Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu sửa đổi quy định về tài chính cho nghiên cứu KHCN, không để một quy trình mà chứng từ thanh toán dày hơn cả công trình nghiên cứu. PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) đã nêu ra một số ý kiến về vấn đề này.
3 rào cản chính trong cơ chế
Không phải ngẫu nhiên mà trong buổi họp gần đây với Bộ KHCN người đứng đầu Chính phủ có những phát biểu như vậy về thực trạng nghiên cứu khoa học ở nước ta hiện nay.
Điều này không hề mới, gần như các nhà khoa học ở Việt Nam đều đang gặp trong thực tế nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ KHCN.
Có 3 rào cản chính trong cơ chế nghiên cứu khoa học hiện nay, đó là cơ chế xét duyệt đề tài; cơ chế triển khai nghiên cứu và cơ chế về thủ tục tài chính.
Khi một nhà khoa học có ý tưởng cho một đề tài nghiên cứu cấp Bộ và đăng ký thực hiện để xin ngân sách tài trợ, việc trước tiên phải làm bộ hồ sơ theo quy định của Bộ KHCN theo Thông tư số 10/2014/TT-BKHCN ban hành ngày 30/5/2014 và Thông tư số 23/2014/TT-BKHCN ngày 19/9/2014 sửa đổi một số điều trong Thông tư số 10/2014/TT-BKHCN.
Cụ thể, gồm 5 loại đơn và thuyết minh: Đơn đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia; Thuyết minh đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm hoặc thuyết minh đề án khoa học; Lý lịch hoạt động KHCN của tổ chức chủ trì; Lý lịch khoa học của cá nhân đăng ký chủ nhiệm, người tham gia và Giấy xác nhận phối hợp nghiên cứu.
Trong đó, mất công nhất là thuyết minh đề tài, nhất là các đề tài mang tính tổng hợp khi vừa phải phát triển một chủ đề công nghệ hay khoa học kết hợp thử nghiệm trong cộng đồng và đánh giá ý kiến xã hội rất rắc rối vì không có biểu mẫu chung, trong khi từng loại có thuyết minh khác nhau.
Các thủ tục cũng được đề cập trong Thông tư mới nhất số 08/2017/TT-BKHCN ngày 26/6/2017 của Bộ KHCN quy định việc tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước dưới các hình thức đề tài, đề án khoa học, dự án sản xuất thử nghiệm, dự án KHCN thuộc các chương trình quốc gia.
Việc thực hiện lý lịch khoa học của tổ chức chủ trì và cá nhân cũng là một rào cản cho các nhà khoa học trẻ, đặc biệt khi họ không có một tổ chức chủ trì mạnh.
Nếu trong đề tài có sự phối hợp với các chuyên gia hay nhà khoa học nước ngoài cũng phải có sơ yếu lý lịch khoa học của chuyên gia nước ngoài kèm theo giấy xác nhận về mức lương chuyên gia (có được giấy xác nhận này cũng là một trở ngại vì “tế nhị”). Văn bản chứng minh năng lực nhân lực KHCN, trang thiết bị của đơn vị phối hợp và khả năng huy động vốn từ nguồn khác để thực hiện (trường hợp có đơn vị phối hợp, huy động vốn từ nguồn khác).
Trong các văn bản kể trên, phải kèm theo các văn bản pháp lý, cam kết và giải trình khả năng huy động vốn từ các nguồn ngoài ngân sách nhà nước đạt ít nhất 70% tổng kinh phí đầu tư (báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong 2, 3 năm gần nhất; cam kết cho vay vốn hoặc bảo lãnh vay vốn của các tổ chức tín dụng; cam kết pháp lý và giấy tờ xác nhận về việc đóng góp vốn của tổ chức chủ trì và các tổ chức tham gia dự án). Ngoài ra, phải có thêm bảng báo giá thiết bị, nguyên vật liệu chính cần mua sắm để thực hiện nhiệm vụ KHCN.
Tuy có những phức tạp hồ sơ như vậy, các nhà khoa học vẫn có một lo ngại khi đưa ý tưởng, phương pháp nghiên cứu cụ thể, địa bàn và cách triển khai cho rõ ràng khi xét duyệt mà “nhỡ” không được chọn các thông tin này có thể bị tiết lộ cho một người nào khác và họ có thể “đạo ý tưởng” khoa học này.
Đã có nhiều trường hợp, hồ sơ nghiên cứu khoa học khi nộp bị bác bỏ nhưng một thời gian sau thấy có một đề tài “tương tự gần 100%” như vậy xuất hiện ở một nhóm nghiên cứu khác. Điều này hạn chế việc đề xuất ý tưởng trong nước, nên một số nhà khoa học “để dành” ý tưởng đó cho một dự án hợp tác nào đó mà họ tin chắc mình sẽ được thực hiện.
Nếu một đề xuất may mắn vượt qua khâu xét duyệt từ một Hội đồng hay Tổ thẩm định, việc triển khai cũng gặp lắm gian nan. Khi đó nhà khoa học sẽ mệt nhoài với những bước nghiên cứu đã được chấp nhận, nếu chẳng may có những sự cố, tai nạn trong quá trình triển khai thật khó khăn để giải trình, điều chỉnh và xin gia hạn.
"Có những quy định mà người chủ trì đề tài không được quyền “mềm dẻo, linh hoạt” khi những điều kiện nghiên cứu thực tế thay đổi so với dự kiến. Có khá nhiều chủ nhiệm đề tại chọn những chủ đề chung chung, có sẵn một số kết quả trước đó và tránh những phức tạp tiềm năng. Nếu một đề tài nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực xã hội hay có chút “nhạy cảm” liên quan đến “yếu tố nước ngoài” việc triển khai luôn trở ngại, rất phiền lòng và giảm nhiệt tình các nhà khoa học." PGS.TS Lê Anh Tuấn. |
Ngoài các quy định của Bộ KHCN mà phần lớn các trường Đại học thuộc Bộ GD&ĐT áp dụng, các ngành khác cũng tạo ra những quy định của đơn vị mình. Theo đó, các đề tài nghiên cứu cấp bộ hoặc cấp tỉnh trường Đại học Y Dược thuộc Bộ Y tế, từ khi có thông báo đăng ký đề xuất đến lúc hoàn thành đề tài phải qua 20 bước, một bước có những quy định riêng.
Trường Đại học Điện lực thuộc Bộ Công thương quy định đề tài nghiên cứu phải qua 7 bước đăng ký xét duyệt đề tài, nếu được chấp nhập đi qua 13 bước thực hiện đề tài và cuối cùng phải lưu trữ 16 bộ hồ sơ khác nhau.
Bộ NN-PTNT cũng ban hành hẳn một Thông tư 18/2015/TT-BNNPTNT ngày 24/4/2015 gồm 19 mẫu băn bản, hồ sơ, báo cáo… để tuyển chọn, giao trực tiếp, thực hiện, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Bộ.
Mơ ước được khoán chi!
Thật ra, điều này cũng là đặc điểm chung của những công trình nghiên cứu khoa học được triển khai trên thế giới. Cái khó nhất và được coi là rào cản lớn nhất ở Việt Nam vẫn là thủ tục thanh toán, quyết toán.
Phần lớn các nhà khoa học chỉ chuyên nghiên cứu mà không nắm hết các quy định pháp luật rất nhiêu khê về tài chính và kế toán mà đề tài ít khi nào có ngân sách dành hẳn để chi trả cho việc thuê mướn các chuyên viên này.
Gần như trong cơ chế của chúng ta, không được xây dựng trên cơ sở xác tín nên khái niệm “khoán chi” khó có thể áp dụng, mỗi bước thực hiện phải có giấy từ chứng minh, từ việc đi lại, mua vật phẩm nhỏ lẻ, trả công nhật cho người làm thuê phải có hợp đồng, chấm công, biên nhận, thậm chí các việc đơn giản như đi lấy số liệu, phỏng vấn cũng phải kèm lý lịch khoa học, mã số thuế và bằng cấp người làm thuê, đôi khi phải “hơp thức hoá hồ sơ”.
Trong bộ hồ sơ quyết toán nộp cho bộ phận kiểm soát tài chính, ngoài các chứng từ hoá đơn, đôi khi còn buộc nhà khoa học phải nộp luôn phiếu điều tra, biểu ghi chép số liệu, bản đồ, thuyết minh khoa học, bản in các bài báo, bài trình bày,… Do vậy, mới có tình trạng “chứng từ thanh toán dày hơn cả công trình nghiên cứu” như Thủ tướng đã nói.
"Các Bộ chủ quản ở các lĩnh vực thực tế cũng rất hiếm đề xuất nhiệm vụ, hay “đặt hàng” cho các nhà khoa học theo sát với các vấn đề thực tiễn trong xã hội mà phần lớn chỉ chờ những đề xuất từ các nơi đưa về. Lâu nay, việc khoán chi dựa vào lòng tin, sự xác tín gần như không còn. Nếu không có sự sửa đổi hay điều chỉnh việc dỡ bỏ rào cản cho mong muốn áp dụng KHCN vẫn chậm chạp và vấn nạn thiệt hại cho tiến trình phát triển đất nước chưa thể cải thiện." PGS.TS Lê Anh Tuấn. |
Với cơ chế hiện nay, xem qua việc quản lý tài chính rất kín kẽ, nhưng thực tế kinh phí nghiên cứu khoa học vẫn thất thoát và rất lãng phí lớn. Đôi khi vì phải có kinh phí nghiên cứu mà nhà khoa học buộc phải “gian dối không muốn có” trong thủ tục giấy tờ, ảnh hưởng sự tự trọng và nhân cách cá nhân nhà khoa học. Tình trạng các nghiên cứu sau khi hoàn tất các giai đoạn, cuối cùng cất kín trong ngăn tủ, không được đưa ra áp dụng thực tế cũng là một rào cản tồn tại dai dẳng nhiều năm qua.
Theo NNVN