Phát triển giá thể công nghiệp cho làng hoa Sa Đéc

STNN - Tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, các nhà khoa học ở Trường Đại học Nông Lâm TPHCM đã xây dựng thành công quy trình sản xuất giá thể chất lượng, sạch bệnh, phù hợp cho từng loại hoa kiểng và tăng lợi nhuận cho người trồng hoa hơn 30%.

Làng hoa Sa Đéc thuộc TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, là một trong những làng hoa nổi tiếng và lâu đời nhất miền Tây Nam Bộ. Được hình thành từ cuối thế kỷ 19, nép mình thơ mộng bên dòng sông Tiền, làng hoa có diện tích hơn 500 ha với hàng trăm loài hoa bốn mùa đua nở và nhiều loại cây cảnh khác nhau.

Nghề trồng hoa ở Sa Đéc ban đầu chỉ là một hoạt động nông nghiệp nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu địa phương. Tuy nhiên, nhờ vào điều kiện thổ nhưỡng phù sa màu mỡ của vùng Đồng Tháp Mười và tay nghề tinh xảo của người dân, làng hoa đã dần phát triển và mở rộng, được nhiều du khách biết đến. Tháng 2/2018, “Làng hoa kiểng Sa Đéc” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Để có những vườn hoa rực rỡ, tràn đầy sức sống thì giá thể đóng vai trò quan trọng. Các vật liệu có thể sử dụng để làm giá thể trồng hoa kiểng gồm đất mặt, đất cát, đất thịt, than bùn, rơm rạ, bùn, vỏ đậu phộng,…

Giá thể ở Làng hoa kiểng Sa Đéc hiện chủ yếu được làm từ rơm và vỏ trấu, chưa hoàn toàn sạch bệnh và chưa thể hiện tính chuyên biệt cho từng loại, nhóm hoa kiểng khác nhau. Bên cạnh đó, việc sản xuất theo cách thủ công đã làm tăng giá thành sản phẩm.

Để tìm ra được nguồn nguyên liệu phù hợp làm giá thể cho từng loại hoa kiểng chủ lực ở Làng hoa Sa Đéc, đồng thời giảm giá thành sản phẩm, Sở KH&CN Đồng Tháp đã đặt hàng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm nguyên liệu và giá thể trồng hoa kiểng quy mô công nghiệp.

gia-the-hoa-kieng-stnn-1738724242.png
Sản xuất giá thể sạch bệnh. Ảnh: NNC.

Theo nhóm nghiên cứu, ủ phân compost được xem là một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả trong việc xử lý nguồn phụ phẩm nông nghiệp, tạo thành những sản phẩm có giá trị như giá thể, phân bón hoặc chất cải tạo đất phục vụ cho trồng trọt. Một số nguyên liệu sử dụng làm giá thể trồng hoa như mụn dừa, bùn mía, phân bò,… phải được ủ compost trước khi sử dụng, phối trộn làm giá thể nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ đối với cây trồng.

Phương pháp ủ compost truyền thống được nông dân áp dụng phổ biến là gom vật liệu ủ, chất đống và chờ hoai mục. Quy trình này khá đơn giản và dễ áp dụng. Tuy nhiên thời gian ủ còn dài (30 - 45 ngày), chất lượng sản phẩm sau ủ chưa cao, chưa sạch bệnh do không kiểm soát được diễn biến phát sinh trong quá trình lên men của đống ủ. Ngoài ra, giá thể cũng chưa phù hợp với từng loại cây trồng.

Dựa trên các nguồn phụ phẩm hiện có tại tỉnh Đồng Tháp, nhóm nghiên cứu đã tạo ra nguyên liệu làm giá thể có tính ổn định, sạch bệnh quy mô công nghiệp. Cụ thể, giá thể MX1 gồm 30% bã nấm rơm, 50% mụn dừa, 20% phân bò, và chế phẩm Trichoderma được ủ compost trong 28 – 35 ngày. Giá thể MX2, gồm 5% bùn đá ao, 65% rơm rạ, 30% phân bò và chế phẩm Trichoderma ủ trong 28 - 35 ngày. Giá thể được tạo ra đáp ứng yêu cầu về chỉ tiêu chất lượng theo QCVN 01-189:2019/BNNPTNT về chất lượng phân bón.

TS. Trần Văn Thịnh, Chủ nhiệm Dự án, cho biết, trong quá trình ủ compost, các thông số về độ ẩm, pH, lưu lượng khí,… được nhóm tính toán và điều chỉnh tùy theo đặc điểm của thành phần nguyên liệu đầu vào. Hệ thống thổi khí tự động được lập trình sẵn, tích hợp trong bộ vi xử lý, kết nối với các đầu dò đo nhiệt độ, ẩm độ của khối ủ để kiểm soát quá trình ủ, nhờ vậy sản phẩm tạo ra đảm bảo chất lượng và sạch bệnh.

gia-the-hoa-kieng-stnn-2-1738724242.png
Thử nghiệm trồng hoa chuông bằng giá thể do nhóm sản xuất. Ảnh: NNC.

Ngoài ra, nhóm cũng xác định cụ thể công thức sản xuất giá thể cho từng loại hoa như hồng leo, tỷ muội, cúc mâm xôi, đồng tiền, dạ yến thảo, cát tường, hoa chuông,… được trồng tại Sa Đéc. Chẳng hạn, cây hồng leo gồm 65% MX1 + 25% MX2 + 10% than sinh học từ vỏ trấu; hồng lửa gồm 70% MX1 + 20% MX2 + 10% than sinh học từ vỏ trấu… Mô hình thử nghiệm, ứng dụng các giá thể này cho hiệu quả kinh tế của các loại hoa kiểng tăng từ 24,4 - 32,4% so với mô hình giá thể đối chứng, đang được sử dụng phổ biến tại Sa Đéc.

Theo nhóm nghiên cứu, người dân có thể dễ dàng thực hiện các quy trình làm giá thể trồng hoa kiểng mà nhóm đã xây dựng, với quy mô 10 - 15 tấn/mẻ ủ. Đây cũng là mô hình điểm để lan tỏa cho các địa bàn lân cận học tập, nhân rộng trong việc tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để tạo giá thể sạch trồng hoa kiểng.