tự, tại Jakarta (Indonesia) cũng đã hình thành các vành đai xanh tại các khoảng đất dọc các tuyến đường, bãi bồi ven sông, ven kênh, vùng vành đai bao quanh các tòa cao ốc được tận dụng trồng rau, hoa các loại với mục đích vừa tạo mảng xanh đô thị vừa cung cấp bổ sung nguồn thực phẩm cần thiết cho nội ô. Hầu hết sản phẩm làm ra ở đây được bán trực tiếp cho người tiêu dùng mà không qua thương lái.
Hay như Singapore đang tập trung phát triển mạnh hệ thống canh tác tháp đứng “A Go-Grow” nhằm đại chúng hóa kỹ thuật nông nghiệp trong môi trường đô thị. Các tháp này được đặt trên các tòa cao ốc - nơi cư trú của phần lớn dân cư Singapore. Bình quân mỗi kg rau thuộc dự án đắt hơn rau nhập khẩu 0,20 USD, song chúng tươi ngon hơn do không phải chuyên chở từ xa đến.
Trong khi đó, tại Thái Lan, khái niệm và thực tiễn về “vườn rau đô thị” hay “nông nghiệp đô thị” được thúc đẩy từ năm 2010 bởi Quỹ Nông nghiệp bền vững (Thái Lan) phối hợp với Quỹ Trung tâm Truyền thông Phát triển, Quỹ Đô thị. Đến 2019, nhận thấy người dân thành thị chịu trách nhiệm ít hơn hơn 10% sản lượng lương thực của chính họ; vì vậy nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã là phải đẩy nhanh sự phát triển của mô hình này.
Bên cạnh đó, dựa trên nhận thức chung về các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực, sức khỏe, xã hội và môi trường của người dân thành thị, mục tiêu hợp tác của các tổ chức là nâng cao khả năng tự cung cấp lương thực của người dân thành thị, Trung tâm Đào tạo Nông nghiệp và Mạng lưới Vườn Rau Đô thị ra đời với sự hỗ trợ của Quỹ Xúc tiến Y tế Thái Lan. Đồng thời, Thái Lan cũng đã lập kế hoạch để triển khai mô hình “niềm tin sức khỏe vì lợi ích của nông nghiệp đô thị” nhằm nâng cao sức khỏe con người và thúc đẩy thực hành nông nghiệp đô thị.
Có thể thấy, hàng loạt nước phát triển và đang phát triển đã áp dụng rất rộng rãi nhằm giải quyết các thách thức về vấn đề an ninh lương thực. Tuy nhiên, tại một số nước tiên tiến có xu hướng ứng dụng công nghệ cao, mô hình nông nghiệp đô thị còn được xây dựng với nhiều mục tiêu khác nhau.
Cụ thể, tại Hà Lan, mô hình Uit je eigen stad tại cảng Rotterdam - Hà Lan là kết hợp giữa nuôi cá và trồng rau thủy canh trên 2 ha vốn là đất công nghiệp. Hay tòa nhà Rotunda ở ga số 3 của sân bay quốc tế O’Hare ở Chicago xây dựng 26 tháp khí canh vào năm 2011, sử dụng nước và dưỡng chất từ khâu xử lý nước thải của tòa nhà, không sử dụng phân bón và hóa chất. Sản phẩm thu hoạch được cung cấp cho bữa ăn của hành khách.
Tại Tokyo (Nhật), Pasona O2- nông trại dưới đất của Công ty Pasona rộng 1.000 m2, trồng 100 loại rau có thể xem là biểu tượng của công nghệ cao trong nông nghiệp đô thị, với điểm nhấn là hệ thống ánh sáng.
Hay tại Thụy Sỹ, thành phố Zurich có chính sách phát triển nông nghiệp đô thị nhắm vào nhiều mục tiêu, ngoài sản xuất thực phẩm, phần quan trọng hơn là tạo môi trường đa dạng sinh học, tạo mảng xanh, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ và tạo điều kiện giáo dục cho cư dân thành phố.
Còn tại Trung Quốc, TP Thượng Hải có đến 60% rau, 90% trứng và 800 ngàn việc làm từ nông nghiệp đô thị và Bắc Kinh cũng thu được đến 271 triệu USD mỗi năm do khai thác du lịch từ nông nghiệp đô thị.
Anh Đức - Viết Cừu