Sepon Group và khát vọng cùng nông dân thu về tiền tỉ từ cây ném

STNN - Sau nhiều lần thất bại, đến nay Sepon Group đã thành công trong bảo quản củ ném. Trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ cùng người dân đưa củ ném trở thành hàng hóa đạt giá trị hàng trăm tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống cho bà con nông dân.
sepon-group-stnn-1-1729914082.jpg
Củ ném là loại gia vị quen thuộc trong những bữa ăn của người miền Trung, và là một trong những đặc sản của tỉnh Quảng Trị.

Trao đổi về mô hình tuần hoàn từ trồng, bảo quản và tiêu thụ củ ném ở Quảng Trị với phóng viên, kỹ sư Hồ Xuân Hiếu – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group) chia sẻ: “Củ ném còn gọi là hành tăm, là loại gia vị quen thuộc trong những bữa ăn của người miền Trung. Ném còn được dùng để làm thuốc chữa rất nhiều bệnh vô cùng hiệu quả. Đây là một cây trồng có giá trị của các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng của tỉnh ta (tỉnh Quảng Trị - PV). Điểm nghẽn ở đây là chưa có giải pháp đồng bộ, tối ưu về bảo quản củ ném. 

Hiện tại, bà con nông dân mới chỉ trồng được 200 ha ném, trong khi diện tích có thể trồng được ở 4 huyện trên lên đến 600–700 ha. Bản thân tôi cũng học hỏi nhiều nơi, song chưa có chỗ nào có phương án bảo quản ném một cách tối ưu. Bởi vậy, chúng tôi bàn bạc trong công ty, quyết định thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về bảo quản củ ném”.

sapon-group-stnn-2-1729914082.jpg
Kỹ sư Hồ Xuân Hiếu (người ngồi bên phải) tại khu vực bảo quan củ ném của Sepon Group.

Để thực hiện đề tài cũng như tìm ra phương án tối ưu trong bảo quản ném, kỹ sư Hiếu đã đi thực tế, học tập ở rất nhiều nơi cả ở trong nước cũng như nước ngoài, sau đó trở về triển khai tại Quảng Trị. Trước khi nghiên cứu thành công mô hình bảo quản ném này, kỹ sư Hiếu cho biết ông và các cộng sự của doanh nghiệp ông đã gặp rất nhiều khó khăn, thất bại, tốn kém tiền của. Điển hình như, ném bị ra rễ, mọc mầm, bị khô mất trọng lượng hay bị bỏng nhiệt...

“Khi triển khai thực tế tại địa phương, chúng tôi đã họp công ty và lên ý tưởng triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học. Nhóm nghiên cứu gồm 5 thành viên, trong đó có tôi. Kinh phí để thực hiện đề tài, công ty hỗ trợ ½ và cá nhân tôi bỏ ra ½ để cùng nhau nghiên cứu, tìm ra các giải pháp. Quan trọng nhất là chúng tôi phải luôn luôn đồng hành cùng người dân, từ khi bắt đầu thu hoạch cho đến khi đưa vào nghiên cứu bảo quản. Chúng tôi theo dõi, ghi chép nhật ký và tìm ra các nguyên nhân thất bại để từ đó tìm ra các giải pháp khắc phục” - ông Hiếu cho biết.

Về thiết bị bảo quản: “Đối với bảo quản kho lạnh, để chống đông đá, hẩm thì cần phải có quạt thông gió và phải ghi chép nhật ký tỉ mỉ, cụ thể về thời gian, xuất xứ theo vùng, số lượng,… để khi thành công thì mình triển khai cho bà con một cách tối ưu nhất" - ông Hiếu chia sẻ thêm.

Dự kiến sắp tới Sepon Group sẽ triển khai đầu tư kho lạnh ở nhiều nơi để đảm bảo thu mua hết sản phẩm cho bà con trồng ném. Và đặc biệt, để đảm bảo đầu ra cho nông dân, Sepon Group cũng dự kiến sẽ triển khai sàn giao dịch ném để bà con lựa chọn. Sepon Group sẽ thu mua sản phẩm của bà con, hoặc nếu muốn bà con có thể gửi sản phẩm vào kho để sản phẩm được bảo quản đúng chuẩn.

“Tính sơ bộ, diện tích có thể trồng ném ở Quảng Trị là khoảng 600 ha, sản lượng 8 tấn/ha và giá thành thu mua tại ruộng là 40.000 đồng/kg thì có thể thu về tổng doanh thu là 192 tỷ đồng. Hy vọng trong thời gian tới Sepon Group sẽ cùng người dân đưa củ ném trở thành hàng hoá với giá trị thương mại hàng trăm tỷ” - ông Hiếu phấn khởi chia sẻ.

Đoàn Thuận