Phát triển xanh - cơ hội và thách thức của năng lượng sạch

STNN - Đây là một nội dung thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, doanh nghiệp... tại Hội thảo chuyên đề "Năng lượng mặt trời: Lợi ích kép cho doanh nghiệp xuất khẩu" do Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA) là đơn vị chủ trì tổ chức, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng giải pháp năng lượng tái tạo giảm thiểu carbon, tối ưu hóa chi phí năng nượng và thúc đẩy phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam.

Lợi ích kép của năng lượng mặt trời 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là yêu cầu cấp bách để đảm bảo sự phát triển bền vững cho đất nước. Điều này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực xây dựng nền kinh tế xanh và bền vững.

vcea-1-1743156490.jpg
Ông Nguyễn Xuân Quy – CEO Công ty Nam Việt Hưng, PCT kiêm Trưởng VP đại diện VCEA tại TP.HCM phát biểu khai mạc Hội thảo - Ảnh Hoài Nam.

Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách và chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, với mục tiêu tăng cường nguồn cung năng lượng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế lên hai con số trong kỷ nguyên mới. Đặc biệt, việc phát triển năng lượng sạch sẽ nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, đồng thời thực hiện cam kết của Chính phủ tại COP26 về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.

Nhiều nghị định đã được ban hành kịp thời cùng với việc triển khai Luật Điện lực mới 2024 và bổ sung Quy hoạch điện 8. Tất cả những chính sách này đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời.

vcea-2-1743156489.jpg
Ông Nguyễn Thượng Quân, Tổng Giám đốc Công ty CPCN Tích Hợp Sao Nam, hội viên của VCEA, đã chia sẻ về lợi ích kép cho nhà máy chuyển đổi xanh - giảm tiền điện - Ảnh: Hoài Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thượng Quân cho biết, điện mặt trời là một trong những phương thức chuyển đổi xanh nhanh chóng và hiệu quả. Đối với đầu tư 1MWp cho nhà máy, bức xạ tại miền Nam Việt Nam cho phép sản xuất trung bình từ 3,8 đến 4,2 MWh mỗi ngày, với trung bình khoảng 4MWh/ngày, tương đương 1.460 MWh mỗi năm.

Hệ thống này tạo ra 1.460 I-REC, giảm phát thải 1.168 tấn CO2, tương đương với 1.168 tín chỉ carbon. Thời gian lắp đặt cho hệ thống 1MWp thường từ 6 đến 8 tuần và chi phí đầu tư khoảng 8-10 tỷ đồng, tùy vào công nghệ inverter.

Tiết kiệm chi phí điện từ hệ thống có thể lên đến hơn 110 tỷ đồng trong suốt vòng đời dự án, với thời gian hoàn vốn từ 3 đến 3,5 năm. Các giả định bao gồm suy giảm hiệu suất hệ thống khoảng 1% mỗi năm và giá điện tăng 6% hàng năm. Điều này cho thấy rõ lợi ích kép của năng lượng mặt trời, vừa bảo vệ môi trường vừa mang lại lợi ích kinh tế.

Xu hướng phát triển năng lượng sạch trên thế giới

vcea-3-1743156490.jpg
Các đại biểu và doanh nghiệp tại buổi Hội thảo - Ảnh: Hoài Nam.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang tích cực đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nghiên cứu, chế tạo các công nghệ hiện đại nhằm khai thác tiềm năng của nguồn năng lượng sạch. Năng lượng mặt trời, một nguồn năng lượng dồi dào và bền vững, có thể được khai thác trong khoảng 5 tỷ năm tới.

Các nhà khoa học ước tính rằng nếu lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời trên một tòa nhà cao 1 km, sản lượng điện có thể đạt tới 200 MWp, đủ cung cấp cho khoảng 200.000 hộ gia đình. Năng lượng mặt trời đã bắt đầu được ứng dụng rộng rãi từ những năm 1950, và hiện nay, các quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này bao gồm Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Ý, Mỹ, Pháp và Tây Ban Nha. 

vcea-4-1743156490.jpg
Đoàn đại biểu tham quan doanh nghiệp - Ảnh: Hoài Nam.

Các nguồn năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Ví dụ, một hệ thống điện mặt trời công suất 1MWp lắp đặt trên mái nhà xưởng có thể sản xuất từ 120.000 đến 150.000 kWh điện mỗi tháng, tương đương hơn 1,5 triệu kWh mỗi năm. Hệ thống này giúp giảm phát thải khoảng 1.000 tấn CO2 hàng năm, tương đương với việc trồng hơn 17.000 cây xanh.

Trong suốt vòng đời khoảng 25-30 năm, hệ thống này có thể giảm tổng lượng phát thải khoảng 25-30 tấn CO2. Rõ ràng, việc đầu tư vào năng lượng tái tạo như điện mặt trời không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho hộ gia đình và doanh nghiệp thông qua việc tự sản xuất điện sạch cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, mà còn góp phần bảo vệ môi trường một cách hiệu quả.

vcea-5-1743156490.jpg
 

Lợi thế khi phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Tại Việt Nam, năng lượng mặt trời cũng đang được khai thác và phát triển, chủ yếu thông qua công nghệ nhiệt mặt trời, được sử dụng để đun nước nóng và sưởi ấm hoặc làm mát không gian. Việt Nam sở hữu tiềm năng năng lượng tái tạo phong phú, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Với tổng số giờ nắng lên đến hơn 2.500 giờ mỗi năm và bức xạ trung bình khoảng 230-250 kcal/cm², khả năng khai thác năng lượng mặt trời ở Việt Nam rất thuận lợi, đặc biệt ở khu vực phía Nam. 

Hội thảo là cơ hội quan trọng để các nhà đầu tư, nhà thầu EPC, nhà sản xuất và các tổ chức tài chính quốc tế gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Chắc chắn, sự kết nối và hợp tác chặt chẽ giữa các bên sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam. 

Nguyễn Nam – Hoài Nam