STNN - Ngày 20/12, UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế tổ chức hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn.
- Yên Bái sẵn sàng cho chương trình du lịch “Về miền Đất Ngọc” lần thứ III
- Xúc tiến phát triển du lịch, công nghiệp vùng trong và sau đại dịch Covid-19
Hội thảo nhằm đánh giá tiềm năng, lợi thế và những thách thức trong phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Hướng Hóa, chia sẻ các xu hướng, kinh nghiệm trong phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam làm cơ sở cho việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại các bản dân tộc thiểu số ở huyện Hướng Hóa.
Hướng Hóa là huyện miền núi ở phía Tây tỉnh Quảng Trị. Nơi đây có khí hậu ôn hòa, địa hình núi rừng đa dạng, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, không gian lễ hội đặc sắc phong phú của các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô; đặc biệt, 2 năm trở lại đây, Hướng Hóa trở thành trung tâm năng lượng điện gió của tỉnh, đây là những “tiềm năng đặc biệt” cho du lịch cộng đồng, tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm đời sống văn hóa địa phương.
Xác định tập trung xây dựng 3 nhóm sản phẩm du lịch có tiềm năng, gồm: du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử và cộng đồng - làng nghề, thời gian qua, huyện Hướng Hóa đã khảo sát, đầu tư phát triển du lịch tại địa phương. Trên địa bàn Hướng Hóa có nhiều mô hình du lịch homestay, farmstay được triển khai thí điểm đem lại hiệu quả, thu hút đông đảo khách du lịch.
Tại hội thảo, thông qua một số mô hình du lịch cộng đồng ở các tỉnh hiện đang hoạt động hiệu quả được đại diện Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế giới thiệu, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý tìm ra giải pháp phù hợp, hiệu quả để thúc đẩy du lịch cộng đồng ở Hướng Hóa ngày càng phát triển bền vững.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Trọng Hổ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, so với các địa phương trong tỉnh, có thể đánh giá Hướng Hóa là một trong những vùng có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Hướng Hóa có nhiều danh thắng đẹp, hùng vỹ và cơ bản vẫn còn nguyên sơ chưa có sự tác động của con người; thời tiết khí hậu mát mẻ quanh năm; nền nông nghiệp phát triển bền vững với nhiều nông sản mang tính đặc trưng; các dự án điện gió đi vào hoạt động tạo nên những cánh đồng điện gió bạt ngàn thu hút đông đảo du khách đến tham quan; trải nghiệm bản sắc văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Với những tiềm năng đặc trưng riêng có của vùng miền, Hướng Hóa đang dần thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm hàng năm.
Thời gian qua, đã có nhiều đợt khảo sát của các cấp, các ngành, các đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiến hành khảo sát, định hướng đầu tư phát triển du lịch tại địa phương. Đặc biệt có rất nhiều đơn vị, cá nhân đã mạnh dạn xây dựng ý tưởng và triển khai mô hình thí điểm bước đầu đem lại kết quả khả quan, hàng năm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nhất là vào các ngày nghỉ cuối tuần, các dịp Lễ, Tết.
Tuy nhiên, nhìn một các tổng quan, việc khai thác những tiềm năng sẵn có để phát triển ngành du lịch trên địa bàn huyện Hướng Hóa hiện nay chưa triệt để. Cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành du lịch; công tác tuyên truyền quảng bá chưa chuyên nghiệp, mô hình “Du lịch cộng đồng” tại các vùng dân tộc thiểu số còn ít; việc xây dựng và kết nối các tour, tuyến với các tỉnh lân cận còn hạn chế… Từ những hạn chế như vậy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa mong muốn có các giải pháp thiết thực để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, đưa Hướng Hóa trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn ở tỉnh Quảng Trị; đến năm 2030, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo định hướng của tỉnh, của huyện thì cần có sự chung tay của Nhà nước - cơ quan quản lý, của các nhà đầu tư, và các cá nhân trực tiếp làm du lịch.
Hoàng Nghĩa