STNN - UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Kế hoạch số 1240/KH-UBND, ngày 23/6/2023, về việc triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh.
- Nâng cao đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp
- Trao giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam lần thứ 28
Phát triển KHCN và ĐMST là nhiệm vụ quan trọng
Kế hoạch hướng đến cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng nhiệm vụ và giải pháp trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN và ĐMST) ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh; đồng thời, xác định phát triển KHCN và ĐMST là nhiệm vụ quan trọng tạo nền tảng, động lực cho phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, dựa trên cơ sở nâng cao tiềm lực nghiên cứu, chuyển giao trong nước và tiếp thu thành tựu KHCN nước ngoài, chú trọng công nghệ nguồn, công nghệ lõi, thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư; coi trọng phát triển nguồn nhân lực, triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh để phát huy tối đa tài năng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ KHCN nông nghiệp, các tổ chức KHCN công lập hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Mục tiêu cụ thể: giúp nâng cao đóng góp của KHCN và ĐMST vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp thông qua các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN của các tổ chức KHCN công lập và khu vực tư nhân. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng ngành Nông nghiệp ở mức 50% trở lên; nhân rộng quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt 40% trở lên; kết quả các nhiệm vụ KHCN có sản phẩm là giống cây trồng, vật nuôi, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật... được ứng dụng vào sản xuất đạt 90% vào năm 2025 và đạt trên 95% trở lên vào năm 2030; khuyến khích các doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ cao (CNC) có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại các vùng sinh thái theo hướng bền vững: xây dựng 02 - 03 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC và hỗ trợ để có ít nhất 05 - 10 doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; tỷ lệ doanh nghiệp nông nghiệp có hoạt động ĐMST chiếm 60% vào năm 2025 và 85% vào năm 2030.
Kế hoạch cũng đã giao nhiệm vụ cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể như: trồng trọt, bảo vệ thực vật; chăn nuôi, thú y; thủy sản; lâm nghiệp;... Trong đó, nhấn mạnh một số chương trình trọng điểm trong việc phát triển KHCN và ĐMST ở lĩnh vực nông nghiệp: phát triển công nghệ sinh học; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển và áp dụng công nghệ số trong nông nghiệp; phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải nhà kính;...
Chi tiết văn bản xem tại đây.
PV