Phần lớn sông băng ở Himalaya sẽ tan chảy do biến đổi khí hậu

STNN - Theo cảnh báo của nhóm nghiên cứu toàn cầu, 80% sông băng có thể biến mất vào năm 2100 nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 4 độ C.

STNN - Dãy núi Himalaya trông sẽ hoàn toàn khác khi phần lớn sông băng ở đây tan chảy trong khoảng 80 năm tới, nếu biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng. Theo cảnh báo của nhóm nghiên cứu toàn cầu, 80% sông băng có thể biến mất vào năm 2100 nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 4 độ C.

Báo cáo mới của Trung tâm Phát triển vùng núi quốc tế (ICIMOD) nêu rõ, những lớp băng và tuyết khổng lồ này đang tan chảy với tốc độ "chưa từng có". Những thay đổi này "gần như không thể đảo ngược".

Các nhà khoa học cảnh báo khi các sông băng tan chảy, thảm họa di chuyển chậm này sẽ tạo ra làn sóng lũ lụt, sạt lở đất và tuyết lở phá hủy các hệ sinh thái mỏng manh, cơ sở hạ tầng và đất nông nghiệp quý giá trong khu vực rộng lớn. Theo ước tính, khoảng hai tỷ người trong khu vực này, ở cả vùng núi cao và vùng hạ lưu, có thể gặp nguy hiểm nếu tình trạng nóng lên toàn cầu vẫn tiếp diễn như hiện nay.

Khu vực Hindu Kush Himalaya trải dài hơn 2.100 dặm, đóng vai trò cực kỳ quan trọng vì chứa "khối lượng băng lớn nhất Trái Đất nằm bên ngoài các vùng cực" và thường được gọi là "Cực thứ ba".

Nước từ các sông băng của khu vực Hindu Kush Himalaya cung cấp nước cho một số con sông nổi tiếng nhất trên Trái Đất bao gồm sông Hằng, sông Ấn, sông Mê Kông, sông Dương Tử và sông Hoàng Hà. Tất cả các con sông này đều đã và đang là nguồn cung cấp nước quan trọng cho các nền văn minh lớn trong lịch sử.

Các sông băng tan chảy cũng có thể tác động gián tiếp đến những nơi xa như Hoa Kỳ và có thể cả thế giới. Izabella Koziell, Phó Tổng giám đốc ICIMOD bày tỏ lo ngại rằng: “Những người bị mất kế sinh nhai (2 tỷ người, chiếm 1/4 dân số thế giới), họ sẽ đi đâu?”.

Theo vista.gov.vn