Sáng ngời phẩm chất người lính cụ Hồ trong cuộc chiến chống Covid-19

“Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Đó là lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Quân đội Nhân dân Việt Nam nhân kỷ niệm 20 năm thành lập (ngày 22/12/1964). Trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, quân đội ta đã chứng tỏ là đội quân của nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu, đặc biệt trong cuộc chiến chống Covid-19.

Quân đội Nhân dân Việt Nam tiền thân là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập vào ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) theo chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân lúc mới thành lập chỉ với 34 chiến sĩ cùng 34 khẩu súng, Đội trưởng là ông Hoàng Sâm. Khi vừa thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã đánh thắng hai đồn Phai Khắt, Nà Ngần và tạo tiền đề để hình thành nhiều tổ chức vũ trang trên khắp các tỉnh miền Bắc.

Trải qua 77 năm, từ 34 chiến sĩ ở rừng già Trần Hưng Đạo đã “khoét núi, ngủ hầm” 9 năm dài để làm nên một “Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đến một đội quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” suốt 20 năm để đuổi giặc Mỹ cho nước nhà thống nhất, non sông thu về một mối. Từ 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ban đầu đã trở thành đội quân “sống hoá đá” bảo vệ biên giới phía Bắc. Trải qua hơn ¾ thế kỷ, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã lần lượt đánh đuổi các đội quân xâm lược, bảo vệ toàn vẹn non sông đất nước. Trong thế kỷ 21, khi tiếng súng đã im trên đất nước thì Quân đội Nhân dân Việt Nam lại phải chiến đấu với “giặc” thời bình: giặc Covid.

Từ khi có đại dịch Covid-19, Việt Nam đã trải qua gần 2 năm với 4 đợt dịch lớn. Trong đó, đợt dịch thứ tư với biến thể Delta để lại hậu quả nặng nề nhất và tàn khốc nhất. Nhưng ở đâu có khó khăn gian khổ thì ở đó có những người lính Cụ Hồ. Ở làn sóng dịch lần thứ tư bùng phát mạnh ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, quân đội với phương châm “An toàn của nhân dân là mệnh lệnh từ trái tim người lính” đã thực hiện chi viện cho miền Nam chống dịch. Từ tháng 9/2021 thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu của TP. Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng đã chi viện hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ vào miền Nam chống dịch. Lực lượng Quân y được tăng cường triển khai 13 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 với hơn 6 nghìn giường bệnh, thành lập hàng trăm tổ Quân y cơ động, tổ vắc xin, hơn 1.100 tổ lấy mẫu xét nghiệm, tăng cường xuống cơ sở thực hiện truy vết, xét nghiệm, tiêm ngừa, tư vấn sức khỏe và điều trị F0 tại nhà có hiệu quả…

Các chiến sĩ học viên Lục quân trong lễ xuất quân vào miền Nam chống dịch. Ảnh: Học viên lục quân

Khi tình hình dịch bệnh trở nên quá phức tạp, Thủ tướng đã ra chỉ thị “Ai ở đâu, ở yên đó” thì Quân nhu lại đóng vai trò cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm hàng ngày cho người dân tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, giúp người dân ổn định cuộc sống và để công cuộc phòng chống dịch được hiệu quả. Trong đợt dịch, quân đội đã huy động các loại phương tiện xe tải, tàu thủy, máy bay; vận chuyển hơn 20 nghìn tấn hàng hóa; thu hoạch nông sản giúp nhân dân và vận chuyển hơn 15 nghìn túi an sinh đến từng hộ gia đình.

Túi an sinh được các chiến sĩ chuyển tới người dân. Ảnh: Tôi yêu lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam

Trải qua 77 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, đối mặt với biết bao thử thách, khắc nghiệt, Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn tỏ rõ bản lĩnh của một đội quân cách mạng, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn nhất mực trung thành, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chủ động, sáng tạo, mưu trí dũng cảm, quyết chiến, quyết thắng, gắn bó máu thịt với Nhân dân. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đặt trọn niềm tin yêu vào Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Hoàng Sơn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây