Phê duyệt đề án bảo tồn và mở rộng quy mô phát triển cây Sâm Báo trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc

STNN – Sâm Báo từng được mệnh danh là “Đại Việt đệ nhất danh Sâm”. Việc bảo tồn và mở rộng quy mô phát triển cây Sâm Báo trở thành cây dược liệu chủ lực của huyện Vĩnh Lộc có ý nghĩa quan trọng, nhằm bảo tồn và mở rộng quy mô phát triển cây Sâm Báo, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Cây Sâm Báo mọc trên vùng núi Báo thuộc làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng được chúa Trịnh Sâm tôn vinh là “Quế Trà bồng Sâm Hồng Lĩnh” và là “Đại Việt đệ nhất danh sâm”. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong quá trình trồng và sản xuất cây Sâm Báo, nên chưa phát huy hết được hiệu quả kinh tế mà loài cây này đem lại. Chính vì vậy, cần có biện pháp nhằm bảo tồn và mở rộng quy mô phát triển cây Sâm Báo trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc để đưa cây Sâm Báo trở thành cây dược liệu chủ lực của huyện, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Thực trạng phát triển cây Sâm Báo trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc

Cây Sâm Báo là cây dược liệu quý có từ lâu đời, được người dân trồng ở vùng núi Báo xã Vĩnh Hùng. Đây là loài cây ưa sáng, ưa ẩm, thích hợp với đất nhiều mùn, tơi xốp, có lớp đất mặt sâu, thoát nước tốt, đất không giữ nước, nhiều ánh sáng nên thích hợp trồng ở vùng đất đồi thấp.

Về mặt y học, củ Sâm Báo có vị đắng, có tính mát, có thể giải nhiệt cho nên được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, nước uống, thực phẩm bổ dưỡng. Bên cạnh đó, đây cũng là cây mang lại giá trị kinh tế cao cho ngành nông nghiệp, ngành dược; từ đó, góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Chính vì những lợi ích của cây dược liệu quý này mà các triều đại phong kiến xưa đã nhận xét cây Sâm Báo là “Đại Việt đệ nhất danh sâm”. Sách “Thanh Hóa Vĩnh Lộc huyện chí” của Lưu Công Đạo viết “Nước Nam có nhiều sâm, chỉ có sâm đất Biện Thượng công hiệu hơn hẳn các nơi khác. Dùng nhân sâm ở núi Báo nhiều hiệu nghiệm kỳ lạ”.

Trước đây, Sâm Báo được trồng rải rác trên núi Báo, núi Gạch Xây, núi Sóc Sơn, núi Dựng, núi Voi, núi Rùa… thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc. Những năm gần đây, nhận thấy được giá trị dinh dưỡng cũng như giá trị kinh tế mà cây Sâm Báo đem lại, nhân dân xã Vĩnh Hùng và một số xã lân cận đang dần khôi phục lại diện tích trồng Sâm Báo.

Năm 2021, diện tích trồng Sâm Báo toàn huyện đạt 15ha, trong đó xã Vĩnh Hùng có diện tích trồng sâm lớn nhất địa bàn là 10ha. Năng suất trung bình dao động từ 1 – 1,5 tấn/ha; đặc biệt có hộ trồng đạt năng suất 3 tấn/ha. Tính tổng thu nhập bình quân đạt được là từ 200- 600 triệu/ha. Huyện Vĩnh Lộc dự kiến diện tích trồng Sâm Báo trên toàn địa bàn trong năm 2022 ước tính đạt 25ha, chủ yếu tập trung vào các xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Hưng, Minh Tân và Vĩnh Hòa. Song, cây Sâm Báo dễ bị thối củ với tỷ lệ chết từ 50 – 60% sẽ làm giảm năng suất cũng như hiệu quả kinh tế cho người trồng sâm do mưa nhiều vào các tháng 7, tháng 8, tháng 9.

Các sản phẩm chế biến từ cây Sâm Báo tại huyện Vĩnh Lộc rất đa dạng với nhiều công dụng khác nhau như: cao Sâm Báo, siro Sâm Báo, nước uống bổ dưỡng Sâm Báo, rượu Sâm Báo, mặt nạ Sâm Báo… do các đơn vị doanh nghiệp, các hợp tác xã chịu trách nhiệm về mặt quy trình sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên cả nước. Nhìn chung, hiệu quả kinh tế mà cây Sâm Báo đem lại cao khi giá bán ra các thị trường tự do dao động từ 200.000 – 500.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế, thiếu sót trong việc ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất, chế biến cây Sâm Báo, chủ yếu theo kiểu truyền thống. Ngoài ra, diện tích trồng cây Sâm Báo còn nhỏ lẻ, tự phát và chưa được quy hoạch thành vùng sản xuất chuyên canh, dẫn tới mối liên hệ giữa sản xuất và tiêu dùng còn lỏng lẻo.

Phê duyệt đề án bảo tồn và mở rộng quy mô phát triển cây Sâm Báo giai đoạn 2022 -2025, định hướng đến năm 2030

Căn cứ vào Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, huyện Vĩnh Lộc đề ra các mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm bảo tồn và phát triển cây Sâm Báo phải gắn liền với phát triển kinh tế, xã hội, môi trường; phát huy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương; giải quyết những khó khăn, thách thức để đưa cây Sâm Báo phát triển trở thành cây chủ lực của huyện và tạo được thương hiệu Sâm Báo Vĩnh Lộc.

Thứ nhất, xây dựng thành công 2ha vườn cây đầu dòng Sâm Báo hoa vàng (tại xã Vĩnh Hùng) để bảo tồn nguồn gen bản địa, đồng thời đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa công nhận nguồn gốc cây Sâm Báo hoa vàng để gieo trồng và nhân giống, cung cấp giống để nhân rộng cho diện tích trồng Sâm Báo của toàn huyện. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn việc đưa các giống sâm bên ngoài vào khu vực bảo tồn và phát triển Sâm Báo trên địa bàn huyện.

Thứ hai, tập trung phát triển và mở rộng diện tích Sâm Báo. Đến năm 2025, diện tích Sâm Báo toàn huyện đạt 120ha, được trồng theo phương thức tập trung và phân tán trên diện tích đất đồi dưới 15o dốc. Cụ thể trong năm 2022, dự kiến trồng được 25ha tại các xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Hưng, Vĩnh Hòa và Minh Tân; năm 2023, dự kiến trồng được 40ha tại các xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Hưng, Vĩnh Hòa và Minh Tân (trong đó: duy trì trồng 25ha và phát triển trồng thêm 15ha); năm 2024, dự kiến trồng được 77ha tại các xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Hưng, Vĩnh Hòa, Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc và Minh Tân; năm 2025, dự kiến trồng 120ha tại các xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Hưng, Vĩnh Hòa, Vĩnh Long, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Minh Tân và Vĩnh An.

Thứ ba, hình thành, phát triển các cơ sở chế biến Sâm Báo tập trung; đưa vào thị trường tiêu thụ các sản phẩm Sâm Báo và khẳng định được giá trị về kinh tế, xã hội trong nước. Từ đó, giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn ở địa phương; giữ vững ổn định chính trị – xã hội địa phương, đảm bảo môi trường sinh thái.

Cuối cùng, duy trì nguồn gen bản địa tại núi Báo xã Vĩnh Hùng và phát triển diện tích trồng Sâm Báo toàn huyện đạt khoảng 250ha. Đồng thời, nâng cao chất lượng của các sản phẩm Sâm Báo nhằm hướng tới thị trường nước ngoài.

Với những tiềm năng vốn có về điều kiện tự nhiên, địa lý, điều kiện kinh tế xã hội để phát triển và mở rộng quy mô của cây Sâm Báo, huyện Vĩnh Lộc phấn đấu bảo tồn và phát triển cây Sâm Báo dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững và ứng dụng linh hoạt tiến bộ khoa học kỹ thuật. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân về giá trị kinh tế của cây Sâm Báo; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, gìn giữ và phát huy những giá trị nhân văn đa dạng phong phú.

Trần Thành

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây