Ra mắt “Nguyễn Thị Hồng – Thơ tuyển”

STNN – Cho đến giờ, sau khi sự kiện ra mắt cuốn sách “Nguyễn Thị Hồng – Thơ tuyển” đã khép lại được 1 tuần rồi mà cảm giác “giật mình” của tôi vẫn còn nguyên vẹn. Bởi lâu nay, thường được lui tới thăm hỏi, trò chuyện với vợ chồng nhà văn Hoàng Quốc Hải và nhà thơ Nguyễn Thị Hồng ở phố Pháo Đài Láng mà tôi thật vô tâm, có lỗi quá khi không hay biết gì mấy đến một Nguyễn Thị Hồng thi sĩ có thơ hay đến vậy.

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng phát biểu cảm tưởng.

Trước thềm Ngày Thơ Việt Nam 2023, ngày 31/1/2023, tức ngày mồng 10 Tết Quý Mão vừa qua, người chuyên đóng vai “phụ” của gia đình nhà văn Hoàng Quốc Hải đã trở thành nhân vật chính trong một buổi lễ ra mắt một tập thơ tuyển thật trang trọng, ấp áp tại khuôn viên nhỏ nhắn giữa Hồ Văn – Quốc Tử Giám, Hà Nội, trong sự hân hoan đón chào của hàng chục bạn bè, anh em thân thiết trong và ngoài giới văn chương. Buổi ra mắt tập thơ thu hút nhiều tên tuổi trong giới văn nghệ, như: nhà thơ Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Bằng Việt, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên…

Phát biểu cảm tưởng của nhà thơ, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

Tập thơ “Nguyễn Thị Hồng Thơ tuyển” do NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành trong tháng 12/2022, gồm 100 bài thơ, 1 đoản khúc và 1 trường ca, bên cạnh đó còn có phần “Tác phẩm và dư luận”.

Phát biểu cảm tưởng của nhà thơ, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh.

Hôm nay, trong mắt các nhà phê bình văn học, các độc giả yêu mến, vẻ đẹp bình dị, thầm lặng của thơ bà lại được dịp tỏa sáng. Ấy là những câu thơ chân thành mà không thiếu vẻ nồng nàn kiêu hãnh khi bà viết về quê hương xứ sở, về thiên nhiên hoang dại và sáng trong, về tình yêu, và tình yêu con người trong một thế giới có rất nhiều đổ vỡ, thất vọng nhưng con người luôn vươn tới vẻ đẹp cao cả, hoàn thiện. Người đọc có thể cảm nhận được điều này qua các bài thơ gây ấn tượng sâu sắc nhất như: Gọi thu, Thu cảm, Lời tượng nhà mồ, Lá cỏ…

Tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện trình bày thơ của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng trong tiếng đệm đàn tranh của TS. Trần Đoàn Lâm, nguyên Giám đốc NXB Thế Giới.

Thơ bà không gây tiếng vang hay sự ồn ào, nhưng vẻ đẹp lặng lẽ của nó đã khắc sâu vào lòng bạn đọc. “Có thể coi thơ bà như một điển hình của thơ hướng nội… bà đã đánh dấu tâm hồn mình vào không gian của thơ bà” – nhà thơ Vũ Quần Phương cảm nhận. Như bài Gọi thu dưới đây, được bà “thốt” lên trong những năm 1990:

“Làm sao tìm lại mùa thu dịu dàng
Ngày em còn nhỏ, gót trần lang thang
Bầu trời thì xanh, chuồn chuồn thì đỏ
Lúa vàng dệt lụa giăng trên đồng làng

Làm sao tìm lại mùa thu dịu dàng
Tóc em mềm quá gió đùa miên man
Nước suối thì trong viên cuội thì trắng
Em mang tình anh một thời say đắm

Làm sao tìm lại mùa thu dịu dàng
Sao Hôm thì buồn sao Mai thì sáng
Nước suối thì trong viên cuội thì trắng
Em như cô Tấm trong tình anh mang

Làm sao tìm lại mùa thu dịu dàng
Người em yêu ơi bao mùa thu sang
Biết anh còn nhớ mùa thu đầu ấy
Anh đưa em qua suối nguồn xiết chảy

Em như viên cuội rơi rồi dưới đáy
Anh về bến cũ vớt mùa thu lên.”

Có thể nói, đây là những câu thơ được cho là đầy “nữ tính” – trữ tình, đằm thắm, dịu dàng, sâu lắng, miên man… Có người nói, Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng là người có một ưu thế kép hồn nhiên, như trời cho, đó là sự giản dị song sinh với tinh tế; trí tuệ kết tinh từ cảm xúc.

Quang cảnh lễ ra mắt tập thơ.

Giữa cuộc sống nhiều ồn ào, xô bồ, nếu trút bỏ muộn phiền, bằng cái tâm tĩnh lặng người đọc mới có thể thấy cái hay, cái đẹp của câu chữ trong thơ Nguyễn Thị Hồng – theo nhà thơ Bằng Việt.

Từ trái sang: nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, vợ chồng nhà văn Hoàng Quốc Hải – nhà thơ Nguyễn Thị Hồng, nhà văn Trần Nhương, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám hôm 31/1.

Còn theo nhà thơ Hữu Thỉnh, theo dõi quá trình cầm bút của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng nhiều năm nay, ông ấn tượng với giọng điệu thơ giàu tính hàm súc của tác giả. Ông thích cách bà viết về sự dùng dằng giữa mùa đông và mùa xuân trong giây phút giao thoa của đất trời trong bài Tháng Giêng: “Nửa còn vương vấn rét đài/ Nửa rây nắng để má ai dậy hồng/ Nửa dùng dằng với mùa đông/ Rét như rét của nỗi lòng chia xa”.

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng sinh năm 1948 ở Hưng Hà, Thái Bình. Bà tốt nghiệp Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 11. Bà công tác nhiều năm ở Nhà xuất bản Phụ nữ, có 15 năm làm Trưởng ban biên tập sách Văn học trong nước. Bà từng xuất bản nhiều tập thơ như Em ra đi (1990), Gọi thu (1992), Biển đêm (1996), Những bông hoa thiên sứ (2001), Cuộc bàn giao vĩnh cửu – hồn khèn (thơ và trường ca, 2003)… Bà được trao nhiều giải thưởng văn học danh giá như: Giải thưởng Thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (cho bài thơ Bình dị), Giải thưởng Văn học Thăng Long 5 năm (cho bài thơ Em ra đi), Giải thưởng Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (cho tập thơ Cuộc bàn giao vĩnh cửu – hồn khèn)…

Bài, ảnh: Ngọc Kha

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây