Phát huy hiệu quả công trình thủy lợi lớn nhất Tây Nam Bộ

Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé (tỉnh Kiên Giang) giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, được xem là công trình thủy lợi có quy mô lớn nhất Tây Nam Bộ. Vùng hưởng lợi từ công trình này lên tới 384.120 ha thuộc các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng; trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.241 ha.

Cống Cái Lớn, một trong những hạng mục chính của dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé. Ảnh: Quốc Trinh

Dự án khởi công từ tháng 10/2019, trong đó một nửa thời gian thi công trong hoàn cảnh hết sức khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Dù vậy, công trình vẫn về đích vượt tiến độ thời gian, đưa vào vận hành trước kế hoạch, mang lại lợi ích to lớn về kinh tế-xã hội cho cả vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của đất nước.

Chủ động kiểm soát nguồn nước sản xuất

Những ngày cuối năm, trên công trường xây dựng Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé, lượng công nhân đã giảm nhiều, những hạng mục chính đã hoàn tất. Công nhân đang tập trung thi công một số hạng mục phụ như tượng đài, công viên, đường dẫn, gắn đèn chiếu sáng, trồng cây xanh… Không chỉ là một công trình thủy lợi điều tiết nước đơn thuần, đây còn là một công trình cầu giao thông tầm cỡ của tỉnh Kiên Giang, bắt qua hai con sông lớn nhất tỉnh là Cái Lớn và Cái Bé. Ngành du lịch Kiên Giang cho biết công trình thủy lợi này sẽ trở thành một địa chỉ du lịch, một điểm đến thu hút du khách trong tương lai. Ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị đại diện chủ đầu tư dự án khẳng định, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé hoàn thành không chỉ người dân tỉnh Kiên Giang mà cả Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng cũng được hưởng lợi. Dự án có ý nghĩa rất lớn trong việc kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt); tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo các hệ sinh thái (ngọt, mặn-lợ, ngọt-lợ luân phiên) cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù trong điều kiện dịch bệnh rất khó khăn, phức tạp, giá vật tư tăng cao, nhưng các đơn vị thi công đã nỗ lực để hoàn thành sau hai năm, sớm hơn dự kiến ban đầu nhiều tháng. “Để duy trì thi công trong điều kiện nguy hiểm của dịch Covid-19, hàng nghìn công nhân đã thực hiện nghiêm phương châm “ba tại chỗ”, tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Đặc biệt, địa phương sớm phân bổ vắc-xin phòng Covid-19, công nhân tuân thủ thông điệp 5K. Nhiều kỹ sư, công nhân chịu cảnh xa gia đình trong thời gian dài. Tất cả cùng đồng lòng quyết tâm hoàn thành sớm dự án thủy lợi quan trọng này đưa vào phục vụ nhân dân”, ông Lê Hồng Linh chia sẻ.

Chưa thực hiện nghi thức khánh thành, nhưng từ đầu mùa khô này một số cống đã vận hành điều tiết nước, giúp cho hàng nghìn hộ dân thuộc các huyện Châu Thành, Gò Quao, An Biên, An Minh, U Minh Thượng… (Kiên Giang) chủ động được nguồn nước trong sản xuất và sinh hoạt. Anh Huỳnh Văn Mộng, 37 tuổi, ngụ ấp Lô 2, xã Hưng Yên, huyện An Biên nói: “Tôi không còn lo vườn cây ăn trái, hoa màu bị chết vì nhiễm mặn, thiếu nước tưới, vì hệ thống cống Cái Lớn-Cái Bé đã vận hành. Chúng tôi sản xuất theo hệ sinh thái ngọt nên muốn có nước ngọt quanh năm. Nước ngọt nhiều thuận lợi trồng cây ăn trái, lúa, nuôi cá, thậm chí nuôi được tôm càng xanh trong ruộng lúa”. Anh Lê Quốc Đạt (36 tuổi), ấp Tây Sơn 1, xã Đông Yên, huyện An Biên cho biết nhà có gần 20 công ruộng, nhưng đất ruộng luôn bị nước mặn xâm nhập, sản xuất bấp bênh. “Nông dân ở đây trồng hai vụ lúa trong năm. Vụ đông xuân khá hơn, nhưng với điều kiện phải đủ nước ngọt và không bị nước mặn xâm nhập. Trước đây, năm nào mùa mưa kết thúc sớm là nông dân nơm nớp lo sợ nước mặn xâm nhập vào nội đồng. Lúa không chết khô trên đồng thì cũng lép hạt… Cống Cái Lớn-Cái Bé đi vào vận hành, nông dân không còn lo thiếu nước ngọt. Khi chủ động được nguồn nước ngọt, bà con sẽ tính đến phương án trồng hai vụ lúa, một vụ màu để góp phần nâng cao thu nhập”, anh Đạt phấn khởi nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đánh giá: “Việc đưa vào vận hành hệ thống cống sớm hơn một mùa khô đã góp phần bảo đảm an toàn nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, Kiên Giang đã không phải triển khai đắp các đập tạm ven sông Cái Bé, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng”. Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Kiên Giang Nguyễn Huỳnh Trung cho biết: Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé cùng với 18 cống trên tuyến đê biển Kiên Giang đã tăng cường khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên, nguồn nước và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho khu vực rộng khoảng 99.000 ha thuộc các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Châu Thành và khoảng 110.000 ha thuộc các huyện Kiên Lương, Giang Thành, Hòn Đất (trong đó vùng tác động trực tiếp khoảng 100.000 ha).

Hạng mục công trình Cống Cái Bé. Ảnh: Văn Dương

Khai thác lợi thế của công trình

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Trần Chí Hùng, những năm qua, vùng giáp sông Nước Trong và sông Nước Đục thuộc huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh luôn chịu ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn từ triều biển Tây. Xác định dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé sẽ mở ra cơ hội cho nông dân nơi đây ổn định sinh kế, cải thiện sản xuất và nâng cao thu nhập. Năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang triển khai thực hiện thí điểm bốn mô hình sinh kế sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn-lợ, thích ứng biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát, bao gồm mô hình lúa-rau màu và mô hình trồng mãng cầu xiêm, đại diện cho khu vực sinh thái ngọt; mô hình khóm-thủy sản và mô hình lúa-tôm đại diện cho khu vực sinh thái mặn-lợ. Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện các mô hình sinh kế này khoảng 25 tỷ đồng. “Bước đầu triển khai bốn mô hình sinh kế này đạt yêu cầu, người dân đồng tình hưởng ứng. Nhờ áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất giúp nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo chuỗi liên kết gia tăng hiệu quả hơn; nâng cao kỹ thuật canh tác, sử dụng nguồn nước, vệ sinh môi trường, xử lý đồng ruộng của người dân trong khu vực dự án. Mở ra cơ hội xúc tiến thương hiệu cho vùng sản xuất, hợp tác doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm”, ông Trần Chí Hùng đánh giá.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, để khai thác lợi thế từ dự án, Sở và Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ các huyện khởi động những mô hình sinh kế. Theo đó, các mô hình sinh kế thích ứng với nguồn nước được kiểm soát khi vận hành cống Cái Lớn-Cái Bé được triển khai ở các huyện An Biên, An Minh, Châu Thành, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Gò Quao với 26 mô hình sản xuất khác nhau, đáp ứng nhu cầu liên kết chuỗi với diện tích 950 ha. Các địa phương đã thành lập và củng cố 20 hợp tác xã, với tổng kinh phí đầu tư 51 tỷ đồng, nhằm mục tiêu sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm. Riêng tại huyện Gò Quao thực hiện bốn mô hình sinh kế bền vững theo hướng an toàn sinh học, phù hợp điều kiện thực tế như: mô hình tôm-lúa; cây ăn trái; khóm-cau-dừa; khóm-tôm.

Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai nhận định: Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé vận hành giúp tiến trình xâm mặn ở Cà Mau đến chậm hơn, muộn hơn, đặc biệt là các khu vực sản xuất lúa-tôm nằm giáp ranh với tỉnh Kiên Giang. Hiện nay, sản xuất ở khu vực phía bắc tỉnh Cà Mau gồm các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và một phần TP Cà Mau phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. Năm nào lượng mưa ít thì có khoảng 120.000 ha đất canh tác vùng ngọt bị thiếu nước sản xuất trầm trọng. Đó là chưa tính đến nhu cầu bổ sung một lượng lớn nước ngọt phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng vào khoảng tháng 4 hằng năm, tổng diện tích hơn 30.000 ha.

Để giải quyết bài toán nước ngọt phục vụ sản xuất cho Cà Mau, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam cho rằng, trong nghiên cứu dự án giai đoạn 1 đã xác định mục tiêu dài hạn khi đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé có điều kiện chuyển một phần lượng nước ngọt hoặc nước có độ mặt thấp theo trục kênh Chắc Băng-Sông Trẹm-Sông Đốc về cho Cà Mau phục vụ các mô hình sinh kế khác nhau. Tuy nhiên, khi có cống Cái Lớn-Cái Bé và Âu thuyền Ninh Quới vận hành chỉ có thể giúp kiểm soát mặn vùng phía bắc sông Cái Lớn và một phần phía nam sông Cái Lớn (khoảng 42.000 ha). Nhưng nếu chỉ cống Cái Lớn-Cái Bé và Âu thuyền Ninh Quới thì sẽ chưa thể tiếp nước ngọt cho Cà Mau và huyện An Minh, một phần huyện An Biên tỉnh Kiên Giang. “Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đầu tư giai đoạn tiếp theo của dự án Cái Lớn-Cái Bé, có thêm các giải pháp cống để dẫn nước, tiếp ngọt cho Cà Mau và các vùng lân cận. Khi có thêm nguồn nước ngọt, không chỉ hơn 200.000 ha hệ ngọt ở Cà Mau chủ động được nguồn nước sản xuất mà địa phương có thể tận dụng nước ngọt dẫn về để chế biến thành nước sinh hoạt cho người dân và phục vụ cho phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô”, ông Tô Quốc Nam chia sẻ.

Theo Nhân dân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây