
Thông hai lá dẹt (có tên khoa học là Pinus krempfii) là loài thực vật đặc hữu, quý hiếm, chỉ phân bố tại cao nguyên Langbiang và vùng phụ cận. Các nhà thực vật học khẳng định "đây là loài duy nhất còn sót lại từ chi thực vật cổ đại", là "hóa thạch sống" của Kỷ Đệ Tam, có họ hàng chỉ được biết đến qua các mẫu hóa thạch.
Quần thể vừa được vinh danh gồm 108 cây cổ thụ có tuổi đời từ 700-1.000 năm, cao trung bình từ 35-40 mét, được xem là quần thể thông hai lá dẹt lớn nhất Việt Nam và thế giới hiện nay. Không chỉ là biểu tượng của sự trường tồn, loài cây này còn là minh chứng sống động cho giá trị của hệ sinh thái rừng nguyên sinh và những nỗ lực bảo tồn thiên nhiên bền vững ở Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà.
Ngay sau lễ đón nhận danh hiệu Cây Di sản Việt Nam, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà cũng đã phát động trồng cây, bổ sung quần thể thông hai lá dẹt và thông 3 lá và 5 lá. 30 cây thông hai lá dẹt và 500 cây thông 5 lá và 3 lá do Vườn nhân giống, đã được các đại biểu, cán bộ, người lao động và người dân địa phương tham gia trồng tại các khu vực dọc theo Quốc lộ 27C và các khu vực rải rác trong Vườn Quốc gia.

Việc quần thể thông hai lá dẹt cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực bảo tồn di sản thiên nhiên. Sự kiện này không chỉ khẳng định giá trị sinh thái của loài cây mà còn nhấn mạnh vai trò thiết yếu của việc bảo tồn đa dạng sinh học; góp phần thúc đẩy mối liên kết giữa cộng đồng địa phương và môi trường sống, tạo ra nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc gìn giữ thiên nhiên cho thế hệ tương lai.
Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà tự hào đã được UNESCO công nhận là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang vào năm 2015, được công nhận là Vườn Di sản ASEAN vào năm 2018. |