
Cứ mỗi kg quả việt quất được bán tại các siêu thị ở Úc, người ta sử dụng khoảng tám hộp nhựa. Với mức tiêu thụ trung bình của người Úc là khoảng 700 gam quả việt quất mỗi năm, thì tình trạng tích tụ rác thải nhựa là điều không thể tránh khỏi. Để ứng phó, những người nông dân trồng việt quất ở miền Nam Tây Úc đã chuyển sang sử dụng hộp giấy có thể phân hủy để giảm thiểu rác thải nhựa.
Sau 6 năm sống ở Anh, Jonathon và Sophie Macri nhận thấy việc tránh sử dụng nhựa ở Úc khó khăn hơn so với Vương quốc Anh và châu Âu. Thất vọng vì thiếu các lựa chọn không chứa nhựa, họ đã hợp tác với một công ty đóng gói ở Queensland để phát triển thiết kế hộp có thể phân hủy và tái chế. Ông Macri cho biết: "Chúng tôi đã thấy các lựa chọn này (các sản phẩm thân thiện với môi trường) ở khắp mọi nơi trên các kệ hàng ở Vương quốc Anh và châu Âu và sau đó, khi trở về Úc, chúng tôi nhận ra rằng không có các lựa chọn đó".
Sáng kiến của họ nhằm mục đích giảm thiểu nhựa dùng một lần và khuyến khích những người khác áp dụng các biện pháp tương tự.
Dữ liệu của Berries Australia cho thấy 43% hộ gia đình ở Úc đã tiêu thụ quả việt quất và trung bình 183 gam cho mỗi lần mua trong giai đoạn 2023-2024. Một báo cáo của Boomerang Alliance, được công bố vào tháng 11/2024, đã nêu bật các lựa chọn không đủ để tránh bao bì nhựa và quá chú trọng vào việc tái chế thay vì loại bỏ việc sử dụng nhựa.
Các hộp giấy có giá đắt hơn một chút so với các hộp nhựa thông thường. "Thực ra chỉ là vấn đề thêm vài xu. Chúng tôi thực sự chỉ nhận được phản hồi tốt, và đây thực sự là những gì mọi người muốn; họ muốn có lựa chọn các sản phẩm không chứa nhựa," bà Sophie Macri nhấn mạnh cam kết đạo đức của họ trong việc giảm thiểu việc sử dụng nhựa. Đây là mùa thứ hai họ bán quả việt quất trong hộp giấy, và họ đã nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.
Ngược lại, các hoạt động lớn hơn như Mountain Blue ở New South Wales phải đối mặt với những thách thức trong việc điều chỉnh vật liệu đóng gói mới cho các dây chuyền đóng gói tự động hiện có. Thử nghiệm thiết kế hộp hoàn toàn có thể tái chế của họ đã nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Melissa Gow, giám đốc thương hiệu và truyền thông của Mountain Blue cho biết: "Chúng tôi đang xem xét thực hiện một thử nghiệm khác ở bờ biển phía đông". Công ty hướng đến khả năng tái chế và phân hủy sinh học, vượt xa nhu cầu hiện tại của các nhà bán lẻ.