STNN – Nông nghiệp đô thị không chỉ đơn thuần là việc trồng trọt trong thành phố nhằm cung cấp thực phẩm, mà còn là việc tạo ra các không gian xanh, giúp cải thiện chất lượng không khí và tạo điều kiện cho cư dân đô thị tiếp xúc với thiên nhiên. Đây sẽ là xu hướng tất yếu cho một tương lai bền vững của đô thị, giúp giảm bớt áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng và môi trường tự nhiên.
- Báo chí giúp thương hiệu và hình ảnh của doanh nghiệp tiếp cận đến người tiêu dùng
- Có nên nhân rộng quy mô nông nghiệp đô thị?
Tìm giải pháp bền vững cho nông nghiệp đô thị
Chiều ngày 06/06/2024, tại Khách sạn Victory (14 Võ Văn Tần, Phường 6, Quận 3, TP.HCM), Báo Kinh tế và Đô thị đã phối hợp với Công ty CP Phân bón Bình Điền, cùng doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp đô thị tổ chức Hội thảo “Nông nghiệp đô thị - lợi ích kép cho người dân đô thị”. Hội thảo có sự tham dự của 150 khách mời đến từ các cơ quan quản lý như đại diện Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT TP.HCM, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp như: GS.TS Nguyễn Văn Bộ - nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Công ty CP Phân bón Bình Điền; TS Nguyễn Đăng Nghĩa - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới TP.HCM, TS Vũ Thị Quyền - Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Khoa Công nghệ ứng dụng, Trường Đại học Văn Lang; cùng đại diện Hội Nông dân TP.HCM, TP Thủ Đức, khối doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp đô thị; đại diện Ban lãnh đạo Công ty CP Phân bón Bình Điền; đại diện Công ty CP Bình Điền – MeKong và hơn 40 nhà báo đến từ các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương đóng trên địa bàn TP.HCM.
Mục tiêu của Hội thảo là phản ánh những bất cập về thực trạng sản xuất nông nghiệp đô thị hiện nay và triển vọng của phát triển nông nghiệp đô thị tại các thành phố lớn thông qua các ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp với các khuyến nghị, đề xuất nhằm mang lại lợi ích kép: nâng cao năng suất, chất lượng thực phẩm, tiết kiệm chi phí cho người dân đô thị.
Cụ thể, Hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề về nông nghiệp đô thị gồm: Nông nghiệp đô thị - khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam; Nông nghiệp đô thị - thành công ở một số quốc gia trên thế giới và Việt Nam; Bức tranh phát triển nông nghiệp đô thị tại một số đô thị lớn tại Việt Nam, lợi ích, triển vọng, giải pháp; Kiến tạo một cộng đồng nông nghiệp đô thị thông minh; Nông nghiệp đô thị xanh - hướng đi cho một tương lai bền vững; Nông nghiệp đô thị - cần các giải pháp nào trong ngắn hạn và dài hạn để đạt lợi ích kép cho người dân đô thị.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Uỷ viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, ở Việt Nam hiện nay, tốc độ đô thị hóa quá nhanh với sự gia tăng về dân số, quá tải hạ tầng, khói bụi từ khí thải tại các thành phố, các khu công nghiệp đã gây ra nhiều hệ lụy, trong đó có vấn nạn ô nhiễm môi trường và sự thiếu hụt về cây xanh, thực phẩm sạch. Những bài toán này hiện đang cần lời giải để giúp người dân đô thị cân bằng lại cuộc sống. Trong đó, phát triển nông nghiệp đô thị là một trong những giải pháp, một xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam khi mà tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh như hiện nay.
“Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp…, những lợi ích từ nông nghiệp đô thị mang lại là vô cùng to lớn như: góp phần phủ xanh đô thị, tăng lượng ôxy trong khu vực đô thị, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ cho người dân đô thị,...” - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho biết.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi cũng chia sẻ thêm, hiện nay các mô hình nông nghiệp đô thị đang phát triển ở Việt Nam theo hai hướng là mô hình nông nghiệp chính quy (được tổ chức sản xuất tập trung tại các không gian rộng như các trang trại, các vùng sản xuất chuyên canh ở ngoại thành) và mô hình nông nghiệp phi chính quy (do các hộ gia đình tận dụng không gian hạn hẹp nơi sinh sống để tự trồng trọt, chăn nuôi). Tuy nhiên, hiệu quả của các mô hình này hiện còn hạn chế do người dân chưa tiếp cận được nhiều công nghệ mới.
Nông nghiệp đô thị là xu hướng tất yếu
Theo GS.TS Nguyễn Văn Bộ - nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Công ty CP Phân bón Bình Điền, việc tăng cường phát triển nông nghiệp đô thị sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề cho xã hội. Có thể kể đến vai trò chính như: Cung cấp bổ sung lương thực, thực phẩm, giảm áp lực cung ứng từ nông thôn và nhập khẩu, nhất là trong thời gian đứt gãy chuỗi cung ứng do chiến tranh, dịch bệnh. Tạo ra chuỗi cung ứng ngắn, nông sản được tiêu thụ trực tiếp do vậy giảm chi phí cho bảo quản, chế biến, giảm thất thoát và lãng phí nông sản. Giảm ô nhiễm môi trường do giảm lượng khí thải từ phương tiện vận chuyển, giảm năng lượng do bảo quản chế biến, giảm ô nhiễm bao bì đóng gói mà hiện tại chủ yếu sử dụng vật liệu nhựa. Tăng cơ hội tuần hoàn hữu cơ, dinh dưỡng, nước thông qua tái sử dụng chất thải, nước thải sinh hoạt, phụ phẩm sản xuất, qua đó giảm chi phí sản xuất và dần tiến tới mô hình sản xuất không chất thải...
“Đô thị hóa là xu thế tất yếu khách quan, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, đầu tư cho phát triển nông nghiệp đô thị chính là đầu tư cho 4 mục tiêu tốt hơn là: Sản xuất tốt hơn, Dinh dưỡng tốt hơn, Môi trường tốt hơn và Sức khỏe tốt hơn; hay nói cách khác là nông nghiệp đô thị mang lại đa lợi ích cho quốc gia, cho mỗi đô thị và cho mỗi cư dân của các đô thị đó” - GS.TS Nguyễn Văn Bộ nhấn mạnh.
Theo TS Vũ Thị Quyền - Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Khoa Công nghệ ứng dụng, Trường Đại học Văn Lang, vấn đề an ninh lương thực không chỉ là việc cung cấp đủ lương thực cho con người mà phải là cung cấp đủ lương thực, thực phẩm an toàn và dinh dưỡng cho nhân loại. Trong bối cảnh đô thị, vấn đề này trở nên đặc biệt quan trọng do sự tăng trưởng dân số đô thị và sự phụ thuộc vào nguồn cung thực phẩm từ xa. Để giải quyết các thách thức về an ninh lương thực trong nông nghiệp đô thị, nhiều nước đã thực hiện mô hình nông nghiệp đô thị thành công.
Trong khi đó, tại Việt Nam quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng trong những năm qua khiến quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Thực tế này đòi hỏi lãnh đạo các địa phương, ngành nông nghiệp cũng như các hộ nông dân phải thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng – vật nuôi, mở ra hướng phát triển cho nông nghiệp đô thị.
TS Vũ Thị Quyền cho rằng, để nông nghiệp đô thị đạt được sự phát triển bền vững, cần có sự chuyển đổi dựa trên đổi mới công nghệ. Và thực sự, khả năng phục hồi, tính bền vững và tính linh hoạt của nông nghiệp đô thị là hướng nghiên cứu chính trong tương lai.
Còn theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa – Chuyên gia Nông nghiệp, trong xu thế phát triển nông nghiệp đô thị, các thành phố và đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long Xuyên... cũng đang manh mún hình thành các mô hình nông nghiệp đô thị, góp phần cung cấp thực phẩm sạch, tăng mảng xanh cho đô thị cũng như tạo môi trường giáo dục, giải trí lành mạnh cho cư dân thành phố.
Dưới góc độ doanh nghiệp, kỹ sư Lê Viết Quang - Công ty Dalat Hasfarm (Đà Lạt, Lâm Đồng) nhấn mạnh, trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, nơi mà hạnh phúc và chất lượng cuộc sống con người đang ngày càng được đề cao, Dalat Hasfarm luôn hướng tới việc sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng cao và thân thiện với môi trường trên cơ sở phát triển bền vững.
Cũng tại buổi Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp có chung nhận định, trong bối cảnh tình trạng quỹ đất mỗi ngày một thu hẹp, nếu phát triển nông nghiệp theo kiểu truyền thống sẽ gặp nhiều khó khăn, nên việc phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ vào sản xuất xu thế tất yếu.
Nông nghiệp đô thị là việc trồng trọt hay chăn nuôi xen kẽ trong nội đô hay ngoại ô để cung cấp nông sản cho dân địa phương. Theo tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), nông nghiệp đô thị là “việc trồng trọt và chăn nuôi trong hay xung quanh tỉnh/thành phố để làm thực phẩm và các mục đích khác, và những hoạt động liên quan như sản xuất và phân phối, chế biến và tiếp thị các sản phẩm”. Các loại nông sản phù hợp với nông nghiệp đô thị là các loại ngũ cốc, rau, nấm, trái cây, chăn nuôi gia cầm, thỏ, dê, cừu, heo, cá, hoặc các loại rau thơm, cây dược liệu, hoa cảnh, bonsai… thích hợp nhất là các loại rau ăn lá, các loại cây trồng ngắn ngày.
Nông nghiệp đô thị canh tác có thể tại bất kỳ nơi nào trong thành phố hay ngoại ô, tại các khu vườn công cộng, trên mái các tòa nhà, các khu đất trống trong nội đô, ban công hay diện tích trống của nhà ở, đất tư nhân hay công cộng, sân bệnh viện, trường học, nông trại ngoài trời hay nhà kính, miễn đảm bảo các điều kiện về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm và dưỡng chất. Được sản xuất và phân phối tại chỗ nên thực phẩm từ nông nghiệp đô thị ít tốn phí vận chuyển, đóng gói, lưu trữ; khi đến tay người tiêu dùng rất tươi ngon, giàu dinh dưỡng và có giá cạnh tranh do giảm được các tầng nấc trung gian, tỉ lệ hao hụt do lưu trữ vận chuyển giảm. Nông nghiệp đô thị cũng không bị tổn hại bởi bão lụt, hạn hán, sự thay đổi của thời tiết, vì thế, người canh tác cũng được lợi nhiều hơn. Nông nghiệp đô thị thường có quy mô nhỏ, nhưng lại dễ dàng tiếp cận công nghệ, quản lý sâu bệnh, phân bón, nước tưới,… và giàu tiềm năng về đầu tư, chăm sóc nên thường cho năng suất cao hơn rất nhiều lần nông nghiệp nông thôn. Nông nghiệp đô thị nếu được tổ chức sản xuất tốt sẽ tạo ra nguồn thực phẩm tươi sống và an toàn, điều này thật sự có ý nghĩa trong điều kiện hiện nay, khi yêu cầu về thực phẩm ngày càng tăng về số lượng lẫn chất lượng. Nông nghiệp đô thị với công nghệ phù hợp có thể tái sử dụng chất thải đô thị để làm phân bón, nước tưới,... góp phần quan trọng giảm ô nhiễm môi trường. |
Anh Đức - Thảo Ly